Nguồn cội

TAP CHÍ LANGBIAN|6/2/2021 9:25:20 AM

 

Nguồn cội

 BÙI QUANG HÙNG

Lão ngồi, mắt đăm đăm nhìn về một phía. Chẳng biết trong đầu lão nghĩ gì mà ngồi im hàng giờ, không thay đổi tư thế. Chẳng hiểu lão đang suy tư điều gì nữa? Hình như đầu óc lão có vấn đề…

 Trước đây lão sống vui vẻ yêu đời và cũng khá lãng mạn. Tuổi trẻ lão là thanh niên đầy nhiệt huyết, hăng say cống hiến. Nhưng giờ đây, khi đã sang tuổi xế chiều lão trở nên trầm tư, có phần gàn dở.

Có lúc lão tự chất vấn chính mình: Ta là ai?

***

Chưa  đầy hai tuổi thì lão đã mồ côi cha. Mẹ lão vất vả một nắng hai sương làm lụng nuôi lão lớn khôn. Lão lớn lên bằng khoai sắn, bằng chuối xanh nấu cua đồng cá nẹp. Tuổi thơ lão lớn lên trong những bữa cơm độn ngày mùa. Thời niên thiếu lão cũng cẫng chân sáo víu váy bà đi chợ Tết. Tuổi thanh xuân qua nhanh, bây giờ lão chỉ còn lại ký ức.  Chiến tranh nổ ra, lão hăng hái xung phong ra trận, góp chút công sức của mình để phục vụ non sông, đất nước. Những chiến dịch ác liệt, những trận B52 khủng khiếp và những cơn sốt rét rừng vắt kiệt sức lực của lão...  Chiến tranh kết thúc, lão trở về làng cũng có một số chiến công để hãnh diện cùng bà con làng xóm và dòng họ. Lão đã hoàn thành nghĩa vụ của một thanh niên khi Tổ quốc cần.

Hòa bình, lão bươn chải dọc ngang Nam - Bắc để lo cho cuộc sống gia đình… Tuổi xế chiều, lão đau đáu nghĩ về nguồn cội, dòng họ của mình. Ông cha lão rất giàu có. Nhưng rồi chính sự giàu có nó đã nuốt chửng cả một dòng họ, để rồi qua những biến thiên khốc liệt của cuộc đời, mọi thành viên trong dòng họ lại ngược xuôi kiếm sống, gồng mình để vươn lên, để có lại những gì đã mất.

Lão là một thành viên trong dòng họ, cũng không nằm ngoài dòng xoáy của cuộc đời. Đầu óc lão có lúc quay cuồng trong tiềm thức bản năng ấy… Tuy vậy lão vẫn luôn tự hào về dòng họ, nguồn cội của mình.

Dòng họ Bùi nhà lão ở giữa đồng bằng sông Hồng, là người Mường từ  Thanh Hóa phiêu dạt về Phương Để Thái Bình, làm nghề chài lưới trên con sông Hồng Hà. Thế rồi nghề chài lưới lại tạo ra ông cụ Nhỡ. Cụ to lớn, sức khỏe hơn người và đam mê võ nghệ. Tài năng của cụ vang danh cả một vùng. Một lần nghe tin tại đấu trường võ lớn ở thành phố  Nam Định có cuộc thi đấu, cụ lên xem. Khi đến nơi, cuộc thi đang diễn ra rất sôi động. Các anh thi đấu loại trực tiếp nhau để giành giải thưởng, nghe nói giải lần này lớn lắm. Cụ đứng xem cho đến lúc giải đấu vào vòng chung kết, nhà vô địch đã giành Giải quán quân. Cụ nhảy lên võ đài tuyên bố: Tôi đến muộn chưa kịp đăng ký thi đấu, xin được tỉ thí với nhà vô địch. Ban Tổ chức rất lúng túng khó xử thì nhà vô địch vốn dĩ kiêu căng, hợm hĩnh cho rằng:  Dân nhà quê to xác thế kia chịu sao nổi vài đòn của hắn, lập tức nhận lời thách đấu. Cả võ đài xôn xao, giải thưởng không còn là giới hạn ban đầu nữa mà nó tăng lên gấp nhiều lần. Cụ lên võ đài vẫn cục mịch, ù lì cố hữu. Nhưng khi vào trận tất cả mọi sự chậm chạp ù lì không còn nữa, thay vào đó là một võ sĩ với phong thái linh hoạt dũng mãnh như mãnh hổ, tránh né tất cả ngón đòn hiểm của đối phương. Bất ngờ chờ đối phương sơ hở, cụ tung chưởng hạ gục nhà vô địch một cách chóng vánh, siêu đẳng và ngoạn mục. Tiếng reo hò vang dội, giải thưởng lớn cụ lãnh trọn đem về.

