Ngọn gió màu xanh

TAP CHÍ LANGBIAN|5/27/2022 4:01:11 PM

Ngọn gió màu xanh

                                                 TRẦN THU HẰNG (Đồng Nai)

 

Xuồng máy nhẹ tênh đảo về sông Lòng Tàu. Cô Ba và nhóm thiện nguyện cũng thấy lòng nhẹ tênh, vui sướng, mọi người hát hò, trò chuyện rất vui. Riêng cô Ba càng cảm thấy vui vì gặp Mạnh, con trai của ông chỉ huy trưởng đơn vị cũ, anh làm ở Huyện đội Nhơn Trạch, được cử đi cùng với đoàn từ sáng đến giờ. Chính anh nhận ra và gọi bà bằng cái nghệ danh một thời: cô Ba Ngọc Mai. Lâu lắm rồi bà mới trở lại nơi đây. Được nhìn rừng cây đước, cây mắm xanh ngút ngàn đến no con mắt. Được hít thở không khí trong lành, đầy nắng gió của cánh rừng ngập mặn đến đầy cuống phổi. Trái tim đập mạnh, bà muốn reo to lên nhiều bận giữa khung cảnh vừa quen vừa lạ... nhưng không sao nói được thành lời.

Có lẽ Mạnh cũng hiểu tâm trạng của bà nên cậu chỉ đứng im lặng bên cạnh, nơi đầu mũi xuồng. Nhìn người thanh niên nhỏ con cao dong dỏng, nai nịt gọn gàng, nụ cười thường trực với chiếc răng khểnh và đôi mắt vui tươi, bà càng cảm thấy nhớ thủ trưởng và đồng đội ngày xưa. Hồi đó mọi người đều rất trẻ, cái đói khổ khắc nghiệt thời chiến tranh làm cho họ giống như những cây mắm xanh tươi mọc thẳng xuống sình lầy, để rồi hóa thân thành mây trời, thành sóng nước, thành một màu xanh... Ngọc Mai ngày ấy là một chiến sĩ cơ yếu tuổi đôi mươi, nổi tiếng xinh đẹp, đàn giỏi hát hay, cũng răng khểnh, đôi mắt tròn xoe, dễ cười dễ khóc... Câu nói đầu tiên ở chốn này là: "Cái chỗ này đâu có dành cho đàn bà con gái như bay mà đến!". Bởi vậy nhiều lúc Ngọc Mai thấy mình chỉ như một cơn gió, chưa từng thuộc về rừng Sác dù đã từng sống chết với nơi đây.

- Cô Ba ơi, mình ghé đằng kia một chút nha. Mấy cô chú muốn xem người ta nuôi hàu đó cô!

Bà gật đầu, đưa tay vén lại mái tóc thưa bung xòa vì gió. Thực ra trong lòng bà muốn len lỏi mãi trên đoạn sông xưa, dù nơi đây chỉ là một ký ức ngắn ngủi trong đời. Mọi người hào hứng hẳn lên, hướng về phía những chiếc thùng nhựa đang cột thành hàng ở giữa sông. Từ sáng đến giờ, nhiều người thắc mắc về những "vật thể lạ" ấy, chính bà còn nghĩ đó là cách người ta trồng rừng hoặc đánh dấu cho thuyền bè qua lại. Thì ra đó là chỗ nuôi hàu, loại hải sản mà bà chỉ thấy bày bán ở siêu thị.

Xuồng giảm tốc độ rồi tắt máy, Mạnh nhanh tay cột chiếc xuồng vào một cây cọc lớn, cũng là mốc để người ta buộc những cái thùng nhựa màu xanh nối vào nhau như những chiếc phao. Ngay cạnh đó cũng có một chiếc ghe nhỏ nằm lơ lửng, và cô Ba thót cả tim khi nhìn thấy một đứa nhỏ chừng bốn, năm tuổi đang ngồi chơi với những con hàu còn bám vào những mảnh đá vôi, một chân bị cột vào thân ghe. Lát sau bà cảm thấy an tâm hơn vì thấy cha mẹ chúng trồi lên giữa những cái thùng nằm nhấp nhô cạnh đó. Cả đôi vợ chồng ướt sũng, đen nhẻm, quần áo rách te tua. Mẹ nó cười đon đả, vừa ẵm thằng con trên tay vừa mời mọi người mua chỗ hàu vừa đánh bắt được.

