Quê nhà dấu yêu

TAP CHÍ LANGBIAN|3/22/2022 10:17:12 AM

 

Quê nhà dấu yêu

                          Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY (Cần Thơ)

 

Ở bên kia nhấc máy, vừa nghe ba nói “Alo!…”, nước mắt tôi đã trào ra khỏi bờ mi. Tôi phải cố nén lòng mình để ba không nghe tiếng nấc nghẹn của tôi, để ba vẫn nghĩ tôi luôn mạnh mẽ, luôn tự tin mà đối mặt với giông tố cuộc đời.

- Alo, ba ơi! Tết này… chắc con không thể về quê ăn Tết với ba được rồi!

Ba tôi chưng hửng:

- Sao vậy con, mới hôm trước còn bảo sẽ về kia mà, sao hôm nay lại đổi ý, hay là con không có tiền về? Thiếu thì nói ba chở má ra bưu điện gửi tiền lên cho con về. Tết sao lại không về được hả con?…

Giọng ba tôi chùng xuống sau khi ba nói hết một tràng dài. Tôi im lặng mấy giây rồi bỗng dưng không kìm nén được nữa, như một chiếc bong bóng bị cây kim đâm trúng, vỡ tan.

- Ba ơi, con trở thành F0 rồi, chắc con không về đón tết với ba má được! Ba má đừng buồn con nghen.

- Trời ơi, con tui…

Ba lặng người đi, hình như ba đang khóc. Chắc dòng nước mắt của ba vô tình chảy trúng phím kết thúc cuộc gọi nên âm thanh tôi nghe được chỉ là tiếng “tút… tút…” hững hờ. Tôi ngồi úp mặt xuống bàn. Từ khi dịch Covid-19 bùng lên đến giờ tôi đã rất cẩn thận trong việc bảo vệ bản thân, vaccine tôi cũng đã tiêm đủ ba mũi, còn hơn hai tuần nữa là đến Tết, tôi lại dương tính với Covid-19. Nghĩ đến cảnh đón Tết một mình ở Sài Gòn, trong căn phòng trọ chật hẹp và cô đơn, tự dưng tôi thấy tủi lòng và ngồi khóc rưng rức như con nít…

***

Tết là phải về nhà, dù giá nào cũng phải về để quây quần bên người thân, cùng cắt bánh tét, cùng ngồi uống trà tâm sự những chuyện vui buồn trong một năm qua. Tôi đã nghĩ như vậy và thấy lòng mình hân hoan, hứng khởi khi mường tượng đến cảnh đón Tết trong căn nhà gỗ nhỏ nằm ở cuối xóm, nơi tôi đã từng lớn lên và có những ký ức thật yên bình, tươi đẹp. Cho đến một buổi sáng tôi thấy trong người mệt nhoài, miệng đắng, cổ họng khô rát, nước từ trong mũi chảy ra và khướu giác tôi bị mất. Tôi đã thử ngửi tất cả những thứ tỏa ra mùi hương trong căn phòng của mình, lọ nước hoa đắt tiền,… cũng không thể cảm nhận được mùi thơm của nó. Một cảm giác thật khó chịu.

“Dương tính” - hai tiếng đó tôi đã quen hơn nửa năm nay, khi ngoài kia hằng ngày hằng giờ có biết bao nhiêu ca dương tính. Vậy mà đến khi tôi đón nhận tờ giấy kết quả trên tay: “Dương tính”, tôi bàng hoàng. Tôi không phải đi cách ly tập trung, bác sĩ đưa tôi về căn phòng trọ của mình, hướng dẫn tôi cách xông mũi cho thông thoáng, cách dùng túi thuốc y tế và cách vận động nhẹ nhàng để cơ thể khỏe khoắn. Dải băng trắng - đỏ được căng ngang trước cửa phòng tôi. Dải băng vô tình ngăn cách tôi với thế giới bên ngoài, với phố phường đang rộn rã đón xuân và những con đường trở về quê hương thơm hương lúa chín.

- Lỡ rồi, xui rủi thì phải chấp nhận thôi em! Quan trọng nhất chính là giữ cho tinh thần thoải mái. Em cứ vui vẻ, cứ lạc quan thì “mấy con Covid-19” sẽ tiêu tan…

Bác sĩ trêu tôi, cười, rồi bước đi. Màu áo bảo hộ xanh thiên thanh loang loáng trong nắng trưa phía hẻm vắng.

