Nhớ mãi thầy giáo ấy
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta, ai đã từng cắp sách đến trường từ bậc tiểu học đến hết đại học đều có một kỷ niệm sâu sắc nhất về một trong nhiều thầy cô giáo đã dạy mình.
Tôi cũng vậy. Cũng có một kỷ niệm sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời - kỷ niệm về thầy Lê Việt Dũng. Thầy Dũng dạy môn Toán, Trường Trung học Phổ thông ở miền Bắc Quyết Tiến nơi tôi theo học. Ngày ấy trước năm 1975, hệ trung học phổ thông (gọi là cấp ba) có ba lớp: Tám, chín, mười; trung học cơ sở gọi là cấp hai có ba lớp: Năm, sáu, bảy; tiểu học gọi là cấp một có bốn lớp: Một, hai, ba, bốn.
Ba năm học cấp ba, thầy Dũng dạy lớp 8B, 9B, 10B của tôi là ba năm tôi thoải mái đầu óc bởi vì tôi ghét học Toán: Ghét do dốt, dốt do lười - đó là sự thật. Không như những thầy dạy toán cấp hai (trung học cơ sở) mà tôi theo học, thầy nào cũng rất bực mình mỗi khi gọi tôi lên bảng làm bài tập, hoặc kiểm tra bài vở hôm trước mà không đạt yêu cầu. Nhưng ở trung học phổ thông, thầy Dũng dạy Toán lớp tôi lại luôn nở nụ cười thân thiện với tất cả các bạn trong lớp, trong đó có một số bạn học kèm Toán như tôi.
Môn Toán tôi học lớp ở hệ trung học cơ sở không bao giờ được điểm sáu trên mười toàn những bốn, năm điểm. Tôi chỉ thích học Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Sinh học. Các môn Lý, Hóa cũng thảm hại như môn Toán; chỉ có bốn, năm điểm các bài kiểm tra cho đến tổng kết trong học bạ.
Môn Văn của tôi, các bài luận toàn chín, mười điểm, hôm nào tám điểm là tôi buồn. Sử, Địa cũng chín, mười. Ngoại ngữ hồi ấy (1975 trở về trước) học tiếng Nga, tôi đạt chín điểm tổng kết.
Thầy chủ nhiệm lớp tôi dạy môn Vật lý nói rằng tôi học như vậy là... học què! Hai chân không bằng nhau. Tôi không buồn, bỏ qua, để bây giờ kể về thầy Dũng dạy Toán.
Tôi nhớ, sau Tết Nguyên đán 1973 vào học kỳ hai của lớp mười, cuối cấp ba, vào giờ ra chơi, thầy Dũng gọi tôi ra gốc cây phượng ở sân trường, thầy nói đại ý (bây giờ tôi còn nhớ):
- Mỗi con người có một ưu điểm riêng về trí óc, suy nghĩ rồi hành động.
Không thể ép người ta theo mình. Cái câu xấu đều hơn tốt lỏi từ ngàn xưa đến nay không thể đúng trong mọi trường hợp. Làm gì có chuyện là tất cả học sinh đều học khá (chưa nói là giỏi) tất cả các môn học. Lớp của em thầy Phát dạy môn Lý là chủ nhiệm, ngày trước thầy Phát học môn Văn cũng chỉ có năm trên mười điểm, do vậy thầy ấy mới thi sư phạm Vậy lý. Như thầy đây, chỉ học giỏi Toán, Lý, Hóa; còn Văn, Sử, Địa cũng chỉ đạt năm hoặc sáu trên mười mà thôi. Em gắng lên, đừng bi quan, lớp của em có đến sáu mươi phần trăm học lực đều đều, các môn còn lại chỉ đạt năm, sáu điểm; còn em, chỉ yếu Toán, Lý, Hóa mà thôi. Thế này nhé “nếu nay mai đi học, em sẽ thi ngành nào”?
- Dạ, em thi Tổng hợp Văn.
- Thầy ủng hộ ước nguyện đó. Chỉ mong em đọc nhiều sách nhé! Sách Văn học, sách Lịch sử em ạ.
- Dạ, em muốn đọc nhưng thư viện không có những cuốn em cần. Ở đó chỉ có những sách kỹ thuật điện, rồi kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu, nuôi trâu bò thôi. Các tiết Văn học về văn thơ cách mạng, văn học hiện thực, văn học lãng mạn thời kỳ 1930-1945... cũng chỉ được giới thiệu qua loa ba tiết, không có sách. Truyện Kiều của Nguyễn Du, cũng chỉ trích đoạn vài chục câu thôi ạ.
- Thầy sẽ cho em mượn Nhật ký trong tù của Bác Hồ và trọn bộ các tác phẩm của Nam Cao, Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký,... được không?.
- Dạ, em cảm ơn thầy ạ!
- Nhưng đọc, phải ngẫm nghĩ, cái gì mà em thấy hay, thấy tốt phải ghi vào sổ tay.
- Dạ, em cảm ơn thầy ạ!.
***
... Sáng chủ nhật tôi đến nhà thầy. Nhà nghèo không có xe đạp, tôi phải đi bộ bảy kilômét đến nhà thầy. Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi thầy đóng vào bao tải tất cả những tên sách kể trên, tổng cộng năm mươi hai cuốn, thầy nói:
- Thầy tin em, nên đưa cho em luôn, chứ không đưa lắt nhắt từng cuốn. Nhớ giữ gìn cẩn thận cho thầy. Đọc hết, sẽ lấy cuốn khác.