Mọi người tranh thủ hỏi thăm, chụp hình, rồi mua hàu sống. Song cô Ba không quan tâm lắm, mà cứ cảm thấy phấp phỏng nhìn về phía xa xa, mút đầu bên kia của lồng nuôi hàu. Chỉ thấy cái gáy và đôi vai ngụp lặn trên mặt nước nhưng bà cảm thấy người đó rất quen thuộc. Khi người trong đoàn hỏi đôi vợ chồng và được nghe trả lời: "Đó là ba con!", thì bà ngước đôi mắt long lanh nhìn Mạnh. Cậu nhỏ hiểu ý bà, bắc loa tay gọi thật to:

- Ông Sáu ơi ông Sáu, sao lặn hoài vậy? Vô đây có người hỏi thăm nè ông ơi!

Cô Ba cảm thấy ngồ ngộ, mỉm cười nhìn người đàn ông rắn chắc như con rái cá, thân mình đỏ au quay lại vẫy chào. Ông lội đến gần xuồng máy, nhanh nhẹn nhảy lên chiếc ghe, rồi với cái áo để mặc vào người. Nhưng hành động ấy khiến bà kêu lên một tiếng: "Anh Huỳnh Long!" Người đàn ông tháo chiếc kính lặn ra khỏi mắt, quay lại nhìn bà. Bà biết mình đã lỡ lời, vội giơ hai tay ra phía trước để đón lấy ông. Nhưng người đàn ông liền co cái chân còn nguyên vẹn lại, nhảy xuống nước. Trong một tích tắc, ông biến mất trước mắt mọi người.

***

Mạnh nhắn tin cho ông Sáu Long, nhưng ông nhất quyết không chịu cho anh đưa cô Ba Ngọc Mai vào thăm. Ông bảo nhà cửa ông tạm bợ lắm, thân thể thì không lành lặn, không tiện cho người phụ nữ đã có gia đình như bà đến nhà. Mạnh nói chồng cô Ba mất rồi, cô thường đi theo các nhóm từ thiện để thăm người già neo đơn, học trò nghèo, sẵn tiện đi tìm đồng đội cũ... ông Sáu vẫn lắc đầu: "Cổ nói mà tao nghe câu được câu mất, kỳ lắm mày ơi!"

Mạnh thuật lại câu nói của ông Sáu, rồi ngậm miệng lại bởi cảm thấy cái răng khểnh duyên của mình cười không đúng chỗ. Gương mặt cô Ba đượm buồn. Cô kể ông Sáu chính là người đã lao mình xuống sông cứu cô khỏi con cá sấu hung dữ. Ngày đó ông Sáu mới chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, thân thể vạm vỡ, đẹp trai nhất nhì Đoàn 10 rừng Sác. Cô Ba là nữ sinh miền Bắc nhưng đã tình nguyện vào Nam đầu năm 1972. Vì ngày đó, hầu hết bạn trai cùng lớp đều xung phong đi Nam chiến đấu, bà vốn học rất giỏi nên được đào tạo cấp tốc để tăng cường lực lượng cơ yếu ở chiến trường miền Nam. Còn nhớ dịp lễ kỷ niệm ngày hai hai tháng mười hai năm ấy, Trung đoàn chọn ông hát song ca với cô Ba Ngọc Mai, nhưng ông mắc cỡ, trốn biệt dưới đầm đầy lau lách để không ai tìm ra. Rồi bà bị thương vì bom Mỹ, được đưa về quân khu miền Đông dưỡng thương và ở lại đó. Vì sức khỏe yếu, bà được chuyển sang làm văn công của quân khu 7, lập gia đình rồi theo chồng quay trở lại miền Bắc. Đồng đội cũ ai còn ai mất bà chỉ biết qua chồng hoặc qua báo đài. Sau khi chồng mất một năm, bà quyết định vào Nam ở hẳn vài tháng với các chị cựu văn công...

