Thư mục hình cây
Truyện ngắn: UÔNG THÁI BIỂU
Ông nội…
Đây chính là nhân vật thứ nhất trong ba nhân vật của truyện ngắn này, nhưng chỉ là người được nhắc đến trong truyện như một hình bóng tưởng niệm. Ông đã là người thiên cổ từ mấy thập niên trước, chết vì ngộ độc sau bữa rượu sắn nhắm với thịt cóc mà gặp người kinh nghiệm trị độc có tiếng như ông lang Nọng xóm Bờ Đê cũng phải lắc đầu bó tay. Cùng chung ngày cúng giỗ với ông là hai ông bạn thợ cày cùng xóm. Thỉnh thoảng tên của ông vẫn xuất hiện trong lời khấn vái của nhân vật CHA nhân ngày giỗ chạp, Tết nhất. Và tất nhiên, những thông tin về nhân vật này vẫn được lưu giữ khá đầy đủ tại file ONGNOI trong chiếc laptop cá nhân của nhân vật CON.
… Cha
Hồi mới bắt đầu biết đọc, có nghĩa là biết mình đọc cái gì, hắn nhớ mãi câu thơ của một nhà văn viết truyện ngắn nổi đình nổi đám vào thời đó mà hắn đọc lỏm trên một tờ báo vô tình vớ được: “Cha tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Câu thơ ấy như một cách hàm ngôn của ông nhà văn nổi tiếng. Có lẽ ông viết lên nhằm thỏa mãn về sự thể hiện tầm vóc cao lớn của mình bằng cách gạch một dòng trích ngang lý lịch về nguồn gốc xuất thân thấp kém. Cũng đúng thôi, bức tượng có được đục đẽo kỳ công bao nhiêu, giá trị bao nhiêu mà thiếu cái bệ để đặt nó lên thì trông cũng chẳng ra gì. Cô con gái lão phú hộ trong làng ngày xưa mắt lé, môi dày, nước da cam sành nhưng sang trọng, xinh tươi hẳn ra nhờ xung quanh mình chỉ toàn là đàn bà rửa mặt bằng nước ao bèo toét cả đôi tròng mắt, lũ con gái đương thì mặc váy vá chằm vá đụp, hai mươi hai mốt mà chưa biết chẻ miếng cau làm tư mà cà lên bộ răng lộ xỉ dính đầy bã mắm. Lớn lên, đi làm cán bộ, hắn hay thấy mấy vị quan chức phát biểu trên diễn đàn hội nghị: “Địa phương chúng ta đi lên từ một xuất phát điểm thấp”. Hắn hiểu người ta nói thế nhằm mục đích gì. Điểm xuất phát mà thấp thì sau này có “lên” thấp thấp cũng chẳng e ngại, xấu hổ là mấy. Còn nhờ ơn trời mà “lên” cao một chút thì tha hồ mà nổ là nhờ tài lãnh đạo xuất chúng của ông này, bà nọ. Trên đường đua ở mấy cuộc thi chạy hàng huyện, hàng xã có dịp được chứng kiến, hắn thấy điểm xuất phát chung là một sợi dây rừng người ta chặn ngang bụng năm sáu anh chạy thi. Nhưng cuộc chạy nào cũng vậy, cuối cùng vẫn có thằng về nhất, về nhì, vẫn có thằng ì ạch mãi mới lê về được chỗ có cái vòi ru-mi-nê mà tu nước ừng ực…
Nói tóm lại, theo hắn nghĩ, thành phần xuất thân cũng như cái chân đế của cái đèn dầu lạc, là cái bệ để người ta đặt bức tượng lên cao cho sang trọng thêm. Kể ra thì cũng có khác đôi chút. Khác ở chỗ, chân đế đèn dầu lạc càng cao thì ánh sáng tỏa ra càng rộng. Còn người thành đạt, sang trọng, nổi tiếng thì thích đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách giới thiệu tổ tiên, ông cha mình là hạ đẳng, là tá điền, là những kẻ suốt đời chỉ nhá rễ khoai lang với cà