Người mẹ Xiêng Khoảng
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Huyện Đạ Tẻh có 31 cán bộ chiến sĩ quân đội ta đã từng chiến đấu tại đất nước Lào từ 1960 đến 1975. Trong số những người ấy, tôi đã gặp ông Nguyễn Quang Vinh - quê ở Hà Tây, vào đây lập nghiệp năm 1988. Ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:
Tháng 9/1971, tôi nhớ ngày đó là ngày 23/9 - ngày kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), tiểu đội trinh sát của tôi được lệnh điều tra một cứ điểm của quân Mỹ và tay sai phản động người Lào để quân ta định ngày giờ tấn công, đúng mười tám giờ ba mươi phút là xuất kích. Chúng tôi hóa trang, nếu gần năm bước chân, dù có nhìn kỹ thì cũng chỉ như đám cỏ.
Đêm ấy cũng như mọi đêm, đèn pha trên các vọng gác của chúng quét liên tục xung quanh. Trên chòi gác, có tên lính còn chỉ tay về phía chúng tôi và hét to bằng tiếng Việt:
- Kia kìa, bộ đội tình nguyện Việt Nam lại đến. Hãy đứng dậy nói chuyện với nhau bằng súng đạn, đừng chui nhủi thế kia, hàng rào thép gai nhiều mìn chìm lắm đó.
Tất nhiên, chúng tôi đều nghĩ là chúng đánh đòn gió mà thôi. Chúng tôi bò sát hàng rào, nhìn rõ từng căn nhà của chúng. Chỉ có một nhà xây ở trung tâm. Chắc chắn đó là trung tâm chỉ huy của cứ điểm, còn lại là mấy chục ngôi nhà gỗ lợp tôn, nhà của lính ở. Cứ cách năm phút lại có một tốp tuần tra của chúng đi xung quanh vòng ngoài cứ điểm, sát với hàng rào. Khoảng gần hai giờ đồng hồ thì chúng tôi xong nhiệm vụ. Tiểu đội trưởng ra ám hiệu rút lui. Rủi ro thế nào mà tôi, chính tôi ngứa cổ và kéo một tràng ho kéo dài, ho rất to.
- Có động rồi. - Tên lính trên chòi gác la to. Lập tức, súng đại liên từ trên chòi gác của chúng khạc đạn về phía chúng tôi. Quân lính từ các nhà tủa ra, rồi cả chó becgie chúng dắt theo. Chúng tôi mới đầu còn bò lom khom, nhưng rồi vùng dậy chạy. Không may, tôi bị đạn vào bả vai. Cố nghiến răng chịu đựng để theo kịp đồng đội. Nhưng Tiểu đội trưởng Vũ Khắc Long nhìn thấy, anh tụt lại dìu tôi, miệng nhắc nhở đồng đội hãy tản ra đừng gần nhau quá để tránh thương vong.
Hình như viên đạn găm vào xương gã vai nên tôi thấy đau buốt tận óc. Nghiến răng chịu đau mà vẫn bật ra tiếng rên. Tiểu đội trưởng Vũ Khắc Long động viên tôi:
- Cố lên, sắp đến bản làng người Lào rồi, đồng chí sẽ qua khỏi thôi.
Chúng tôi cũng đến được bản làng người Lào nằm sát chân đồi vào lúc hai mươi hai giờ đêm. Bên đường, thấy một ngôi nhà nhỏ có ánh đèn. Chúng tôi gõ cửa, một người đàn bà bước ra. Bà nói tiếng Việt khá rõ, chúng tôi nhận ra đó là một người lớn tuổi. Bà mẹ nói:
- Bộ đội Việt Nam… đi… xem xét cứ điểm của chúng nó hả? Mẹ có nghe tiếng súng vọng lại, vào đi, tất cả vào đi, ở đây an toàn mà.
Tiểu đội trưởng Long nói vắn tắt tình hình vết thương của tôi, bà mẹ nói:
- Không lo đâu à. Ta quen việc này từ ngày xa xưa đánh Pháp cơ đấy.
Mẹ nói mẹ năm nay (1972) mẹ tròn năm mươi bảy mùa rẫy - năm mươi bảy tuổi, nghĩa là mẹ sinh năm 1915. Ngày đánh Pháp, bộ đội tình nguyện Việt Nam cũng sang Lào cùng quân Pa-thét Lào đánh giặc. Cái năm đánh Điện Biên Phủ (tháng 3 - tháng 5 năm 1954) bộ đội Pa-thét Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam đánh Pháp ở biên giới Lào - Việt để chia lửa với Điện Biên Phủ. Lúc ấy, mẹ đi nấu cơm giúp bộ đội Pa-thét Lào. Chồng mẹ hy sinh ở cánh đồng Chum năm 1953, một đứa con trai mẹ hiện đang ở bộ đội. Hai con gái lấy chồng ở trong bản này, chồng hai cô này cũng đang ở trong hàng ngũ bộ đội Pa-thét Lào.