- Ngày đó con mới chừng bốn năm tuổi phải không cô Ba? Ba mẹ con phải gửi anh em con ở ngoài thành, làm con nuôi của người ta cho đến sau giải phóng mới gom về một nhà. Nhưng ba con và các chú ở Đoàn 10 vẫn nhớ cô. Lúc con qua nhà chú Sáu Long, chú cũng nhắc những kỷ niệm về cô, chú nói ai cũng mừng vì đưa được cô về quân khu và mong cho cô được bình an, hạnh phúc về sau.

Cô Ba Ngọc Mai khẽ thở dài. Nếu nói bà được bình an, hạnh phúc cũng đúng, vì một thời đã sống hết mình vì lý tưởng, vì đồng đội. Lấy chồng là sĩ quan quân đội, bà được đồng cảm, được tôn trọng. Ông bà không có con, nhưng lại được con cái của đồng đội, hàng xóm coi như cha mẹ... Chỉ ở chiến khu rừng Sác chừng nửa năm, mà đến giờ mọi người vẫn nhớ đến bà. Tất cả những điều đó còn hơn là hạnh phúc.

- Thôi con nghĩ cô Ba đừng băn khoăn nhiều về chú Sáu. Tánh ổng kỳ vậy đó, chắc cũng do nhút nhát thôi, cô biết rồi mà. Hồi năm bảy tư, ổng bị bom tiện mất một chân, năm bảy lăm giải phóng ổng ra quân luôn. Rồi không giống như mọi người, chú nói đi làm ăn là đi luôn, ngày hội họp kỷ niệm cũng không về. Tưởng đi đâu xa xôi, té ra ổng vẫn ở lại Phước An (Nhơn Trạch) trồng rau, nuôi cá. Chú lấy vợ sinh được hai người con thì vợ mất sớm, ổng ở vậy làm gà trống nuôi con. Những năm bao cấp vô cùng khó khăn, một mình ổng xoay trần làm lụng chứ nhất quyết không trông chờ sự giúp đỡ của ai hết. Khá lên một chút thì chú Sáu làm đầm nuôi tôm, rồi mày mò học cách nuôi hàu, suốt năm suốt tháng ngụp lặn dưới sông. Là chú ấy muốn thế, không lụy phiền ai. Cô cứ tưởng tượng cái cảnh đầm tôm to rộng mênh mông, chỉ có con đường nhỏ xíu ở giữa, người thường gánh vôi, gánh thức ăn đi trên đó còn khó, vậy mà chỉ với một cái chân, ổng leo lên chiếc xe sáu bảy, chạy vù vù ra rồi vô suốt. Tụi con học võ cũng không dám chạy kiểu đó. Coi vậy chứ máy móc, thiết bị, giống má... thứ gì tốt chú Sáu đều rành rẽ và sắm đầy đủ đó cô. Bà con ai cần gì chú đều giúp, đến cuối vụ muốn cảm ơn chỉ cần đến nhà nhậu cùng là ổng vui rồi...

Cô Ba cười, long lanh nước mắt. Mấy chị em đồng đội đi cùng cũng cười, khuyên bà về. Nghe nói Sáu Long từ chối hết mà, cả đài truyền hình muốn đến quay phim, làm phóng sự ông cũng không đồng ý. Theo lời Mạnh thì do ông vốn nhút nhát, khiêm tốn; nhưng biết đâu ông mặc cảm vì cơ thể không lành lặn, vẻ đẹp nam tính ngày xưa không còn. Và còn có khi vì cuộc đời ông không hạnh phúc. Bà nhớ lại cảnh con cháu ông đùm túm nhau trên sông, đứa con trai nhỏ và con dâu nhìn hiền lành chất phác. Còn con gái lớn của ông thì hình như cũng đi buôn bán gì đó... Nghe các chị em thì thầm với nhau, bà lặng lẽ lau nước mắt. Ai hiểu được nỗi lòng của một người đàn bà không con cái. Bà mơ cũng không thấy được cái cảnh thằng bé con đen trùi trũi thò tay bóc con hàu trên miếng tôn xi măng, và nụ cười tươi rói của cô con dâu khi trả lời du khách trên sông: "Đó là ba con!" Đâu có chuẩn mực nào riêng cho hạnh phúc, bà nghĩ. Chỉ có một điều rất đáng thương cảm, đó là cảnh cô độc của Sáu Long biết bao năm qua. Vì sao anh ấy không đi bước nữa, tìm người hủ hỉ tuổi già? Nếu đúng như Mạnh kể thì ông cũng đâu thiếu thốn, nghèo khổ gì.