pháo muối mặn do bọn địa chủ, cường hào thí cho. Xuất phát điểm của một số phận là một cái gì đó thật thiêng liêng, cao cả. Cái thiêng liêng, cao cả nhất, cũng theo hắn nghĩ, là không thể nào thay đổi được. Hoàng tử, công chúa trong lầu vàng, điện ngọc thì được tôn xưng là dòng giống rồng rắn đế vương. Hậu duệ nhà quan lại, quý tộc thì tự hào được sinh thành trong gia tộc quyền quý, đi đến đâu cũng khoe khoang cái gia phả từ thời ông cụ bà kỵ bảy đời tám hoánh. Con cháu mấy ông thầy đồ, thầy cúng thì tỏ ra là những bậc thức giả lịch lãm bởi dù sao thì cũng được ông cha giở sách Tàu ra đặt cho cái tên có chữ nghĩa…
Còn dòng giống của hắn, hắn không biết có nên tự hào hay không, nhưng cũng theo hắn nghĩ, là không thể thay đổi được. Từ xửa xưa cho mãi đến đời cha hắn vẫn chỉ cầm cái cày lẽo đẽo sau mông con trâu cái. Nghèo đến mức hèn và hèn đến mức trừ con chó con mèo trong nhà ra, cả cuộc đời của cha hắn chỉ dám quát mắng hai con người là mẹ hắn và hắn, cũng chỉ được ra lệnh duy nhất đối với con trâu cái nhà hắn với mấy câu khẩu lệnh ngắn gọn: tắc, họ, rì… Hèn đến mức mà ngay đến cả cách chọn cái chết cũng hèn, chết vì ngộ độc thịt cóc. Đã có lúc hắn nghĩ quẩn nghĩ quanh mà giận lây sang mồ ma cha hắn, tại sao lại không ngộ độc thịt voi, thịt ngựa, kém ra là thịt bò, thịt lợn cho oách mà lại chết vì mấy con cóc đen đủi, hôi hám, bé tí bé tẹo cơ chứ. Học được mấy cái chữ, lúc chưa lên chợ huyện lần nào, hắn cứ bị ám ảnh đến mức ghê rợn là đời hắn rồi cũng như đời cha hắn. Đường chân trời của hắn có lẽ rồi cũng là đôi bờ mông với mấy sợi lông lơ phơ lất phất trải dài mấy vệt xuống cái đuôi của con trâu cái già mà hắn được thừa kế từ ông thân sinh thợ cày đoản mệnh. Vốn văn chương đầu đời mà hắn nhập tâm được cũng chỉ có mấy câu vần vè dạy kinh nghiệm cày bừa, đồng áng mà ông hắn truyền cho cha hắn và cha hắn truyền lại. Đại để như “Tháng chạp là tháng trồng khoai. Tháng giêng trồng đậu. Tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra…” Chỉ có một điều mà hắn chắc chắn như đinh đóng cột là tuyệt đối không rờ đến món thịt cóc dù loại thực phẩm này có lắm chất can-xi hay giàu chất đạm đến bao nhiêu.
Một cảm xúc cứ đeo bám cả đời hắn như đám đỉa đói bám bắp chân mấy mụ nạ dòng thợ cấy là cái “tinh thần thương nhớ đồng quê” chết tiệt. Nó cứ ám ảnh hắn như ma ám. Đến nỗi mà vừa mới khuya hôm qua, đang nằm trên chiếc giường ấm áp trong ngôi nhà cấp bốn ở trung tâm thành phố mà nghe tiếng gió rền rĩ kéo theo vài giọt mưa rỉ rả bên ngoài cửa sổ hắn đã lồm cồm bò dậy cầm lấy chiếc áo choàng với ý nghĩ là đang cầm tấm phên tre đi che gió cho mấy con vịt nhốt ngoài bờ ao. Mãi đến lúc những hạt mưa thấm lạnh vào người hắn mới bừng tỉnh khỏi cơn mộng du có lẽ là đến từ muôn kiếp trước…
