Người đàn bà tuổi sửu
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Chị được sinh ra lúc chín giờ sáng, tháng ba năm 1949. Bố chị cũng có chút chữ Nho, biết xem tướng mạo con người để đoán cuộc đời của những người mà họ nhờ ông xem hộ. Con gái ông - là chị đấy, tuổi sửu. Ông nói với vợ ông sau khi thở dài:
- Tôi nói, bà chỉ nghe mà biết, không được nói với nó và bất cứ ai nghe. Cái con bé nhà mình, đẹp gái, hiền lành, chăm làm nhưng cặp mắt nó buồn quá, khổ cả đời.
Bà chỉ chép miệng, cái số nó vận vào thì phải chịu.
Chị là con cả trong gia đình, dưới chị là hai em gái nữa và thứ tư là cậu út. Học hết trung học cơ sở, chị ở nhà làm ruộng với bố mẹ, nhường cho các em đến trường.
Năm 1967 khi tròn mười tám tuổi, chị kết hôn với anh Điểm, người cùng làng. Anh Điểm hơn chị ba tuổi. Hai người rất đẹp đôi. Anh cao một mét bảy lăm, chị kém anh khoảng mười centimétt. Họ chụp ảnh ngày cưới, chị cười để lộ hai hàm răng đẹp, nhưng nhìn kỹ trông nét mặt chị vẫn cứ buồn buồn.
Trai làng nhiều anh theo đuổi, không lấy được chị, anh nào cũng thở dài tiếc rẻ, tự mắng mình sinh vào cái giờ đen đủi để cho kẻ khác cướp mất người xinh đẹp.
Giỏi thêu thùa may vá, chị cắt quần áo cho bố mẹ, cho chị, cho các em rồi thức đêm khâu bằng tay. Các ông bà trong làng ai cũng nói với con gái hãy học tập con ông bà Tốn đấy, chứ phải học ở đâu xa.
Lấy chồng được ba tháng, chồng chị lên đường nhập ngũ. Anh Điểm buồn, thương vợ, anh chảy nước mắt khi nói những lời yêu thương, động viên chị nhưng chị lại tươi cười bảo:
- Nước có giặc, từ xưa đến nay, bao đời rồi, đàn ông phải ra trận. Rồi anh lại về với em mà.
Nhưng anh đi rồi, thì đêm đêm chị khóc một mình. Hàng ngày chị vẫn đi làm với bà con xã viên hợp tác xã, đồng thời chăm sóc bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Bà con cô bác trong làng vẫn nói:
- Nhà ông bà Lẫm có phúc, được đứa con dâu đẹp người, đẹp nết, chăm làm. Đàn bà con gái làng này, mấy đứa được như con dâu ông bà Lẫm chứ.
Chị lao vào công việc và hy vọng chồng sẽ trở về. Thoắt đã gần bảy năm không một dòng thư, không một tin nhắn. Tháng mười năm 1973 có giấy báo về: Anh Điểm hy sinh tháng tư năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị.
Xã tổ chức lễ truy điệu cho anh Điểm rất trọng thể. Chị ngất lịm trong tay mẹ chồng, rồi chị gượng đứng lên - phải sống, sống vì người đã chết, vì bố mẹ chồng của mình. Ông bà ấy mất đi đứa con, họ cũng đau đớn đến tột cùng. Mình không được gục ngã.
Và chính chị động viên bố mẹ chồng rằng chiến tranh phải có mất mát, mà là chiến tranh giữ nước, chống lại quân xâm lược hùng mạnh nhất thế kỷ hai mươi, thì sự hy sinh không chỉ ở gia đình ta… Ông bà dần dần lấy lại tinh thần, họ rất thương người con dâu còn trẻ. Ông bà đã mấy lần khuyên chị đi bước nữa, vì các em chồng chị cũng đã lớn, chúng có thể chăm nom ông bà. Chị chỉ im lặng, mắt ngấn lệ nhìn vào xa xăm. Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã tạo điều kiện cho chị làm công tác phụ nữ, ăn công điểm gián tiếp nhưng chị không nhận. Chị nói, chị đã quen với công việc nhà nông rồi.
Năm 1980, hạnh phúc mỉm cười với chị. Anh Ngữ, người ở xã bên cạnh từ chiến trường Campuchia trở về, anh hơn chị một tuổi, chưa lập gia đình, anh là lính pháo binh ở Trường Sơn từ năm 1970 đến giải phóng miền Nam, anh được điều vào tham gia đánh Pôn Pốt, xong nhiệm vụ anh về phục viên. Một lần tình cờ xuống chợ huyện, anh gặp chị. Như có duyên tiền định, hai người nhìn nhau, rồi anh chủ động hỏi chị:
- Tôi trông chị quen lắm, rất giống cô giáo Hà dạy học ở xã tôi.
Chị nói Hà làm em kế của chị, dạy học ở xã Tiền Phong, giáp xã em đấy mà.
- Vâng, tôi là người Tiền Phong, chị ạ, rồi họ quen nhau. Chị mặc cảm vì là gái đã có chồng, nhưng anh cả quyết rằng, nó là duyên tiền định rồi.
Hai gia đình vun vén vào, lại được em gái chị - cô Hà dạy học ở xã anh, biết rõ gia đình anh và cố gắng vận động thuyết phục chị. Thế là họ trở thành vợ chồng.