Biết bao điều băn khoăn, áy náy, cô Ba Ngọc Mai cũng đành xếp lại để trở về khu chung cư dành cho gia đình quân nhân ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ở đó bà được cháu con của các phi công gọi là bà Mai, bà tiên hiền hậu dạy chúng làm bánh, kể chuyện cổ tích, may thêu những chiếc áo xinh xắn để biểu diễn văn nghệ... Cứ ngày rằm và mùng một, bà lại ra nghĩa trang thắp hương cho chồng, rồi lại vào chùa khấn cho cha mẹ, ông bà. Thi thoảng bà lại về thăm anh em và các cháu ở bên kia sông Hồng. Cuộc sống của bà vẫn được tắm trong ánh nắng và sóng nước phù sa, vẫn đắm mình trong màu xanh cây cỏ, đại thụ... Vậy mà vẫn thèm nhớ, vẫn không sao quên được màu xanh của rừng nước lợ, của những ngày tuổi trẻ ở chiến trường miền Nam. Bà vẫn nhớ một cái hẹn với chị em ở đoàn văn công cũ, rằng đến ngày kỷ niệm hàng năm sẽ gặp nhau, sẽ trở về đất chiến khu xưa để tìm đồng đội, giúp đỡ người nghèo.

Thế nhưng để bắt nhịp với cuộc sống ở miền Nam, để làm một cánh chim bay về cánh rừng xưa không phải chuyện dễ. Cho đến khi nhận được điện thoại của Mạnh, bà mới sực tỉnh là mình đã để trôi qua quá nhiều thời gian, đã không cố gắng thực hiện lời hứa của mình. Mạnh báo ông Sáu Huỳnh Long bị đột quỵ. Mà cũng không phải anh biết sớm, sau khi ông bị tới mấy ngày, bệnh viện gọi điện về địa phương để xác minh trường hợp thương binh anh mới biết. Mạnh nói: "Cô Ba ráng sắp xếp vào nha. Con nghe mấy chú đồng đội cũ của ba con định lần này họp mặt đơn vị luôn, bất kể tin tốt hay xấu về chú Sáu..."

***

Vậy mà lần này ông Sáu cũng nhất định không chịu gặp mặt. Ông nhờ Mạnh bắn tin: "Chú Sáu nhờ con nói với cô Ba là chú khỏe rồi. Chừng nào chú nhậu lại được sẽ mời cô Ba và đồng đội đến chơi!" Bà chờ đợi không được, mang những món quà, thuốc thang khăn gói từ miền Bắc vào đem biếu, tặng hết. Chừng hai tuần thì bà định về Bắc nhưng bạn bè giữ lại. "Không việc gì phải giận hờn thằng Sáu cả, em cứ ở đây đi chơi, đi du lịch cho vui. Em đừng lo gì cả. Có ở đây cả năm anh chị cũng nuôi được". Thế thì ở lại, đi thăm thú mọi người, mọi chỗ, trừ cái nơi, cái người muốn gặp nhất. Tự đáy lòng bà cũng cảm thấy sợ, biết đâu một ngày nào đó bà cũng bị đột quỵ, phải nằm một chỗ trong khu chung cư; có muốn sống một ngày, một giờ ở chốn này cũng không được. Sẽ không còn ai sẻ chia, vui buồn cùng bà những ngày còn lại...

Một buổi tối Mạnh lại bất ngờ gọi điện thoại. Sáng hôm sau, cả đoàn nữ văn công xinh đẹp thời chiến từ Cần Giờ thẳng tiến về Phước An, ai cũng đồng phục, quân hàm giống hệt ngày xưa. Cả đêm ấy họ không ngủ, để cùng tập lại những bài hát cũ.