***
Lão sếp của hắn, cũng là hậu duệ của một gia tộc bốn đời cày ruộng rẽ, hai đời cày ruộng hợp tác xã và đời gần nhất thì vừa cày ruộng khoán vừa mổ thịt trâu. Lão vừa tuyên bố vừa chặt chặt hai tay vào không khí như đang róc thịt trâu một cách quyết liệt trong hội nghị cơ quan hồi đầu năm ngoái:
- Thời đại này là thời đại công nghệ thông tin, là thời đại hội nhập, nối mạng toàn cầu. Thế giới phẳng như cái sân phơi thóc. Các anh chị là cán bộ, công chức… phải vi tính hóa… Đêm hôm đó, hắn trằn trọc xoay nghiêng xoay ngửa mãi mà mấy cái chữ “vi tính hóa…”, “vi tính hóa…” cứ vọng trong đầu như một sự thách thức. Thế là hắn quyết định đi học vi tính. Khổ nỗi, đối với cái đầu cứng như đá của hắn thì phần cứng thì quá cứng mà phần mềm thì cũng cứng luôn. Máy móc gì toàn là tiếng Tây, mà từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ hắn đã bao giờ rờ đến cái món Ăng - lê khó gặm như thịt trâu già chết rét này đâu. Một cái khó ló cả mớ cái khôn. Hắn sáng tạo ngay cái mẹo Việt hóa tiếng mũi lọ cho dễ học dễ thuộc. Ví như save thì hắn ghi là “xa ve”, delete thì ghi là “đẻ lẻ tẻ”. Vài ba tháng đánh vật theo cái lớp bằng A ban đêm hắn cũng biết đặt tên file và gõ được cái “văn bản” ngăn ngắn. Học thì cũng đã thạo, đến cơ quan nói chuyện với đồng nghiệp hắn cũng đã biết gọi cái “máy đánh chữ giống đài vô tuyến” là com-piu-tơ và suốt ngày bàn chuyện phần cứng, phần mềm. Trước đây hắn cũng hăng say nói chuyện cứng mềm nhưng mang nội dung khác. Mấy tay đồng nghiệp trẻ kha khá hơn thì đã biết lên mạng mở cửa sổ Yahoo! Messenger tán gẫu với mấy ả quá lứa rỗi hơi và nhờ người vẽ cho cái blog bờ liếc gì đấy để vào thế giới ảo trải lòng với nhân loại…
Khổ nỗi, học đã lâu mà hắn vẫn chưa có dịp được “tác nghiệp” trên máy tính thực sự. Ở cơ quan mới sắm được hai cái thì cái ít tiền nằm chềnh ềnh ở phòng thường trực để thiên hạ chiêm ngưỡng còn cái đắt tiền hơn thì đặt ở phòng làm việc của sếp. Nghe mấy mụ đàn bà lắm mồm trong cơ quan thì thụt là lão ta cũng đã biết mở máy bói bài Tây và chơi games. Còn ở nhà, với gia cảnh hiện tại thì hắn chưa thể nào sắm nổi cái máy vi tính giá đến năm sáu triệu bạc. Lương bổng mấy tháng qua hắn đã dành hết cho “thương nhớ đồng quê”, chỉ trừ cho vợ mấy đồng đi chợ mua rau cá vặt. Nào là gửi tiền về nâng cấp nhà thờ họ. Nào là ông bác con của ông cố bác đi mổ ruột thừa thiếu tiền nộp viện phí. Nào là đám cưới thằng cháu con của con bà dì bên họ ngoại. Rồi mười bốn đám giỗ mà đám nào hắn cũng phải gửi tiền về để góp sắm sanh cỗ bàn cùng ông tộc trưởng, người được toàn gia tộc đóng tiền thanh toán cước điện thoại hằng tháng vì ông chuyên sử dụng mobile cho việc kêu gọi đóng góp quỹ khói nhang, cúng tế của dòng họ. Dịp cuối năm có thêm mấy lần chuông reo trong máy điện thoại di động nhưng liếc thấy mã vùng hay hiện số cầm tay mang “hình bóng quê nhà” là hắn “đi công tác vùng sâu mất sóng” ngay, nếu không thì Tết vừa rồi cũng khó mà bắc được cái nồi bánh chưng lên ba cục đá tảng sau hồi nhà…
