Thiếu nữ ngồi bên suối
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG
Đúng ra tôi phải nói và viết “người phụ nữ hoặc người đàn bà ngồi bên suối” bởi vì thiếu nữ chỉ dùng để chỉ các cô gái trẻ tuổi mười chín, đôi mươi trở xuống. Nhưng với chị, tôi muốn chị mãi là thiếu nữ…
… Bố mẹ tôi sinh ra năm người con, chị cả rồi đến ba anh em trai. Về trai, tôi là thứ ba. Anh thứ nhất nhập ngũ đầu năm 1965, anh thứ hai nhập ngũ giữa năm1967. Cả hai anh đang học đại học đều xung phong ra trận. Tôi thật thà khai báo rằng tôi học... vào loại... dưới trung bình; đã dốt thì ngại học. Hết học kỳ năm lớp tám, tôi bỏ học. Đi bộ từ nhà xuống trường những tám cây số, mệt lắm, ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ. Cô em út học lớp sáu, học giỏi nên để nó học, bố tôi nói vậy.
Tôi ở nhà được hai năm, thấy buồn chán vì bạn bè cùng tuổi ra trận hết. Mỗi đợt tuyển quân, tân binh quân phục mới tinh, nét mặt hân hoan. Xe chuyển bánh, họ cất tiếng hát vang bài “Anh vẫn hành quân” sáng tác của Huy Du hoặc bài “Thanh niên ra tiền tuyến” sáng tác Trần Tiến. Tôi thích nhất đoạn:“Xung phong ra đi hôm nay/ Biết đường sẽ nhiều chông gai/ Nhưng chí ta là thanh niên, khó khăn hy sinh ngại chi/ Bạn ơi chuẩn bị xong chưa/ Nào! Khoác ba lô ta cùng đi...”
***
Loa phóng thanh ở dọc đê Sông Hồng phát đi những bài ca chiến đấu, những bài ký sự từ miền Nam gửi ra nghe hào hùng lắm. Làng tôi có mấy tân binh huấn luyện xong, được về nghỉ chục ngày để ra trận, gái làng xinh đẹp cứ đến với họ, ngồi tâm sự với nhau ở bờ sông. Còn “thanh niên trơn” như tôi, chả cô nào thèm bắt chuyện, mà xung phong đi thì xã, huyện đều lắc đầu (họ biết hai anh tôi đang ở mặt trận) vì tôi trong diện tạm hoãn.
May quá có đợt đi Thanh niên xung phong, tôi ghi tên và được xã chấp nhận. Tôi động viên bố mẹ là đi nghĩa vụ Thanh niên xung phong chỉ có ba năm, gánh đất, vác đá, đắp đường, con làm được. Có ra trận cầm súng đâu mà bố mẹ lo. Bố tôi nói:
- Bố lo anh không chịu được gian khổ, đạn bom rồi đào ngũ như thằng Kỷ người làng ta. Năm 1965 ở Hàm Rồng Thanh Hóa, bom Mỹ ném nhiều, sợ quá thằng Kỷ chồn luôn đấy, ra đường, cầm sẵn cái mo!
***
Ở Trường Sơn mới thấy ác liệt của chiến tranh. Chúng tôi vào Trường Sơn được nửa tháng thì đến thời điểm mùa mưa. Mọi người tự đào hầm, làm hầm chữ A để ngủ nghỉ và tránh bom đạn giặc. Khu trú quân cách mặt đường khoảng một ngàn năm trăm mét đường chim bay, đi vòng là ba cây số. Hầm ở xa mặt đường nhằm tránh thương vong...
Ác liệt đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc và sống chung là: Muỗi, vắt. Muỗi đã có màn, nhưng vắi thì... nhiều, dai như đỉa, mỗi chúng tôi được cấp một lọ thuốc chống vắt. Vắt đậu vào kẽ ngón chân, ngón tay; bôi thuốc vào, nó tuột ra ngay. Khổ nhất các cô gái. Không hiểu do da thịt các cô có mùi thơm hay sao mà vắt bu lên đầu tóc, rồi háng,… Lúc ấy các cô hét lên, chị Muỗm lao đến gỡ hộ, vừa gỡ vừa nói: “Chỉ có con vắt mà chúng mày sợ, sao không ở nhà mà đi cấy cho đỉa nó bâu. Rồi có chồng con thì sao”.