Ba lại gọi, trong điện thoại còn có tiếng của má tôi. Má ít nói, thi thoảng ba nói thì má lại chêm vào đôi ba câu. Ba bảo: “Má sắp nhỏ nói chuyện với con đi, ở đó “chọt, chọt vô hoài”. Má lắc đầu. Lâu lâu, tôi kèo nhèo lắm má mới cầm điện thoại nói chuyện với tôi, có lẽ mắt má cũng đỏ hoe. Tôi biết má sắp khóc, lại quay sang câu chuyện gì đó vui hơn, hoặc có thật, hoặc tôi tự bịa.

- Ở trên đó sao rồi con? Mày bệnh mà ở một mình, ba má lo quá!

Tôi cười. Chỉ cần nghe giọng nói trầm ấm của ba má tôi thôi là tôi đã thấy khỏe hẳn ra, không cần bất kỳ loại thuốc công hiệu nào.

- Con ổn. Covid-19 thì sợ thiệt, nhưng thích nghi được với nó cũng không có gì khó khăn lắm đâu ba.

- Ừ, con nói vậy ba má cũng yên tâm. Thôi ráng tịnh dưỡng, biết đâu trời thương, ngày ba mươi con “âm tính”. Tới chừng đó nhất định về với ba má đó nghen. Má mày trông mày dữ lắm!

Tôi “dạ” nhẹ hều. Thật tình tôi cũng không dám nghĩ đến chuyện có về quê được hay không. Người ta thường bảo: “Nói trước, bước không qua”. Chỉ mong trời thương. Tôi giống ba ở chỗ đó, quan niệm là “trời thương”. Ừ thì mình sống nhân hậu, hiền lành, đối đãi tốt với người khác thì trời sẽ thương mình chứ có gì mà không đúng. Bỗng dưng trước mắt tôi hiện lên màu vàng rực rỡ của mấy cội mai trước sân nhà. Mấy cội mai ba tôi yêu quý, ngày ngày cắt tỉa, chăm bón. Giờ chắc cũng đơm nụ và nở hoa…

***

Không có năm nào tôi ăn Tết xa quê. Dù giá nào tôi cũng về với miền quê yêu dấu, đoàn tụ bên gia đình; về để nhìn thấy nụ cười hiền lành của má, giọt mồ hôi đọng trên gò má của ba. Tôi về để chấp nối lại hơi ấm dở dang, để ngồi trong căn nhà mấy chục năm tôi đã được sinh ra, lớn lên và chạy nhảy tung tăng.

Không ở đâu mà Tết vui bằng ở quê mình. Má nói: “Quê nhà là nơi tuyệt vời nhất!”. Tết ở quê, chiều ba mươi rộn ràng tiếng trẻ thơ hát ca nghêu ngao đầu làng cuối xóm. Nồi bánh tét sôi sùng sục trên lửa hồng. Nồi thịt kho tàu thơm phức. Dưa kiệu, dưa cải má làm vàng rộm, chua chua ngọt ngọt mát lòng… Năm nào tôi cũng phụ ba má trang hoàng bàng thờ tổ tiên chu đáo, cặp dưa hấu to xanh da đỏ lòng, mấy nén vàng lấp lánh trên bàn thờ ông Thần Tài - Thổ Địa… Những gam màu ấy vô tình đã đi vào lòng tôi, để mỗi khi nghe “gió xuân hây hẩy lùa trong nắng”, tôi bỗng nhớ đến nôn nao ngày Tết quê mình. Lòng tôi hoang hoải…

Giờ đây đón Tết một mình ở Sài Gòn thì sẽ ra sao? Tôi tự hỏi. Chắc buồn lắm. Tôi cũng trong giai đoạn cách ly tại chỗ nên chẳng thể ra phố mua sắm, trang trí lại căn phòng trọ của mình bằng hoa tươi. Cũng chẳng bánh mứt, dưa cà, chẳng áo quần xúng xính. Tết ở Sài Gòn, với tôi chẳng khác gì một ngày bình thường, lại đang cách ly nên buồn. Nước mắt tôi lại rơi.

***

Gió xuân đã về, mai đã nở chưa ba?