…Và con
Năm cuối cùng của thế kỷ trước nó thi đậu đại học, ngành công nghệ thông tin. Khi chàng thế hệ 8X này mới khoác ba lô vào trường thì người ta đang bàn tán xôn xao về hai sự kiện sẽ có thể xảy ra trong dịp giao thừa thiên niên kỷ. Một là những lời tiên tri của các bậc thánh thần thông thái nào đó ở tận đẩu tận đâu về ngày tận thế của nhân loại đang từ từ tới. Hai là nỗi lo ngại toàn cầu về sự cố máy tính mang tên Y2K. Tất cả những ai quan tâm đến sự sống chết trên trái đất đều phập phồng trước lời đồn đại về ngày tận thế mà chủ yếu là do các bà bán đèn cầy ngoài chợ rỉ tai. Còn những ai thờ ơ đến sự sống chết chung chung kiểu lụt thì lút cả làng ấy thì lại chăm chăm nhìn cái màn hình computer như thể là chỉ ít lâu nữa sẽ phải tổ chức lễ vĩnh biệt cho nó. Mà sự thật là vậy. Với cái thế giới ngày một phẳng phiu như tấm vải sồi mấy bà nhà quê khâu váy đã được nối mạng đến tận hang cùng ngõ hẻm này thì chuyện hệ thống máy tính toàn cầu bỗng nhiên “quên nhớ” chẳng khác gì một cơn đại hồng thủy. Trên một tờ báo phát hành vào dịp đó, nó đọc được mấy câu thơ của thằng cha thi sĩ dở hơi nào đó. Tay nhà thơ ấy viết ngất ngất nhưng kể ra cũng có lý, đại để: Em gói ghém tình yêu của anh ném lên trang web/ Rồi quên xử lý sự cố Y2K/ Lúc không giờ, kỷ niệm và anh mất tích/ Đón năm mới không có ngày hôm qua…
Thế rồi mọi chuyện ồn ào cũng qua. Giờ khắc giao thừa thế kỷ chẳng thấy núi sập đất lở gì cả mà chỉ thấy pháo hoa đỏ rực cả trái đất và thông điệp của nguyên thủ các quốc gia phát ầm ầm trên máy vô tuyến. Máy tính cũng thế, chẳng có sự cố sự kiếc gì sất. Thế mà cũng loạn xì ngầu cả lên, nó nghĩ. Thế nhưng, sau cái khuyến cáo chưa thành hiện thực ấy, cả thế giới mới thấy tá hỏa lo lắng vì nếu điều đó xảy ra thật thì biết làm sao đây nhỉ. Lâu nay con người đã trở nên lười biếng. Không ai thèm nhớ gì nữa cả. Toàn bộ những gì đáng nhớ thì đã gói gém ném vào RAM, vào ROM rồi. Người cần nhớ nhiều như mấy ông giáo sư, tiến sĩ thì cấy thêm mấy thanh để nâng cấp bộ nhớ. Người ít học, bình dân thì vài ba “mê” là đủ. Thấy cả thế giới tá hỏa, nó cũng tá hỏa theo. Hồi kết thúc học kỳ thứ nhất ở trường đại học, cha nó đã bán cốt lột xương cho nó mười mấy triệu bạc sắm cái laptop với ý nghĩ cao cả là đành hy sinh đời bố để củng cố đời con. Kể từ khi có cái máy tính di động ấy, nó cũng bắt đầu lười biếng như phần còn lại của thế giới, có nghĩa là nó cũng nghiêng cái đầu xuống và đổ tất cả những gì cần nhớ vào trong máy tính. Những buồn vui, thương giận, yêu ghét, thèm lạt khát khao. Những ký ức, kỷ niệm. Trừ cái gia phả dòng tộc chưa đủ thông tin để lập, tất tần tật mọi thứ cần nhớ nó đã nạp vào các thư mục và sắp xếp một cách khoa học. Việc thao tác thành lập hệ thống dữ liệu cá nhân đối với nó chỉ cần vài cái click muse, vì dù sao thì nó cũng sắp là kỹ sư tin học.
