Mùa hoa mộc miên

TAP CHÍ LANGBIAN|6/25/2021 10:31:51 AM

Mùa hoa mộc miên

DUY LƯU

 

Cụ Miền lọc cọc chống cây gậy ra đầu làng, nơi có cây mộc miên cổ thụ được trồng từ thuở nào không ai rõ. Gốc cây lớn lắm, đến mười vòng tay ôm. Những chiếc bạnh, chiếc rễ khổng lồ như những con trăn gấm châu Mỹ bò loằng ngoằng uốn lượn, mốc thếch rêu phong. Thân cây lừng lững vươn lên bầu trời. Tán lá xanh ngắt, phủ kín một khoảng đất rộng. Dưới gốc cây là nơi nghỉ ngơi, hóng mát của cả làng trong những buổi trưa hè oi ả. Mỗi tháng tư về, nhìn từ xa cây mộc miên như một bó đuốc khổng lồ cháy đỏ rực.

Ra tới gốc cây mộc miên, buông cây gậy, tỉ mẩn gom những bông hoa mộc miên mới rụng còn đỏ tươi như màu cờ Tổ quốc, cụ Miền cẩn thận xếp thành hình ngôi sao năm cánh. Xếp xong, cụ ngồi bó gối trước ngôi sao, đôi mắt mờ đục, thẫn thờ hướng về phương Nam xa xôi. Nhiều khi dân làng bắt gặp cụ khóc không thành tiếng, chỉ những giọt nước mắt đặc quánh chầm chậm lăn dài trên khuôn mặt già nua, nhăn nheo  cùng đôi vai gầy cứ rung lên từng chập.

***

Đã bước vào tuổi chín mươi, nhiều hôm vừa ăn xong khoảng tiếng đồng hồ cụ lại hỏi các cháu: “Chúng mày cho tao ăn chưa hả”. “Nhà vệ sinh ở đâu”. “Cái giường tao ngủ chỗ nào”… Chị Thu - con dâu cả của cụ đi làm đồng về, chị chào mẹ. Cụ nhìn chị một hồi rồi hỏi: “Chị là con cái nhà ai?”.

Cụ có bốn người con thì tới ba đứa, lúc cụ nhớ tên, lúc không. Nhưng riêng chú Út, cụ không bao giờ quên tên, kể cả ngày cụ sinh ra chú và ngày chú hy sinh.

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, cụ làm giỗ cho chú Út. Những ngày ấy, có rất nhiều đồng đội của chú về với cụ. Trong khi trò chuyện, ai đó hỏi về chú, sắc mặt cụ như trẻ lại, tỉnh táo, minh mẫn, hoạt bát hẳn lên. Cụ kể về chú cứ như câu chuyện mới của ngày hôm qua: “Thằng Út ấy hả? Nó sinh tháng tư, đúng mùa hoa mộc miên nở. Nó vào đại học được hai năm thì tình nguyện đi bộ đội. Sau mấy tháng huấn luyện, thi bắn đạn thật nó đạt loại giỏi nên được cấp trên thưởng mười ngày phép. Mẹ cũng không tin nó lại bắn giỏi thế. Hết phép thì nó đi B, cũng vào đầu tháng tư, khi hoa mộc miên nở đỏ trời. Ngày đi, nó còn nhặt hoa bỏ vào ba lô và hẹn: “Giải phóng miền Nam con sẽ về với mẹ”. Nhưng nó không giữ nhời! Nó là đứa con bất hiếu, đi mãi tới giờ không chịu về! Mẹ đã quá già, không biết có đợi được nó nữa không?”...

Cụ thường bắt đầu câu chuyện về chú Tân - con trai út của cụ như vậy. Cụ kể chú Tân vốn học giỏi, siêng làm, ít nói, hay giúp đỡ mọi người nên từ làng trên, xóm dưới, ai cũng yêu mến. Nhà có bốn anh chị em, chỉ chú là không biết mặt bố. Bố chú Tân hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khi chú mới một tuổi. Người anh cả và hai chị gái học tới lớp bảy thì nghỉ học về phụ mẹ làm ruộng. Mười bảy tuổi, người anh cả tình nguyện đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Hai chị gái lần lượt đi lấy chồng, nhà chỉ còn hai mẹ con. Sau giờ tan học ở trường về, chú Tân mặc cái quần xà lỏn, tất bật giúp mẹ việc đồng áng, cấy cày. Có chút thời gian là đi giăng câu bắt cá, cách chú bắt cá cũng hay lắm. Thường cứ vào mỗi buổi trưa, chú mang sợi dây thừng dài chừng năm mét và hai cây sào ra sông. Lội ra giữa sông, chú cắm cố định một cây sào, cột một đầu sợi dây thừng vào cây sào cố định. Đầu dây bên kia cột vào cây sào còn lại, kéo căng sợi dây, căn sao cho sợi dây chạy song song và chỉ cách đáy sông chừng năm cetimét, rồi chú bắt đầu di chuyển vừa kéo theo sợi dây… Những chú cá kiếm ăn dưới đáy sông, vô tình đụng vào sợi dây, giật mình, lẩn vội xuống bùn để trốn. Vừa di chuyển, chú vừa chăm chú quan sát mặt nước. Khi phát hiện những chiếc bóng nước li ti nổi lên, đích thị có cá bên dưới, chú liền dừng dây kéo, nhẹ nhàng di chuyển tới đám bóng nước. Hít một hơi thật sâu, lặn xuống... Chừng nửa phút sau, chú ngoi lên và trong tay đã là một con cá béo mẫm. Cứ như vậy, chú kéo khoảng một tiếng đồng hồ, thế nào cũng kiếm được một vài ký cá. Thế  là có bữa tươi! Nhiều khi hai mẹ con ăn không hết chú mang biếu hàng xóm.