Bánh tét má gói năm nay không có con, chắc cũng lạt vị ít nhiều, phải không má?

Ba nói: “Tết mà vắng mày, ba má cũng chẳng chuẩn bị gì nhiều, chuẩn bị cho có Tết với người ta thôi con”. Nghe câu nói đó lòng tôi nhói đau. Tôi đủ hiểu trong tim ba má tôi, vị trí của tôi quan trọng biết chừng nào…

Ngày hôm nay ba mươi Tết, bác sĩ đến phòng trọ của tôi kiểm tra lại tình trạng sức khỏe tôi lần nữa. Thương các y, bác sĩ ngày Tết cũng phải gồng mình chống dịch. Họ cũng phải xa nhà, xa vợ con chứ đâu chỉ riêng mình, cớ gì mình chỉ biết ngồi đây trách móc, vãn than. Nghĩ vậy, lòng bình thản hơn. Bác sĩ nhìn tôi đăm đăm sau khi “test” lại.

- Thế nào, bây giờ điều ước lớn nhất của em là gì, cô gái?

Không chần chừ, tôi đáp ngay:

- Em muốn được về đón Tết với ba má. Ba má em già rồi, có còn hưởng được mấy mùa xuân nữa đâu anh? Mình còn trẻ bay nhảy đủ đường, chứ ba má chỉ ở quê nhà đợi mình, mong Tết sum vầy với con cái, mà em lại đi miết…

- Chúc mừng cô gái. Em đã “âm tính” và có thể về quê đón Tết cùng gia đình được rồi đó! Sức khỏe của em đã ổn định, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc an toàn và cố gắng ăn uống để có sức đề kháng.

- Thật hả bác sĩ? - Tôi nói cười mà nước mắt ứa trên bờ mi, lòng tôi rộn rã và thấy hình bóng quê nhà dường như không còn xa xôi nữa. Em có thể về quê hả anh? Trời ơi, em mừng quá!

- Ừ, nhưng về đến quê vẫn phải cách ly tại chỗ, hạn chế “tiếp xúc gần” ba má đấy nhé! Chỉ là để giữ sức khỏe cho người lớn tuổi mà thôi.

Tôi gật đầu thay cho lời cảm ơn tận sâu trong đáy lòng.

***

Nắng vàng rực rỡ triền đê, mấy con chuồn chuồn chăm chỉ ngày Tết cũng bay nhẹ nhàng trên ngọn cỏ xanh… Quê mình đó, tôi đang bước đi từng bước chậm rãi trên mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi tôi được sinh ra, nơi có ba má hiền lành đang đón đợi… Về quê, tôi tưởng mình như đang đi trong mơ.

Kia rồi, nhà tôi. Căn nhà nhỏ cuối xóm có giàn mướp phía bờ sông, có mấy cội mai vàng trước vuông sân lát gạch tàu rêu cũ. Bóng người lom khom tưới nước cho cây mai nở đúng ngay mùng một Tết Nguyên đán sao thân thương quá. Bóng của ba tôi cần mẫn, lam lũ. Bóng má tôi đang ngồi bên thềm, má không thấy tôi vì tuổi già mắt kém, nhưng tôi thì thấy má rồi, mắt má đang ngóng vọng về phương xa. Chắc má đang đợi tôi. Ba mươi, người ta sum họp hết rồi.

Tôi bước thật nhanh, thật nhanh, làm động cả đám cào cào ngủ im trên cỏ. Chẳng bao lâu tôi đã đứng trong vuông sân trước nhà. Sau lớp khẩu trang, khuôn mặt tôi nóng bừng, đỏ ửng. Mắt tôi rơm rớm nước. Tôi lắp bắp:

- Má ơi, ba ơi, con về với ba má rồi đây!

 Chưa kịp để ba tôi bỏ gàu nước xuống và má tôi chống gối đứng dậy bước ra đón tôi, tôi đã nói tiếp:

 - Khoan, ba má! Con còn đang trong tình trạng “cách ly” đó, mình tạm “thương xa” vài hôm, nghen ba má…

Ba tôi cười ra tiếng. Mà nước mắt lưng tròng. Tôi về quê đón Tết. Quê nhà bao dung ôm lấy tôi âu yếm, vỗ về…/.

Quê nhà dấu yêu