Anh chàng Cường tếu táo: “Con vắt của chồng nó cắn chỉ có mà thích thôi”.
Chị Muỗm là người mà tôi gọi là thiếu nữ, là nhân vật chính của câu chuyện này.
Đại đội Thanh niên xung phong của tôi có một trăm hai mươi lăm người thì đến gần một trăm là nữ, tuổi từ mười tám đến hai mươi. Riêng chị Muỗm hai mươi tư tuổi. Nam giới là những người sức khỏe yếu, thấp lùn, không đắt bộ đội, hoặc có hoàn cảnh như tôi. Họ cũng từ hai mươi ba đến hai mươi lăm tuổi…
Tháng tám năm 1970 là tháng thứ sáu của năm thứ ba, còn sáu tháng nữa là đủ ba năm, chúng tôi xong nghĩa vụ.
Lúc này ngày nào giặc cũng ném bom. Hơn hai năm trước dù bom đạn ác liệt, đơn vị tôi không ai đào ngũ và cũng không ai hy sinh, nhưng đầu tháng tám này đã có hai nữ và một nam Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ. Lúc đang vác đá lấp hố bom cho thông đường để xe ta ra trận thì máy bay chúng đến vãi bom bi bừa bãi. Ba chiến sĩ đã hy sinh là một cú sốc cho cả đại đội. Đại đội trưởng cùng chính trị viên đã đến từng căn hầm - nơi ở của các chiến sĩ để động viên tinh thần cho mọi người. Các anh đã thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu đất nước cho chúng tôi.
Trong đại đội chị Muỗm là người hiền lành, vui tính nhất. Chị bảo mẹ chị đẻ chị ở gốc muỗm lên đặt tên là Muỗm (miền Nam gọi là xoài). Đi cấy về đến giữa đường đau bụng quá, cố lê được đến gốc muỗm là phựt ra chị luôn.
Ha ha ha... Tất cả cùng cười. Chị hát chèo rất hay, chỉ tiếc là hình thức của chị chỉ vào loại trung bình. Ở làng quê con gái hai mươi ba, hai mươi tư không có ai hỏi, coi như là ế. Đằng này chị Muỗm đã hai mươi bảy (lúc vào Trường Sơn là hai mươi tư), chị vui tính nhưng cũng mau nước mắt, ngày mà ba chiến sĩ hy sinh, chị ôm thi thể từng người, khóc lóc thê thảm, như chính người em ruột của mình ra đi:
- Sao chúng nó ác thế giời ơi là giời. Có ai mang bom đến giết con cái chúng nó không, hu hu… Tuyết ơi, Hiền ơi, Quảng ơi... Hu hu. Các em ngoan của chị hu hu…
Sau sự kiện ấy chị ít nói hơn và hay ra bờ suối ngồi những lúc rỗi rãi. Ngẫu nhiên lần nào tôi ra suối cũng thấy chị ngồi một mình. Mắt nhìn xa xăm, nhìn vào một điểm nào đó, không chớp mắt...
Bố chị hy sinh ở Điện Biên Phủ lúc chị mười tuổi, em gái sáu tuổi. Sau ba năm, mẹ chị qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Chị ở với cô ruột, vì gia đình cô cũng nghèo nên chị chỉ học biết đọc, biết viết rồi nghỉ. Chiến tranh nên làng quê vắng bóng đàn ông, mà nếu có chị cũng khó lấy chồng...