Cha nó từng nói, người không có gốc thì cũng như cây cối không có cội có rễ. Từ cái nỗi lo sợ của trạng thái “hậu Y2K” như toàn thể nhân loại, nó bắt đầu hoảng hốt về cái sự có thể xảy ra là một ngày nào đó không còn biết mô tê gì về nguồn gốc xuất thân của mình. Khốn nỗi, trước đây, thời chưa có máy tính, nó cũng biết lờ mờ qua lời kể của cha nó về tổ tiên, dòng tộc, về con đường làng đầy rơm rạ và sực mùi phân trâu nơi cha nó được đẻ rớt khi bà nội đau bụng bò về giữa buổi cấy. Thế nhưng, như đã nói ở trên, từ khi có máy tính, những cái gì đáng nhớ trong đầu nó đã đổ sạch vào cái bộ nhớ có dung lượng cỡ tám mươi GB mà cha nó sắm cho. Tổ tiên, ông bà, dòng tộc, quê hương thì đang lất phất, lơ phơ ở đâu đó bên ngoài các ổ đĩa. Thế là nó quyết định phải hệ thống hóa tất cả chúng lại và cất vào kho dữ liệu cá nhân. Nghỉ hè, với sự trợ giúp của cụ khốt và cái máy tính di động, nó đã làm được cái mà ít đứa tám X như nó làm được.
Có lần lang thang trên mạng internet, nó bắt gặp một website chứa những thông tin về một nghĩa địa ảo và tò mò click con chuột vào ngó. Trời ơi, đúng là thời đại của công nghệ thông tin! Không có thứ gì là không thể làm được. Ở trên đó là một cái nghĩa địa được mô tả như thật với dọc ngang mộ phần, mộ chí. Cũng có nơi cung cấp đồ lễ để chăm sóc, cúng tế. Cũng khói nhang nghi ngút, cũng hoa hòe ngạt ngào. Thế giới ảo đến cả những gì mà lâu nay người ta tưởng là thật nhất. Cháu con sinh sống bên Tây, bên Tàu cũng có thể lên mạng mà khóc than ông bà, cha mẹ khi thiết kế và update mộ phần lên trang web. Tiết Thanh Minh chỉ cần lên mạng mà quét vôi, nhổ cỏ chứ không phải nhọc xác vác thân về cố hương mà bò ra nghĩa địa nằm heo hắt giữa cánh đồng làng. Hay, hay thật! Nó vô cùng tâm đắc với ý tưởng độc đáo này và việc nó lập gia phả dòng họ của mình trên laptop cũng là sự nối dài tư duy sáng tạo của anh chàng nào đó có cái nickname nghiatulanghiatan (nghĩa tử là nghĩa tận) nói trên.
OK. Từ nay, nó hoàn toàn yên trí về quá khứ, về ký ức, về những gì mà cha nó ái ngại lo lắng “người không có gốc cũng như cây cối không có cội có rễ”. Dù dưới lớp tóc trơ gốc sát da của nó hoàn toàn trống rỗng về nguồn gốc xuất thân nhưng chiếc laptop luôn cặp kè trong chiếc ba lô hiệu Nice sau lưng đã nhớ thay cho cái đầu lười biếng mang tính toàn cầu của nó. Trong đó đã đủ cả, nào quê quán, gia tộc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ…tất tần tật đã được nó tạo lập theo thư mục hình cây kiểu như ongnoi/ cha/ con...
Những thông tin về thành phần xuất thân cũng chẳng mấy khi cần phải sử dụng, chỉ thi thoảng nhà trường bắt phải điền vào hồ sơ sinh viên cho phải phép. Mỗi lần như thế, nó lại phải mất công ra quán cà phê khởi động máy và bấm lệnh open. Thực ra, trong bụng nó vẫn còn tồn tại nỗi lo âu là nếu lại xảy ra một sự cố dạng Y2K thì biết tính làm sao. Tất nhiên, nếu điều đó là có thật thì cả thế giới này mất trí nhớ chứ không riêng gì nó. OK, không sao, nó nghĩ. Nguy cơ khác cũng luôn ngấp nghé nhằm phá hoại các tập tin thể hiện đức hiếu nghĩa của nó chính là lũ virus máy tính càng ngày càng loạn. Bọn tiểu yêu này mới thực là ghê gớm, chỉ sơ suất một giây là nó gặm hết tất tần tật những gì cần nhớ, còn nguy hiểm hơn ngàn lần virus ung thư, SARS-Cov2, H5N1 hay HIV. Nó lại tặc lưỡi, nếu ông Nguyễn Tử Quảng với Trung tâm Bkis của ông ấy hay các chuyên gia diệt virus máy tính nổi tiếng trên thế giới mà còn lè lưỡi đầu hàng thì kỹ sư máy tính tương lai như nó cũng đành phải botay.com… /.