Người về tìm xuân cũ

TAP CHÍ LANGBIAN|4/7/2021 3:42:04 PM

Người về tìm xuân cũ
                                                                                TÚY TÂM
    
Có lẽ đã gần mười một giờ đêm, bác xe ôm đinh ninh như thế khi các nhà hàng, quán trọ ở nơi ngã ba vào tầm này hầu như đã cửa đóng then cài. Họa hoằn chỉ mỗi bến xe trước chợ Phi Nôm, bên cạnh cây xăng Hạnh Phúc là còn sáng đèn thức phục vụ hành khách mua vé đi các tuyến ngoại tỉnh trong những ngày giáp Tết. Sương khuya từ hướng phố ngàn hoa cũng đã tràn xuống phủ trắng một vùng như tấm chăn nõn nà đắp con trăng hạ huyền đang nằm vắt ngang sườn núi. Đêm thật sự hiện diện bằng những mảng màu lung linh huyền ảo từ từng chùm đèn led, neon chiếu sáng dọc hai bên đường trông đẹp đến mê hồn.
Bên hiên tam cấp, một tiệm dịch vụ kín cửa vẫn còn một người ngồi im lặng suốt từ chạng vạng đến giờ. Khuôn mặt người đàn ông ấy trông hiền lành, hơi khắc khổ một chút nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy một chân dung từng trải gió sương, ánh mắt sáng ngời toát lên vẻ cương nghị, tự tin. Thi thoảng trên môi người đàn ông lóe lên đốm lửa ấm áp,  mùi thuốc lá lan vào không gian thơm nhè nhẹ của xứ núi rừng Tam Đảo bay về. Mùi thuốc lá đặc trưng chỉ có ở miền trung du đồng bằng Bắc Bộ, mà bác xe ôm cảm nhận.  Nhìn trước, sau chẳng thấy bóng dáng khách vãng lai nào nữa. Nhìn đồng hồ cũng gần nửa khuya, bác xe ôm nổ máy chạy rề rề đến bên người đàn ông đang ngồi im lặng trên bậc thềm:
- Ông anh có về đâu không?
Nghe tiếng gọi mình, người đàn ông tuổi chừng bảy mươi nhưng trông rất khỏe, ngước lên:
- Dạ cảm ơn anh! Không ạ.
- Thế anh ngồi đợi ai mà từ chiều đến giờ?
Nghe bác xe ôm hỏi, người đàn ông mỉm cười:
- Có chờ ai đâu anh? Tôi từ Bắc vào thăm Phi Nôm thôi, thăm một người đã… mất! Và đi tìm tuổi xuân của chính mình.
- Thăm một người đã mất? Tìm tuổi xuân chính mình?- Bác xe ôm lộ vẻ ngạc nhiên.
- Có phải anh là nhà thơ? Thế anh có còn quen ai ở đây không? Sao không tìm đến nhà, ngồi đây chi cho lạnh? Tôi có thể giúp gì được anh?
Người đàn ông mỉm cười lắc đầu chưa vội trả lời, đưa tay mở túi ba lô lấy ra một bình bi đông và hai cái cốc gỗ nhỏ, xinh xắn.
 - Nếu không phiền thì xin mời anh ngồi nán lại vài phút uống với tôi cốc rượu cho vui. Đây là rượu Làng Vân chính hiệu, đặc sản nổi tiếng miền ngoài. Ta sẽ chuyện trò một lúc được không?  Mà nhìn anh, tôi đoán hình như trước kia anh cũng là bộ đội?
 - Vâng! Trước tôi dân đặc công rừng U Minh. 
Lính vị đại tá rừng Sác - Lê Bá Ước thì quá nổi tiếng, cánh mặc áo lính cả nước trước và sau chiến tranh ai mà chẳng biết. Người đàn ông quê Bắc có vẻ ngưỡng mộ bác xe ôm. Hai người đàn ông xa lạ, một Nam, một Bắc phút chốc trở nên thân thiện, tâm đắc cứ  như đồng đội cùng đơn vị, bạn bè thân lâu năm gặp lại...