Tôi nhìn lên giá sách của thầy, chưa kịp hỏi, thầy đã nói:
- Tủ sách này gần bảy trăm cuốn đấy. Em cố gắng đọc năm mươi hai cuốn kia đi, rồi thầy cho mượn tiếp. Nhưng nhớ là đọc sách không được quên học bài đấy nhé.
Năm mươi hai cuốn của thầy, tôi đọc trong ba tháng thì xong. Tôi thấy kiến thức về xã hội, lịch sử, địa lý của mình chỉ như một giọt nước trong mênh mông biển kiến thức của nhân loại, được chép vào hàng trăm cuốn sách.
Đọc xong năm mươi hai cuốn sách của thầy Dũng là vào đầu tháng 4 tư năm 1973, chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp ba, tôi đem trả sách cho thầy cũng vào sáng chủ nhật.
Hôm ấy nhà thầy đông người, hình như có giỗ chạp gì đó. Thầy kéo tôi ra ngoài vườn cây trước nhà, giọng không vui, không buồn:
- Ba ngày nữa thầy nhập ngũ, Thành ạ!
Tôi giật mình ngơ ngác, trống ngực đập mạnh, định nói một câu gì đó chưa nghĩ ra thì thầy nói tiếp:
- Gia đình thầy có bốn chị em, hai chị đã lấy chồng, còn chú út Thịnh, ở trong diện nhập ngũ, thầy biết vậy đã lên Ủy ban xã xin đi thay, bởi vì thầy đã vợ con, để út Thịnh ở nhà trông nom bố mẹ... Em ở đây ăn cơm với thầy.
Thế là phải xa người thầy, người hiểu tôi hơn ai hết. Bữa ăn có nhiều thịt, cá, thời bao cấp hiếm hoi mới gặp bữa như vậy mà tôi ăn không thấy ngon.
Sáng thứ hai thầy xuống trường, đi tạm biệt một số lớp mà thầy dạy môn Toán. Đến lớp 10B của tôi, nhiều bạn nữ chảy nước mắt, các bạn nam thì im lặng, thở dài,...
... Sau mười lăm ngày thầy nhập ngũ, thầy có gửi một bức thư cho cả lớp và riêng tôi một bức thư. Tôi nhớ mãi đoạn viết trong thư:
- Thành à, hãy thi Tổng hợp Văn hoặc Sử như nguyện ước của em, hãy đọc nhiều sách, hãy tập viết văn, viết và đọc, và học để ghi lại một giai đoạn lịch sử của đất nước, cho thế hệ mai sau biết được ông cha ta đã đánh và thắng giặc như thế nào. Vì nhà văn là thư ký của thời đại mình đã và đang sống. Chúc em thành công.
Tôi viết thư đáp lời thầy, xin hứa với thầy sẽ thực hiện bằng được ước mơ của mình như lời thầy dạy đã căn dặn.
Tôi thi và đậu đại học ngành Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia. Suốt bốn năm đại học, không nhận được thư của thầy, nghỉ hè hàng năm, tôi đều xuống nhà thầy. Bố mẹ thầy cũng nói là sau 1975 không thấy thầy gửi thư, đến nay là tháng sáu năm 1977, cũng không có thư. Những người cùng đi với thầy năm 1973 đó, có một số người trở về. Hỏi họ, họ nói nhập ngũ cùng ngày nhưng vào huấn luyện và ra trận thì người mỗi đơn vị.
Tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về công tác ở Viện Sử học Quốc gia. Tôi muốn trở thành nhà sử học bởi tôi nghĩ phải góp phần giữ gìn được những gì là tinh hoa của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm để cho thế hệ mai sau tự hào về dân tộc, về bao nhiêu thế hệ ông cha, anh chị của mình. Người đời sau biết được quá khứ bởi vì có người đi trước trực tiếp truyền lại hoặc bằng những trang sách ghi lại. Vì vậy tôi say mê với công việc của mình. Tuổi ba mươi lăm tôi đã nhận học vị tiến sĩ sử học đồng thời dành thời gian viết văn.
Đầu năm 1980, truyện ngắn đầu tay tôi viết về thầy Dũng. Tựa của truyện là Thầy tôi đã được giới thiệu trên Báo văn nghệ. Có nhà văn đã viết vài lời giới thiệu về truyện ngắn này, kết của bài viết có câu: Hy vọng tác giả trẻ Nguyễn Đức Thành sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường văn chương đầy thú vị nhưng không kém cam go.
Anh chị em trong cơ quan chúc mừng tôi, ai cũng hỏi sao cậu không học chuyên Văn để trở thành nhà văn. Tôi trả lời văn là cái nghiệp, sử mới là nghề chính của tôi.
Tôi đặt tờ báo có in truyện ngắn ấy lên bàn thờ ở gia đình thầy. Bố mẹ thầy rất vui. Ông cụ nói Dũng còn may mắn hơn nhiều người. Mới đó mà đã hơn bảy năm rồi. Thằng con trai nó kia đã mười hai tuổi, nó bảo lớn lên cũng đi bộ đội giống bố Dũng.
Nghe cháu bé nói vậy, tôi nhớ đến những câu thơ trong Bài thơ báng súng của Hoàng Trung Thông.
Tôi lại viết bài thơ trên báng súng.
Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua./.