Đám cưới của anh chị thật vui. Đồng đội anh đến dự, rồi thầy cô giáo, thanh niên trong làng… cùng hát vang bài ca cách mạng, chúc mừng hạnh phúc cho hai người. Nhưng dù vui vẻ, chị vẫn chạnh lòng nhớ đến anh Điểm, mặc dù chị và anh Điểm chỉ ở được với nhau ba tháng sau ngày cưới, rồi anh đi mãi. Đất nước thống nhất được hơn năm năm, nhưng gia đình anh Điểm cũng như nhiều gia đình trong xã của chị, chưa có điều kiện vào Nam đem hài cốt của người thân mình trở về quê hương. Vì vậy trước giờ chị lên xe hoa với anh Ngữ, chị chỉ thắp được nén nhang lên bàn thờ có di ảnh của anh Điểm. Qua làn khói hương trầm thơm mát, chị thấy anh Điểm như đang mỉm cười với chị và nói nhỏ nhẹ:
- Anh với đồng đội và bao người khác nữa đi chiến đấu để gìn giữ Tổ quốc, giữ gìn hạnh phúc cho mọi người, anh mong em có cuộc sống vui vẻ, bình an…
Lấy chồng ai cũng mong có con, nhất là chị đã ngoài ba mươi tuổi đời. Nhưng nghiệt ngã, sau gần hai năm làm vợ anh Ngữ, chị sinh ra đứa bé gái èo uột, không được như đứa trẻ bình thường khác. Đi bệnh viện, khám bác sĩ nói:
- Phải xét nghiệm máu của anh Ngữ.
Anh Ngữ rất đau lòng khi bác sĩ kết luận là anh bị nhiễm chất độc màu da cam. Không ngờ, một thân thể cường tráng như thế mà lại mắc di chứng quái ác của chiến tranh. Anh nhớ lại, hồi đó ở Quảng Bình, trận địa pháo 37 ly của đơn vị anh ở giáp ranh với Quảng Trị, nhiều lần máy may Mỹ thả loại bom gì mà như sương mù, trắng xóa những hạt nhỏ li ti, đến nỗi cây rừng trụi lá, động vật không sống được. Mấy lần vào rừng lấy nhu yếu phẩm, đạn dược ở trong kho, anh và đồng đội đã uống nước suối, mà không biết trong nước có loại chất độc giết người giết từ ông, cha rồi đến con cái. Và con gái anh đã phải chịu hậu quả từ chất độc của tội ác. Nó chậm lớn, chậm nói. Khi cháu mười tuổi mà như trẻ lên năm lên sáu đói ăn, không biết làm gì, may mà biết cầm thìa xúc cơm, chứ đừng nói đến học chữ. Vợ chồng anh không dám sinh thêm nữa. Nỗi đau chồng tiếp nỗi đau lên đầu chị, khi đứa bé mười hai tuổi thì anh Ngữ đổ bệnh nặng, sau hai tháng, dù đã được ưu tiên chữa chạy mà anh vẫn không qua khỏi. Đứa bé nhìn mẹ nó gào khóc, rồi nhiều người nữa cũng khóc thương anh Ngữ mà nó cứ ngơ ngác.
Dân làng tưởng chị gục ngã, nhưng chị đã gượng đứng dậy nuôi đứa bé. Và như có phép lạ, đến năm mười bảy tuổi, nó bỗng lớn nhanh từng ngày, thành thiếu nữ, mặc dù nó không làm được gì giúp mẹ các việc nhỏ như nấu ăn, hoặc đuổi gà vào vườn bới rau, nhưng nó lại quấn quýt với chị mỗi khi chị đi làm đồng về. Nó ôm lấy chị, miệng luôn tươi cười, rồi nó bỗng cất tiếng gọi mẹ - lần đầu tiên trong đời. Mười tám năm có con, nay mới được nghe tiếng con gọi mẹ. Chị vui trào nước mắt. Cả làng thăm hỏi chúc mừng. Nó biết nô đùa với các anh chị em họ. Biết gọi ông, bà, anh, chị, biết nói chuyện từng câu ngắn. Chị chỉ cho nó, nó biết tự múc nước ở vại để tắm gội.
Hai mẹ con, hai cái bóng nương tựa vào nhau mà sống. Cũng có mấy đàn ông không may mất vợ sớm, đặt vấn đề nghiêm túc với chị, nhưng chị khước từ, tập trung vào công việc và nuôi con. Nhiều đêm chị thao thức đến sáng, nghĩ đến khi chị không còn trên đời nữa, ai sẽ trông nom con của chị. Chị nói ra suy nghĩ này với em gái - cô giáo Hà. Cô Hà an ủi chị rằng: Nhà nước, Nhân dân, rồi dòng họ, anh em không bỏ cháu đâu, chị không phải lo nghĩ nhiều đến thế. Hãy hy vọng, hãy tin tưởng chị ạ. Niềm tin, niềm hy vọng như cái neo, giữ cho con thuyền không bị xô lệch trước sóng gió.
… Năm nay chị đã ngoài bảy mươi tuổi, trong ngôi nhà cấp bốn mà Nhà nước xây tặng gia đình chị, chỉ có im lặng, không có tiếng nói cười, hai con người ấy vẫn sống theo nhịp đập thời gian.
Người ta nói, đàn bà tuổi Sửu có mấy ai được sung sướng. Nhưng nghĩ cho cùng, đất nước này có bao người đàn bà tuổi Sửu như chị. Và còn bao người đàn bà không phải tuổi Sửu cũng cô đơn, cũng bất hạnh như chị. Vậy thì, cái tuổi không biểu hiện cho sự sướng khổ mà do ngoại xâm đến cướp nước này để cho bao chàng trai ra trận không về, để cho bao người mẹ, người vợ ngóng chờ từ lúc tóc xanh cho đến lúc phơ phơ mái đầu bạc trắng./.