Trong cốc rượu sơ giao đêm Phi Nôm trầm mặc pha hơi hướm chút se lạnh của rừng núi Nam Tây Nguyên đã tàn đông, cận kề những ngày cuối chạp. Người đàn ông từ quê Bắc xa xôi kể về quá khứ. Kể về những tháng năm chiến tranh gian khổ nơi Núi Voi, cả vùng đất Hiệp Thạnh, Định An nơi ông từng sống, từng chiến đấu trong mưa bom, bão đạn. Nhất là ngã ba Phi Nôm này, ông tưởng mình đã chết, nếu như…
                                                  ***
Chiếc đầm già cứ lượn lờ, quầng suốt từ trưa đến chiều, cặp mắt cú vọ dòm ngó, soi mói khắp dãy Núi Voi, cả vùng Định An, Bồng Lai, Bắc Hội um tùm lau lách như tìm kiếm, nghi ngờ có dấu chân đoàn quân Giải phóng. Bữa đó, mặt trời đỏ lựng chìm dần trong chiều mây xám xịt, hằn lên phía Tây màu ráng tím bầm như vết thương rồi tắt lặn xuống dãy Trường sơn xa thẳm. Chưa chạng vạng, bỗng một bầy trực thăng như bầy quạ ồ ạt từ sân bay Liên Khương kéo đến, những con quạ đen hung dữ quạt đôi cánh sắt làm nát nhừ cả không gian. Phấn khích, chúng bắn rocket như vãi trấu xuống rừng núi, bản làng. Rồi bất chợt cũng từ thác Prenn tiếng gầm gừ của xe tăng thiết giáp tăng cường tràn xuống hai bên quốc lộ xám xịt như đàn hổ núi diễu võ dương oai. Phía sau là cảm tử quân của Đại đội 302 khét tiếng cũng xuất hiện dày đặc, cứ tưởng một con kiến cũng khó mà lọt qua trận địa đang càn quét. Một cuộc hành quân rất quy mô, một trận càn lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh Tuyên Đức bấy giờ như muốn nhổ sạch chiếc gai nhọn  nhức nhối  đâm vào mắt chúng là căn cứ Núi Voi; nơi Đại đội 810 anh hùng đang kiểm soát, nơi bất khả xâm phạm, sừng sững giữa đất trời. Bữa đó là đầu tháng giêng năm bảy mươi hai của thế kỷ trước, nhằm ngày rằm tháng mười một âm lịch Tân Hợi, bà con Kinh, Thượng  nơi này đang rục rịch chuẩn bị đón cái Tết cổ truyền của dân tộc trong  ầm ì  bom đạn.
Trận đánh ác liệt diễn ra từ chạng vạng đến nửa khuya mới chịu ngưng, khi đoàn cảm tử "Thiếu sinh quân"  302  chắc sinh thiếu ngày, non tháng bị thương vong quá nhiều đành đùm túm kéo nhau về nơi xuất phát. Một trận càn vây hùng hổ, hừng hực của đối phương bùng cháy lên như ngọn lửa rơm rồi vụt tắt báo hiệu sự lụi tàn khi tháng tư, năm bảy mươi lăm kết thúc chiến tranh. Đêm đó tôi bị lạc đơn vị, bị thương rất nặng nên cố bò vô sau vườn nhà một người dân trước sự lùng sục gắt gao của quân đội Sài Gòn. Nhấp một tí rượu thơm lừng trong đêm hoài niệm, người đàn ông chỉ tay về phía Kho Muối sát chân núi:  
 - Bây giờ ở đây thay đổi nhiều quá nên nhìn đâu cũng lạ hoắc, khó tìm. Tôi nhớ mang máng là đêm tôi bị thương,  được một gia đình người dân tộc thiểu số ở đó đùm bọc che chở và tận tình cứu chữa. Chị tên là Ha Biên, sau này mới biết cơ sở cách mạng của ta. Khi đất nước thống nhất, cuối năm tám lăm tôi có vào tìm nhưng không gặp, hỏi bà con lối xóm, họnói chị đã qua đời...
- Thế bây giờ anh vào tìm ai?
