Mùa đào nở

TAP CHÍ LANGBIAN|4/27/2021 10:59:21 AM

Mùa đào nở

ĐẶNG THỊ THANH LIỄU

 

Đã ba năm nay rồi, năm nào người đàn ông ấy cũng đến vườn đào của tôi mua trọn cây trong  vườn chở vô Sài Gòn bán. Mỗi năm cứ đến ngày mười lăm tháng chạp âm lịch là người ấy đến vườn đào. Ba năm trở lại đây vườn đào của tôi, ông là người chiếm lĩnh độc quyền. Tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tiên ông đến hỏi mua đào. Ông mua một cách dễ dãi, không mặc cả nhiều, không chê khen. Tôi thích bán cho những người như thế.

- Thưa ông, ông mua về trưng Tết hay là mua bán lại?

- Tôi mua bán lại.

Tôi nhìn người đàn ông. Trông ông ta không giống như những người kinh doanh khác. Ông ăn mặc tươm tất, lịch sự như một quan chức.

- Ông bán lại ở đâu? Sao biết vườn đào của tôi mà đến?

- Có một người bạn giới thiệu. Tôi mua đào và chở vào Sài Gòn. Chị ra giá đi.

Sau một lượt tham quan vườn, ông ta bằng lòng mua và cho người chặt bỏ lên xe.

***

Năm thứ ba, ông lại đến cũng vào ngày này tháng này. Và việc mua đào cũng tiến triển tốt đẹp như hai năm trước. Nhưng có một điều đáng nói là ngôi nhà nhỏ của tôi năm nay bỗng dưng ấm cúng hẳn lên, vì cuộc nói chuyện thú vị với người mua đào có vẻ bí ẩn này. Chúng tôi đã biết tên nhau ở năm đầu. Ông tên là Khánh, ông là một công chứ không phải là nhà kinh doanh cây trái. Ông mua đào về cho một người em gái bán cho đỡ buồn, vì cô ấy rất thích hoa đào Đà Lạt, hơn nữa cô ấy có một kỷ niệm sâu sắc ở xứ sở sương mù này. Em gái ông trước kia học ở Đại học Đà Lạt, cô có người yêu học cùng trường và là người Đà Lạt, nhà cậu này có một vườn đào. Tết năm ấy, hai cô cậu chở nhau về nhà chặt một cành đào thật đẹp để gửi về Sài Gòn làm quà cho gia đình người yêu, chẳng may trên đường gặp tai nạn, người bạn trai không qua khỏi, còn Quyên - em gái ông bị thương nặng, gẫy xương chân trái phải cưa. Sau này ông đưa Quyên vào viện, lắp cho một cái chân giả để tiện đi lại.

- Tôi nghĩ rằng có lẽ Quyên muốn lấy đào Đà Lạt bán cho vui và cũng để hồi tưởng về người yêu của nó cô Minh ạ.

- Tội nghiệp cô ấy quá. Thế Quyên đã lập gia đình chưa anh Khánh?

- Nó bảo nó không lấy chồng. Một người con gái với cái chân giả ai mà lấy, chỉ tội làm khổ người ta thôi. Nó quá mặc cảm cô Minh ạ.

Tôi nghe ông nói mà cảm thấy xót thương cho thân phận mình. Cô gái bất hạnh kia có khác gì tôi đâu. Phải chăng những kẻ mang một vết thương tâm hồn luôn luôn bị cảnh cô đơn đeo đuổi. Đã hai mùa đào rồi mà ông Khánh vẫn chưa hề biết tôi cũng mang một chân giả như em gái ông.

- Hôm nay tôi ở lại đây xin cô một bữa cơm và cũng muốn được nghe cô Minh kể chuyện. Ông Khánh nói. Tôi hơi ngạc nhiên:

- Chuyện… gì …ạ?

Ông cười nói giọng dí dỏm:

- Chuyện… về cô ấy. Chuyện cô chủ và cái vườn đào ấy.

- Mời ông một bữa cơm thì tôi sẵn lòng, còn… chuyện của tôi thì có gì để nói đâu ạ.