Một buổi chiều đẹp trời hôm ấy, không có tiếng máy bay gầm rú. Tôi ra suối. Trong rừng, hàng chục loại chim đua nhau hót. Cứ như mảnh đất này không hề có đạn bom, súng đạn. Định xuống tắm thì... ô kìa, một cơ thể phụ nữ đang khỏa trần trong làn nước trong vắt. Tôi đã tròn tuổi hai mươi lăm rồi, chưa nhìn thấy cơ thể thật của đàn bà. Tự nhiên trào lên một ước muốn, nhưng tôi cố kìm lại. Chị Muỗm đấy. Chị không nhìn thấy tôi vì tôi nấp sau một thân cây to. Tắm xong chị đi lên, cứ tự nhiên mặc áo quần rồi đi đến chỗ chị thường ngồi. Tôi định quay về thì chị nhìn thấy tôi, chị gọi anh Duy, lại đây. Âm sắc của giọng chị lạ lắm, tôi hỏi “có việc gì ạ. Thì cứ lại đây”. Tôi đi đến, chị đứng lên kéo tôi đi cách xa bờ suối, đến một chỗ đất trống, chị ấn tôi ngồi xuống. Im lặng khá lâu, chị nói:
- Anh Duy, anh nói đi chiến tranh bao giờ mới hết. Còn ai nữa sẽ không trở về. Tuần trước đấy, cái Tuyết, cái Hiền, thằng Quảng... Tội nghiệp chúng nó, nằm đấy như đang ngủ. Trời ạ, sao chúng nó ngoan ngoãn thế mà phải chết, mới hai mươi, hai mốt tuổi đầu.
Rồi chị bật khóc nức nở. Tôi cố tìm lời an ủi mà cổ họng tắc nghẹn. Rừng cây im lặng, chỉ có chim muông đang hót. Chị im lặng. Quay lại phía tôi, chị nhìn tôi chăm chú, bỗng nhiên chị ghì chặt lấy tôi, đặt lên môi tôi những cái hôn gấp gáp, trong tiếng thở dồn. Sau chị kéo tay tôi đặt lên ngực chị, rồi chị từ từ nằm xuống, kéo theo tôi, miệng thì thầm:
- Nào anh, hãy chiều tôi một lần thôi. Trời ơi, hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi rồi, tôi chưa biết đến đàn ông. Nào, hãy nghe tôi. Lỡ mai tôi chết cũng mãn nguyện mà. Nào, nhanh lên anh Duy.
Giữa bạt ngàn cây lá, chỉ có tiếng chim. Trong khoảnh khắc, tôi có thể làm xong cái công việc của người đàn ông đang kỳ sung mãn nhất. Nhưng... tôi cố kìm nén bởi... lỡ xảy ra chuyện gì, cả hai bị kỷ luật, đuổi về hậu phương, chỉ còn gần sáu tháng nữa là về. “Không không, chị tha lỗi cho em, em chỉ là em chị”.
Tôi cố gỡ hai cánh tay chị đang ghì chặt lấy tôi và bật dậy:
- Hãy nghe em chị Muỗm, đừng bi quan như thế, sắp hết hạn phục vụ rồi, chúng ta cùng về quê, chị sẽ có hạnh phúc. Nghe em nào, chị gái của em.
Chị Muỗm nhếch mép như mỉa mai (cử chỉ ấy tôi chưa thấy ở chị hơn hai năm nay) rồi thở dài nói:
- Tôi xấu gái quá, hạnh phúc gì chứ. Mà chắc gì được sống đến ngày trở về. Thôi, anh đi đi, tôi không cần anh thương hại.
Và chị vụt đứng lên, đi như chạy, không cần nghe tôi nói thêm gì nữa. Tôi ái ngại nhìn theo chị cho đến lúc chị như biến mất vào rừng sâu thăm thẳm.
Không ngờ được, đó là lần cuối cùng gặp chị bởi vì năm giờ chiều hôm ấy, chúng lại đến ném bom bừa bãi xuống mặt đường. Lúc ấy tổ của chị Muỗm đang làm nhiệm vụ, chị bị hàng chục viên bom bi găm vào người. Đồng đội võng chị và một số chiến sĩ khác cũng bị thương di chuyển vào rừng. Chị nằm đấy, máu chảy từ đầu xuống làm ướt đẫm mái tóc dài của chị. Miệng chị như mỉm cười. Đại đội phó Chu Thị Hằng vuốt mắt cho chị. Tôi bật khóc. Lần đầu tiên ở tuổi trưởng thành, tôi khóc như chính chị là chị ruột của tôi...
Đôi mắt của chị còn ám ảnh tôi mãi, đôi mắt như hờn giận, oán trách. Nhiều lúc tôi tự hỏi:
- Mình như thế là tốt, là trong sạch không? Hay mình đã làm cho một người ra đi phải ân hận? Nhưng rồi tôi tặc lưỡi rằng dù sao, tôi đã thắng chính mình./.