- Năm  tôi đi theo đoàn Cựu chiến binh vào công tác, thời gian không nhiều nên không ở lại được lâu. Bây giờ rảnh rỗi, nên vào thăm lại chiến trường xưa và tìm gia đình chị lần nữa. Nghe nói người con trai và  cô con gái chị đã có gia đình, hình như vẫn còn ở gần nơi ở cũ.
Trên khuôn mặt người cựu chiến binh già chợt trầm lắng:
- Tôi vào ăn Tết trong này với gia đình một người bạn chung chiến hào xưa, hiện nay  ở Đà Lạt và vào mong được thắp nén nhang cho đồng đội cùng đơn vị cũ. Cô ấy nằm xuống sau đêm đưa chúng tôi qua sông.
Núi bất chợt rắc hạt sương nhè nhẹ như nhắc đêm đã lún vào sâu lâu lắm. Bác xe ôm thiệt tình mời người đàn ông về nhà mình nghỉ tạm qua đêm. Khuya ngã ba cửa ngõ lên thành phố hoa Đà Lạt thật yên lành. Cảnh vật gần xa như đang tắm dưới trăng sương tinh khiết vô ngần. Từ phía bìa rừng vọng lại tiếng từ quy thao thiết đến nao lòng như gợi nhắc tháng ngày quá khứ. Người đàn ông về nhà bác xe ôm mới quen nghỉ tạm. Đêm lạ chỗ, nằm cứ chập chờn thao thức, lắng nghe tiếng suối gần xa vọng lại ngỡ lời thì thầm của đồng đội những đêm hành quân qua thác Prenn, qua ngã ba rừng N'Thol Hạ, nằm cảm nhận  thời gian chầm chậm trôi qua tuổi đời mình, trôi qua màn đêm đặc quánh nỗi niềm… Mới năm nào mái tóc còn xanh, tuổi mười tám, đôi mươi phơi phới như mùa xuân ắp đầy ước mơ, hoài bão mà bây giờ  trên đầu tóc đã hoa râm… Lại một mùa xuân nữa sắp về trên từng chùm hoa cúc, trên nhánh lay ơn đang ngậm mùa thai nghén nụ mà nghe lòng rưng rưng như thể... Nhìn lên phía Núi Voi xanh mờ trong làn sương lạnh, cả dãy đồi Yên Ngựa phía xa trên cũng lẫn khuất trong bóng đêm tịch mịch. 
                                             ***
- Mẹ ơi! Hình như có ai nằm rên sau bụi chuối nhà mình.
Tiếng cô con gái hốt hoảng gọi mẹ trong tiếng đạn bom loạn xạ nổ xa gần. Người đàn bà hơi tái mặt cầm vội đèn dầu theo bước chân cô con gái. Khi nhìn thấy một người lính nằm kiệt sức trong bụi chuối sau nhà, vết thương ở vai ra quá nhiều máu ướt đẫm bên vai chiếc áo quân phục. Chị biết đó là quân Giải phóng, bởi đã nhiều lần chị gặp họ trong rừng khi đi tìm rau, măng. Ngoài ngã ba quốc lộ vẫn râm ran từng loạt súng nổ, vẫn rầm rập bước chân người chạy như truy đuổi ai đó. Hai mẹ con im lặng dìu người chiến sĩ vô ghế lau  rửa, xé  tấm vải màn băng bó vết thương rồi dìu người lính nằm tạm lên chiếc giường tre lâu ngày bỏ trống trong trạng thái lo âu, căng thẳng. Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng:
- Mẹ và em đang trong nhà phải không? Vẫn không sao chứ?