Mẹ tên là Bun Nưa, lúc trẻ mẹ cũng hay hát, hay múa Lăm Vông. Mẹ cho xem bức ảnh năm mẹ ba mươi tuổi (1945) trẻ lắm, mẹ đang múa cùng nam nữ thanh niên trong bản.
…Tôi được y sĩ đơn vị cho uống thuốc kháng sinh, tiêm thuốc giảm đau nhưng hồi ấy thuốc hiếm, cơn đau vẫn hành hạ. Mẹ vào rừng lấy lá thuốc đắp lên chỉ sau mười phút, cơn đau dịu hẳn. Mẹ đắp thuốc cho tôi liền hai mươi mốt ngày, vết thương lành hẳn, xương bả vai cũng vậy, nó chỉ bị rạn nứt chứ không gãy nát nên mau lành, tôi xin ra trận. Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Quân có lệnh chuyển tôi về tuyến sau, tức là bộ phận hậu cần. Tôi năn nỉ thế nào cũng không được. Và thế là trước khi về đơn vị mới làm lính coi kho quân trang quân dụng, tôi đến chào mẹ Bun Nưa. Mẹ nắm tay tôi, nói với giọng xúc động:
- Con đi, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hết giặc, mẹ con ta sẽ gặp nhau.
Tôi trả lời mẹ bằng tiếng Lào:
- Con cũng mong mẹ mãi bình an.
Nhưng rồi, đơn vị tôi được rút về chiến trường Tây Nguyên, tiếp đến là giải phóng Sài Gòn, sau đó lại truy tìm tiêu diệt Fulro, nên tôi không có dịp quay lại gặp mẹ Bun Nưa. Năm 1989, tôi nhận được thư của con gái mẹ, nói mẹ vẫn khỏe, mong anh sang Lào, Lào bây giờ chắc cũng như Việt Nam, cuộc sống khá rồi, có đường nhựa, xe ôtô to vào tận bản làng, có điện sáng nữa.
Tôi dự định cuối năm 1990 sẽ sang thăm mẹ, nhưng giữa tháng 9/1990, con gái út mẹ viết thư, báo tin mẹ đã từ trần chỉ sau mấy ngày cảm cúm, mẹ ra đi ở tuổi bảy mươi lăm. Tôi ân hận, đau buồn như chính mẹ đẻ của tôi đã ra đi đầu năm 1989. Tôi ước gì mình bay sang ngay Xiêng Khoảng nhưng vì ngày ấy hạn hẹp đồng tiền, khi mà lương tháng của tôi chỉ đủ cho hai vợ chồng và hai đứa con cùng bố tôi ăn uống kham khổ.
Tôi gửi thư cho con gái út mẹ Bun Nưa, cô này nói và viết bằng tiếng Việt rất tốt, nội dung thư là xin lỗi bởi điều kiện khó khăn. Cô viết thư lại nói rằng cô và anh chị cô hiểu rồi. Để khi nào có điều kiện thì hãy sang Lào. Mãi đến tháng 10/ 2004 tôi mới sắp xếp được thời gian đi, lúc này hai con tôi đã có việc làm, đời sống ổn định. Con gái đầu của vợ chồng tôi sinh con đầu lòng, bà xã tôi đi trông cháu ngoại. Tôi rảnh rang nên đã đi được sang Lào.
Tôi ra thắp hương lên mộ mẹ. Giật mình khi nghĩ mới đó - cái ngày bị thương rồi về nhà mẹ Bun Nưa tháng 9/1971 mà bây giờ năm 2004 đã ba mươi ba năm. Thời gian như bóng chim qua cửa sổ.
Nhân dịp này tôi đi thăm Viêng Chăn - thủ đô nước Lào, rồi kinh đô cũ của Lào là Luông-Pha-Băng cổ kính. Lào còn có tên là đất nước Triệu Voi,… đất nước Vạn Tượng (Tượng, âm Hán - Việt cũng là voi) nhưng có thấy con voi nào đâu. Chỉ thấy có nhiều chùa như ở Campuchia, ở Thái Lan mà tôi có dịp xem phim, đọc sách.
Nhiều lúc, thấy tự hào trong lòng bởi vì mình có may mắn tham gia kháng chiến và may mắn trở về để chứng kiến Tổ quốc mình rồi nước bạn Lào, Campuchia ngày càng phồn vinh. Với tôi, người mẹ Xiêng Khoảng - người mẹ Lào sẽ sống mãi trong tôi./.