Cụ nói rằng, vì làm lụng vất vả nên người chú nhỏ thó, lúc nào cũng đen nhẻm nhưng nhanh nhẹn hoạt bát. Chú siêng năng học hành. Ngoài buổi học trên lớp và những khi lao động, rảnh ra là chú ôm cuốn sách tranh thủ học bất kể trưa hay tối. Chú thường học rất khuya với cây đèn dầu đỏ qoạch, muội khói đen sì. Khi hoa mộc miên nở cũng là lúc đom đóm bay ra thì trên chiếc bàn học nhỏ của chú giống như mê cung với rất nhiều những bông mộc miên được kết thành vòng tròn và hình trái tim. Trung tâm bàn học là một ngôi sao năm cánh. Ở giữa mỗi bông mộc miên, chú thả vào một chiếc lọ Penicillin, bên trong chứa đầy những con đom đóm to khỏe. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng xanh của đom đóm lập lòe phản chiếu hòa cùng màu đỏ tươi của hoa mộc miên, tạo không gian chiếc bàn học trở nên lung linh huyền ảo, bên cạnh là dáng chú ngồi say sưa với bài vở của mình. Hình ảnh ấy, cụ không bao giờ quên. Cụ nói vậy.

Thế rồi chú Tân vào đại học. Ngày bước chân vào giảng đường, chú nói với cụ: “Mẹ ráng chịu cực vài năm, tốt nghiệp đại học con sẽ về phụng dưỡng mẹ”. Hứa với mẹ vậy, nhưng chú Tân đã không thực hiện được lời hứa của mình.

Năm 1972, cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam đang bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Sinh viên các trường đại học trên cả nước nô nức viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chú Tân học năm thứ hai, là con liệt sĩ, anh trai đang chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chú thuộc diện ưu tiên đặc biệt, không phải nhập ngũ. Bỗng một ngày chú về nói với cụ: “Mẹ cho phép con đi bộ đội. Sinh viên trên cả nước đều đã nhập ngũ. Là thanh niên, khi Tổ quốc cần con không thể ngồi yên để học. Con hứa với mẹ, khi đất nước sạch bóng quân thù con sẽ trở về bên mẹ, học tiếp đại học và cưới vợ, sinh cho mẹ mấy đứa cháu”. Nghe chú nói, cụ chỉ biết ôm chú vào lòng, chẳng nói được gì, nước mắt cứ trào ra, mặn chát bờ môi. Rồi cụ cũng đồng ý cho chú tòng quân. Ngày chú vào chiến trường cũng là khi hoa mộc miên nở đỏ trời. Bên gốc cây mộc miên thân quen, chú bịn rịn chia tay cụ cùng bà con làng xóm. Thế rồi chú ra đi, đi một mạch không một lá thư, chưa một lần trở lại.

Ngày 30-4-1975 lịch sử ấy, khi đất nước tưng bừng mở hội mừng chiến thắng, non sông đã thu về một mối. Cụ mong ngóng tin con. Cụ vui cùng niềm vui chung đất nước thống nhất, hồi hộp chờ đợi đón hai đứa con thân yêu sau bao năm xa cách. Mỗi lần có một anh bộ đội khoác ba lô về làng, tim cụ lại rộn lên. Cụ tíu tít hỏi thăm: “Cháu có biết tin tức gì về thằng cả, thằng Út nhà bác không”. “Cháu cùng nhập ngũ với thằng Út nhà bác, cháu về sao không thấy thằng Út về”…

Mỗi lần hỏi thăm là một lần cụ đau lòng, lầm lũi trở về bởi chẳng ai biết tin tức gì về hai người con của cụ, và cụ lại chờ. Nước mắt cụ chảy dài trong đêm. Mỗi chiều cụ ra đầu làng đứng bên gốc cây mộc miên, mỏi mắt nhìn con đường nhỏ từ quốc lộ dẫn về làng và cụ vẫn tin một ngày nào đó, hai đứa con của cụ sẽ trở về.

Đúng một năm sau ngày đất nước thống nhất, niềm vui vỡ òa khi người con cả của cụ đã trở về. Ôm con vào lòng, cụ khóc như chưa từng được khóc. Nước mắt cụ thấm trên vai áo bộ đội bạc màu của con. Khi hỏi tin tức về thằng Út, cụ chỉ nhận được cái lắc đầu cùng đôi mắt u buồn của người con cả. Cụ cố kìm lòng, nhưng sao nước mắt cứ trào ra. Ngày nối ngày, cứ lặng lẽ trôi qua, cụ vẫn âm thầm chờ đợi bên gốc cây mộc miên. Thế rồi vào một ngày khi hoa mộc miên rụng thật nhiều, cụ nhận được giấy báo tử của chú Út. Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mẹ mất con. Cụ chết lặn trong lòng…

***

Thời gian thấm thoát trôi, đã mấy mươi năm qua kể từ ngày nhận được tin chú Út hy sinh, ngày ấy cụ mới ngoài bốn mươi, nay lưng cụ đã còng, khi nhớ, khi quên. Cụ vẫn mong một lần được gặp đứa con út của mình, dù chỉ là một nấm mộ, nhưng cụ vẫn chưa được toại nguyện. Cụ đã chờ bao ngày tháng đi qua. Giờ cụ như chuối chín cây, không biết còn đợi con được đến bao giờ. Có lần cụ kể: Cụ mơ thấy thằng Út đang hành quân cùng đồng đội, trên cổ mỗi đứa đeo một vòng hoa lớn, được kết từ hoa mộc miên đỏ rực. Chúng đi thành hàng, chật kín con đường, đội ngũ điệp trùng nơi ánh bình minh vừa trải vàng rực rỡ tận phía chân trời xa./.

Mùa hoa mộc miên