Khi chài lưới trên sông, ngày nào cụ cũng nhìn sang phía Nam Định. Bên bờ sông  Hồng một bãi bồi lớn sậy mọc dày đặc, bãi rộng mênh mông, cây sậy cũng mọc mênh mông ngút trời dày đặc. Để chinh phục được bãi sậy này, cụ cũng bỏ không ít công sức, đặc biệt là con đê ngăn nước lũ. Phải đắp một con đê! Cụ quyết tâm xây dựng, chinh phục bãi sậy; đã nói là làm, tính cụ vậy.

Cụ trích một số tiền trong phần thưởng trên võ đài để mua một con trâu mộng rất to khỏe và một cái bừa chín răng bằng sắt. Đêm mát trời, cụ cho trâu kéo bừa gom đất thành đê bao. Ban ngày cụ ngủ, thả mặc cho trâu đi ăn cỏ; đêm mát trời cùng trâu kéo bừa gom đất đắp đê. Trâu kiệt sức chết, cụ thịt cho dân ăn. Cụ mua con trâu khác thay thế, con thay thế chết lại mua con trâu khác… Cứ thế cụ hoàn thành khúc đê bao ngăn được lũ. Cụ bỏ tiền ra thuê người phá gốc sậy, bản thân cụ cũng cùng làm. Chuyện kể rằng, cụ thách mười người phá gốc sậy trong một ngày mà diện tích hơn một mình cụ làm sẽ có thưởng. Nhưng chưa ngày nào diện tích khai phá của mười người vượt được một mình cụ; họ lắc đầu chịu thua, chỉ còn biết bái phục sức khỏe phi thường của cụ.

Hàng trăm mẫu đất bãi bồi ven sông Hồng đã được dọn sạch, đất phù sa non màu mỡ bời bời tốt, sẵn sàng chờ canh tác. Nhưng lạ lùng thay, vụ đầu tiên canh tác cụ không trồng lúa, không trồng ngô mà trồng khoai ngứa nước. Cụ lý giải giống khoai ngứa nước rất rẻ, chịu nước tốt nên đê còn yếu lỡ nước có tràn vào nhiều ngày khoai cũng không chết. Sự tính toán từ thời ấy cũng đã thật cao cường. Năm ấy khoai ngứa nước của cụ Nhỡ rất tốt năng suất cao, đúng lúc lúa mất mùa, khoai ngứa nước của cụ lên ngôi, bán được giá. Cụ giàu lên nhanh chóng, cho nên nhiều người làm theo cụ. Địa phương xóa đói được rất nhiều nhờ khoai ngứa nước. Cũng từ đó khoai ngứa nước lên ngôi, trở thành đặc sản, thứ cây lương thực phụ chỉ đứng sau lúa và ngô. Và từ đó, cụ được triều đình phong chức Tuần Vường trông coi đê điều trong toàn phủ nên người ta thường hay gọi là cụ Tuần Nhỡ.

***

Ông Lãng người to khỏe, vạm vỡ đảm nhận việc kéo xe tay cho cụ nhiều năm liền kể lại rằng: “Cụ nhân ái và đạo đức lắm, luôn giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn . Cụ rất ghét thói hách dịch ác bá của bọn cường hào phó lý”.

Con trai cụ Tuần Nhỡ nhận ra giá trị dinh dưỡng cao của cây khoai ngứa nước, nên đi sưu tầm các loại giống khoai thật ngon để trồng và trở thành món ăn đặc sản của quê hương, đó là cụ Đô Rượu. Cụ sinh trưởng được người con là Bùi Quang Địch nối nghiệp võ nghệ của cha ông kinh bang tế thế,  danh tiếng lẫy lừng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Cụ Quang Địch đã từng đánh dẹp toán giặc cỏ chống lại triều đình, quân giặc cỏ trải khắp từ Huế ra đến Thăng Long. Quân lính triều đình đã nhiều lần trấn áp nhưng không dẹp nổi, cụ khẳng định với triều đình sẽ đánh dẹp trong thời gian rất ngắn. Đúng như lời hứa, cụ đã bắt được tên tướng giặc giao nộp triều đình và nhận một giải thưởng lớn.

Cụ Đồng - một bô lão trong làng kể lại rằng: Một mình cụ Quang Địch cùng chiếc lá chắn và một thanh kiếm lá, bên kia năm mươi người có đầy đủ gậy, đao, mã tấu cụ cũng đánh tan trong chốc lát. Chiếc lá chắn thường gọi là cái khiên, cụ vẩy một cái từ nóc nhà này sang nóc nhà kia. Dùng chiếc chiếu, cụ quẳng xoay tròn trên mặt ao, lấy đà nhảy theo chiếu sang bên kia ao mà chân không bị ướt.

Tự hào thay cho một thời oanh liệt, rồi đến một thời cháu nội cụ Bùi Quang Địch, cái lão khùng khùng ngồi một mình hàng giờ đăm đăm nhìn về một phía, cũng để tự hào về dòng họ mình…/.

 

 

Nguồn cội