Mạnh cùng một nhóm lính trẻ đón mọi người ở cửa sông Xoài Rạp, rồi dẫn về đầm tôm của ông Sáu. Phải thêm một cuốc đường bộ, rồi xếp hàng dắt díu nhau qua cái bờ đất được be nhỏ xíu đi xuyên qua đầm tôm, họ mới vào được nhà của ông Sáu Huỳnh Long, còn gọi là Sáu Long. Ở đó rất đông những người cựu chiến binh, chủ yếu là lính đặc công của chiến khu rừng Sác năm xưa. Họ tụ tập dưới một tấm dù trắng khổng lồ luôn phồng lên vì gió thổi, nói cười rôm rả. Rồi hàng xóm, bạn nuôi tôm, cả thanh niên, du kích xã cũng đến, mang bia, rượu, thức ăn đến "góp vui". Có cả sân khấu dã chiến, một cái tivi khổng lồ và một dàn máy to đùng sẵn sàng phục vụ cho thú vui ca hát. Có người nói đùa: "Ông Sáu bữa nay làm tiệc lớn lắm nghe. Giống đám cưới quá, chỉ thiếu có cô dâu thôi!..." Trong lúc cô Ba Ngọc Mai đưa mắt tìm gia chủ giữa đám đông thì con dâu ông cười rất tươi, bồng con ra giới thiệu tổ ấm của mình:

  • Nhà vợ chồng con đây nè các cô, các chú. Hồi xưa, lúc ảnh còn bé thì đây là cái chuồng heo cũ. Lúc cưới con về ba Sáu và ảnh sửa lại thành cái nhà để ở...

Mọi người nựng nịu đứa bé, có người nói: “Bác góp ý con cho sắp nhỏ đi học đi, đừng mang nó ra sông cột trên ghe như hôm trước, tội lắm!” Cô con dâu cười lỏn lẻn: “Dạ con biết rồi, ba con đã "quán triệt" việc này rồi ạ!” Con gái ông Sáu Long xuất hiện với bộ đồ bà ba màu đỏ đậm, lễ phép chào hỏi mọi người rồi giới thiệu chồng con. Cô con dâu nói khẽ: "Chị Hai buôn bán trái cây. Chị ca cũng hay lắm đó!" Cô Ba Ngọc Mai nhìn mấy đứa nhỏ xách xô đá chạy vòng vèo qua các bàn tiệc mà trong lòng vui vẻ rộn ràng. Bà mừng nhất là ông đã vượt qua được cơn bạo bệnh, giữ lời hứa với anh em đồng đội gần xa.

Không để các chị em văn công chờ đợi lâu, ông Sáu Huỳnh Long đến gần ôm chặt lấy từng người để chào hỏi. Ông diện bộ đồ lính đặc công mới tinh, cái chân giả bên trái trông ngượng nghịu, vướng víu. Da dẻ cũng không còn đỏ au, căng bóng như lần thoáng gặp trên sông, mà hơi tái xạm, nhăn nheo. Chỉ có đôi mắt vẫn sáng đẹp như xưa, và nụ cười vẫn rụt rè như muốn biện bạch cho tấm thân to lớn, vạm vỡ của mình. Đến người cuối cùng, chính là cô Ba Ngọc Mai thì ông đứng khựng lại nhìn bà mất một lúc, rồi mới vòng tay ôm vào lòng, vỗ về như đối với trẻ con. Bà thì thầm: "Anh đó, làm em lo quá!" thì ông mỉm cười, gật gật như có lỗi. Ai đó đứng gần nói như hét: "Đây là Ngọc Mai, chiến sĩ cơ yếu tăng cường hồi năm bảy hai, ông Sáu có nhớ không?"

Nhạc nổi lên, thế là mọi vui buồn riêng tư quên hết. Ai cũng hát, hay dở đều hát, cùng cười và khóc ở giữa cái không gian trắng xóa, phập phồng đầy nắng. Những guồng máy lọc nước vẫn quay đều đều trên mặt ruộng. Xa xa, những chòm cây tô điểm cho không gian một màu xanh êm dịu, làm quên cả thời gian. Cô Ba Ngọc Mai không quen với phong cách họp mặt kiểu Nam Bộ, nhưng bà cũng chẳng để ý nữa, cứ cười và hát, rồi uống cả bia, cả rượu mỗi thứ một chút, đến nỗi cái đầu quay như chong chóng. Bà ngồi sụp xuống, khóc khi ông Sáu lên sân khấu hát bài "Chim trắng mồ côi" bằng cái giọng chậm chạp, buồn thương không biết vì rượu hay vì di chứng của cơn đột quỵ vừa qua.