Thật tình tôi rất vui trong lòng với lời đề nghị này của ông vì một lý do khác. Có thể tôi sẽ kể cho ông nghe về tấn bi kịch của đời tôi. Đối với tôi kể cũng được mà không cũng được, vì ông chỉ là người mua hàng, mua xong rồi đi, đến ba trăm sáu lăm ngày sau mới trở lại. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ muốn cho ông biết rằng, ngoài em gái ông ra ít nhất cũng còn có thêm một người phụ nữ mang một cái chân bất hạnh nữa. Sau bữa cơm, tôi kể ông nghe: Trong chiến tranh, tôi cũng tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nam để bảo vệ đất nước, tôi là lính của binh đoàn tác chiến, đã bị thương và phải cưa mất một chân, bây giờ phải đi lại bằng cái chân giả này. Tôi thấy ông lặng đi hồi lâu khi nghe tôi kể về số phận mình. Thế rồi bố mẹ tôi lần lượt qua đời và gia tài để lại cho tôi là cái vườn đào này đây. Tôi cũng như em gái ông, lập gia đình làm gì, chỉ để khổ cho người khác. Ông cũng nói rằng ông sống độc thân đã mười năm nay, vợ ông qua đời vì một căn bệnh ung thư, hai cô con gái đã có gia đình hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Tất cả những sự việc liên quan đến người mua đào và người bán đào chỉ có thế. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nó như một sợi dây ràng buộc vô hình giữa chúng tôi.

Năm nay đào vườn tôi lại nở sớm hơn mọi năm cũng cả gần mười ngày, tôi trông ngóng người mua đào còn hơn đứa bé mong quần áo mới. Tôi bần thần xé đi một tờ lịch nữa, đã hai mươi bốn âm lịch. Mọi năm cứ đến mười lăm âm lịch là người ấy có mặt và vườn đào của tôi xôn xao hẳn lên. Không chờ đợi được nữa, tôi đành phải thất tín bán cho con buôn khác. Không. Chính ông là người thất tín trước. Không chặt đào mà cũng chẳng tin báo gì cả. Hoàn toàn lỗi ở ông.

Tôi thẫn thờ ra vườn đào. Một vườn đào trống hoác, buồn tênh. Chỉ lác đác vài nhánh đào còn sót lại. Một cơn gió lạnh thổi hắt vào mặt, tôi bỗng rùng mình nghĩ đến một điều rồ dại: Có thể nào ông ấy bị đau ốm gì không. Cớ sao tôi lại lo lắng cho một người xa lạ vậy nhỉ. Đào đã bán hết rồi có chi đâu mà bận tâm.

Vừa tiễn một người bạn hàng xóm ra về, tôi bàng hoàng như rơi từ trên một ngọn cây xuống. Ông Khánh. Ông đứng trước sân nhà tôi tự bao giờ, giọng nói vẫn ấm vẫn từ tốn như ngày nào:

-  Chào cô Minh. Cô khoẻ không? Tôi chân thành xin lỗi cô về…

Tôi cắt ngang một cách vừa như giận dỗi vừa như cao ngạo:

- Ông lên khi nào? Ông có lỗi gì đâu. Đào nhà tôi không bán cho người này thì bán cho người khác, ông bận tâm làm gì. Mời ông vào nhà.

- Tôi vừa đáp máy bay xuống Liên Khương là xe đưa đến đây ngay. Tôi thật có lỗi. Tôi không nói gì nhìn bâng quơ ra vườn để tránh ánh mắt của ông. Bất ngờ, ông bước đến cầm hai tay tôi, tay ông lạnh và rắn chắc, ông nói:

- Minh, tôi biết tôi có lỗi khi không báo trước cho em lý do tôi bỏ dở việc mua đào. Tôi sẽ kể cho em nghe tất cả. Tôi xin em cho tôi được ở lại đây vui một cái Tết thật sự, em đồng ý đi Minh.