Nghe giọng, biết thằng Ha Bôn, con trai chị là lính địa phương đang đóng quân canh gác cầu Bắc Hội đúng lúc tạt về. Bà mẹ người dân tộc thừa biết tánh con trai nên chạy ra mở cổng rào tre, rồi chị ghé miệng thì thầm vào tai  nó. Ha Bôn tuổi chừng hai mươi, hai mốt, nước da ngăm đen, thân hình to như một con gấu rừng, vai  khóac cây R16 bước vào nhà, nhìn người lính Bắc Việt đang bị thương nằm trên giường nhà mình. Cô em gái đang múc từng muỗng cháo ân cần đút cho người bị thương như chăm sóc người thân. Suy nghĩ một thoáng, Ha Bôn nói như ra lệnh:
- Mẹ và em đưa anh ta xuống hầm đi. Lỡ tụi lính đang lùng sục lần theo vết máu tìm ra thì gia đình mình sẽ gặp nhiều rắc rối. Vết máu đó để tui xóa cho…
Nằm lại căn hầm của nhà chị Ha Biên tốt bụng gần một tuần. Mấy lần gặp nói chuyện với người con trai,  biết anh ta bị bắt quân dịch chứ không tình nguyện vào đời binh nghiệp. Khi vết thương kín miệng, sức khỏe hồi phục, tôi cảm ơn và xin phép tìm về đơn vị. Nửa đêm hôm đó, người lính địa phương quân Ha Bôn tự nguyện làm nhiệm vụ cảnh giới cho hai mẹ con người dân tộc thiểu số tốt bụng ấy tiễn  tôi đến tận đầu chân Núi Voi mới quay về.
Người lính già tâm sự:
- Cuộc chiến tranh chống kẻ thù  xâm lược, bảo vệ non sông, đất nước mới đó đã lùi gần non nửa thế kỷ. Đồng đội xưa bao người đã mất, người lưu lạc, khó mà gặp lại. Cả những người như chị Ha Biên cũng đã đi xa. Thời gian đủng đỉnh xóa nhòa mọi thứ, phủ lên quá khứ một lớp bụi mờ nhớ nhớ, quên quên. Bốn mươi lăm năm mọi miền quê đất nước thực sự  đổi thay. Phi Nôm xưa thưa thớt dân cư, bịt bùng cây cỏ, bây giờ sầm uất đông vui không khác gì phố phường thị trấn, mọi thứ thay đổi đến nỗi không thể nhận ra dù một vết tích thân quen ngày cũ.
Trước khi về nhà đồng đội đón xuân ở Đà Lạt, người lính già được bác xe ôm tốt bụng như người thân chở đi thăm mọi nơi của xã Hiệp Thạnh, Hiệp An, nơi tuổi xuân gửi lại... Ông thầm mừng cuộc sống nơi chiến trường xưa đã thay da, đổi thịt. Những cánh đồng rau, hoa xanh thắm ngút ngàn, rạng rỡ dưới nắng mai đẹp đến ngỡ ngàng. Cả huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng đã và đang từng ngày đổi mới đi lên bền vững  theo hướng tích cực. Nhiều nơi trong xóm Thôn văn hóa những nhà lầu, biệt thự, mọc lên san sát, những chiếc xe đời mới đậu trước từng căn nhà hai ba tầng minh chứng cho sự sang giàu, no ấm.  Đó là một tín hiệu vui của mùa xuân no ấm đang về. Một thông điệp tin cậy tốt lành cho mọi cư dân cộng đồng đang chung sống.
Chiều, người bộ đội già cùng người lính đặc công rừng Sác đưa nhau lên thăm đồi Yên Ngựa. Trong tiềm thức ông, ký ức quay về  như thước phim chầm chậm. Có cả bóng hình một người con gái giao liên năm nào của Thị ủy Đà Lạt chập chờn như đang cùng anh vượt qua con suối Đạ Tam giữa mùa mưa lũ trong đêm hỏa châu lập lòe ma quái... Người con gái Định An tài sắc xinh đẹp như đóa hoa giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ đã nằm lại bên đèo trong một trận sốt rét rừng... Còn bao chiến sĩ, đồng bào ngày ấy và cả bây giờ nữa đã nằm xuống trên mảnh đất bazan thân yêu này? Cho nước non quê mẹ mãi lành yên, cho nương rẫy, thung đồi ngày thêm biếc xanh, cho cây đời no mùa trĩu hạt, cho những đồng hoa xứ núi bước vào thềm xuân thêm thắm tươi hương sắc và cho màu tà áo ai phất phơ bay dưới nắng vàng nhung lụa.
 

Người về tìm xuân cũ