Dứt bài hát, ông Sáu tập tễnh cái chân giả bước xuống, kéo tay cô Ba. Bà bừng tỉnh, nhìn ông mà không hiểu ông muốn nói gì. Mấy chị em đẩy lưng, đẩy vai bà, bà đành đứng lên đi theo ông. Nhưng không phải lên sân khấu mà là ra cái "chuồng heo" trứ danh của nhà ông. Ông dắt tay bà vào nơi đặt sẵn một cái bàn xinh xắn và trịnh trọng nói:

- Vào đây tui nói bà nghe chuyện này. Bà đừng ngại nha, tui nói chuyện với sắp nhỏ rồi...

Bà giật mình, rồi hơi ngớ ra vì nghe cái giọng ông oang oang muốn bể cả cái bếp bằng gạch chưa tô. Nói xong, ông cứ lóng ngóng chỉnh cái dây đeo bên tai, đứng nhìn bà không chớp mắt. Bà cũng nhìn ông không chớp mắt, lạ lùng không chỉ vì thái độ của ông, mà còn vì cái bàn đầy ắp hoa và thức ăn, và chỉ có hai cái ghế.

- Ngọc Mai à, em tha lỗi cho anh. Anh biết là em muốn đến thăm anh nhiều lần nhưng anh không dám gặp...

- Không đâu anh, anh không có lỗi...

Bà lắc đầu rất dịu dàng, làm ông ngưng cái giọng nói ồ ồ đang vang rất xa. Bà ngại ai đó nghe thấy những lời ông nói lúc này.

- Không phải hồi này, mà trước đây ba mươi mấy năm, anh cũng có lỗi. Anh đã không biết nói ra ước muốn trong lòng anh, không dám đứng song ca cùng với em, không dám chết thay em...

- Cái gì vậy anh Sáu Long?! Em...

- Hồi đó thì anh không dám nói. Nhưng bây giờ chắc không còn nhiều cơ hội nữa, nên anh lấy hết sức bình sinh mà nói cho em hiểu những điều thầm kín nhất trong lòng anh. Em biết không, anh muốn dành dịp này để mà...

Cô Ba Ngọc Mai sửng sốt bởi cái giọng nói như hét của ông, khiến ông hơi sựng lại, rồi bẽn lẽn tháo cái máy ra khỏi tai. Nhưng lời biện bạch của ông cũng không hề nhỏ nhẹ lại chút nào:

- Xin lỗi em, anh bị điếc, phải đeo máy trợ thính. Chồng em không bị điếc nên em không biết cái này phải không?

Bà cười như mếu, vội chắp hai tay lại như muốn cảm tạ tấm lòng người cũ. Giờ ông mới nói, mà nói bằng cách nói của người điếc. Thật là kinh khủng quá vì chắc là ông quen nói như vậy giữa sông nước, giữa đồng không mông quạnh rồi. Chẳng bù cho lính đặc công ngày xưa "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng"... Giờ ông cứ ầm ầm, ào ào như xuồng máy nổ ngoài sông. Cần phải sớm chấm dứt giây phút này, không thì trở thành trò cười cho mọi người mất. Nhưng ông vội níu tay bà lại, rất âu yếm nhưng cũng rất quyết liệt:

- Ngọc Mai à, từ lâu anh mơ ước có một lần này, tự tay anh chế những món ăn ngon mời em, anh muốn gỡ những con hào, con tôm anh nuôi được cho em ăn. Em đừng từ chối anh nhé!

- Em cảm ơn anh. Nhưng mà...

- Đừng khóc, đừng khóc mà Ngọc Mai...

- A lô! Một, hai, ba, bốn! Một, hai, ba, bốn! - Có tiếng micro bên ngoài to váng lên, át cả lời ông Sáu.

- Tất cả đồng đội chú ý, chú ý! Tiết mục đồng ca bắt đầu. Tất cả khách mời cùng tiến lên đây với chúng tôi. Hát to lên! Nào, "Nối vòng tay lớn", hát to lên. Vỗ tay thật to lên nhé, vì một ngày hội ngộ, vì một ngày thực sự hạnh phúc!/.

Ngọn gió màu xanh