- Vườn đào tôi đã bán cho người khác ông còn ở lại đây làm gì. Tết thì ở đâu mà chẳng Tết. Tôi nói giọng giận dỗi rút tay lại. Ông Khánh cười giả lả:

- Có lẽ em không hiểu được việc tôi xin em được ở lại đây ăn Tết. Thế nào, hả Minh? Em đồng ý đi, tôi xin em.

Tôi đã bớt căng thẳng và cảm nhận được một cái gì ấm áp đang lan toả trong lồng ngực, tôi nói:

- Tuỳ ông thôi. Nhà tôi luôn luôn mở rộng cửa đón khách. À, năm nay cô Quyên nghỉ bán đào rồi à, cô ấy có khỏe không?

Ông Khánh cười:

- Nó đi lấy chồng rồi.

Tôi ngạc nhiên:

- Lấy chồng ? Sao… sao… ông nói… cô ấy…

Khánh chợt nín cười nói một cách nghiêm túc:

-  Em ngạc nhiên cũng phải. Đúng Minh ạ, em gái anh tuy mang thương tật nhưng tâm hồn nó rất chân thành. Xin em đừng gọi anh bằng ông nữa có được không.

Ngừng một chút Khánh nói tiếp:

- Có một người bạn làm ăn với anh ở nước ngoài về đã đem lòng yêu mến và xin cưới nó. Gia đình đã lo đám cưới xong. Anh nghĩ rằng em cũng sẽ ngạc nhiên khi anh nói lên điều này, điều mà anh đã trăn trở suốt một năm qua.

- Xin chúc mừng cho em gái anh, cô ấy thật diễm phúc. Tôi lơ đãng nhìn ra cửa: - Anh muốn nói điều gì mà bảo rằng em ngạc nhiên.

Khánh bước đến đặt tay lên vai tôi:

-  Minh, anh muốn cầu hôn em. Anh chân thành xin được cưới em làm vợ.

Dự đoán của Khánh rất đúng, tôi vô cùng ngạc nhiên mà không thốt được lời nào. Khánh rút trong túi áo ra một cái hộp bằng nhung, anh cầm tay tôi lên âu yếm nói:

-  Đây là lễ vật đính hôn. Tất nhiên là ra giêng mình mới cưới nhau được phải không em. Tôi nhìn chiếc nhẫn kim cương sáng lấp lánh theo ánh nắng rọi từ song cửa sổ nói ấp úng:

- Nhưng… nhưng… mình đã lớn tuổi… hơn nữa em…

- Anh hiểu em muốn nói gì. Minh, em cũng như em gái anh. Thương tật mà em gánh chịu không phải là nguyên nhân dìm chết hạnh phúc, càng không phải là tấm biển cấm tình yêu. Hơn nữa em là người đã từng chiến đấu cho tự do, cho hòa bình. Cái chân giả của em đáng quý lắm Minh ạ.

Nếu đây là tất cả những điều mà Khánh đã diễn đạt nên lời, tôi tự hỏi không hiểu anh có thể nào lừa dối tôi không. Nhưng hình như có một niềm hạnh phúc đang dâng lên trong lòng. Tôi cố giấu niềm rung cảm đó, nói lảng sang chuyện khác:

- Còn… còn anh bảo anh có bạn làm ăn ở nước ngoài là sao, em chưa hiểu hết về công việc của anh.

- Thú thật với em, anh cũng là một anh lính Cụ Hồ cũng đã từng chiến đấu trên chiến trường Tây Nam như em. Chiến tranh kết thúc anh được tiếp tục đến giảng đường học tập nhiều kiến thức cho mình. Anh tiếp tục làm việc cống hiến công sức cho đất nước, anh là cán bộ Hải quan. Hãy tin anh, một ông cựu chiến binh goá vợ đã mười năm nay rồi. Bây giờ em là người quản lý ông cựu chiến binh đó đấy nhé, liệu mà trổ tài…

Khánh ôm chặt lấy tôi. Tôi nhìn ra vườn đào trống toác. Không. Vườn đào của tôi còn nguyên vẹn đang nở rộ hoa. Hoa khắp nơi. Hoa đầy vườn. Đối với tôi, đất trời chỉ có một màu duy nhất đó là màu hồng của hoa đào./.

Mùa đào nở