Tìm chồng

TAP CHÍ LANGBIAN|8/13/2021 9:38:58 AM

Tác phẩm dự thi tạp chí Lang Bian năm 2021

Tìm chồng

VÕ ANH CƯƠNG

Năm ấy mùa mưa đến muộn, mãi đến cuối tháng năm mới có mưa đầu mùa, cơn mưa giải hạn làm dịu bầu không khí nóng nung người. Trời tạnh, tôi cho xe rẽ vào một khu dân cư có tên là Đa Thọ, tôi thấy người đàn bà vừa bước ra từ một căn nhà nhỏ, sửng sốt tôi gọi to. “Chị Minh”. Chị Minh đứng sững lại khi thấy tôi, chị ngạc nhiên hỏi: “Ủa, Quang làm sao em đến được đây?”. Hỏi xong câu đó mặt chị xụ xuống, chắc chị nhớ đến chuyện chị bỏ nhà tôi ra đi không nói lời từ biệt? Tôi làm ra vẻ tĩnh: “Cuối cùng em cũng gặp được chị, chị khỏe không, dạo này chị sinh sống ra sao, con gái chị sao rồi?”. Tôi hỏi luôn mấy câu, chị Minh cúi đầu không trả lời câu hỏi của tôi mà lại nói: “Chị biết chị có lỗi với gia đình em nhưng mà em ơi, chị không thể làm khác được!”. Tôi định nói nhưng chị chặn lại: “Thôi Quang à, vô nhà rồi nói tiếp, để em xem con Ti lớn đến độ nào”. Chị mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bằng nhựa rồi kêu to: “Ti ơi ra mẹ biểu!”. Một đứa con gái chừng bảy, tám tuổi từ trong nhà chạy ra, nó khựng lại khi thấy tôi. Chị Minh bảo: “Ti, con chào cậu Quang đi, cậu Quang ngày xưa thương con lắm, cậu hay bế con cho mẹ làm bánh bán đó”. Dường như con bé không nhớ chuyện chị kể, nó còn nhỏ quá. Con bé vòng tay lại “Dạ, con chào cậu Quang!”. Tôi xoa đầu nó:  “Bé Ti ngoan quá, tiếc là cậu đi vội không có quà cho bé Ti rồi”. Bé Ti là một con bé lanh lợi:  “Thì hôm nào cậu Quang mang quà cho bé Ti cũng được mà!”. Chị Minh bảo con: “Thôi con vô trong chơi đồ hàng đi để mẹ nói chuyện với cậu Quang”.

“Cậu à”, chị Minh bắt đầu câu chuyện: “Chị biết chị có lỗi và phụ lòng mọi người trong gia đình cậu”. Chị ngưng lại một lúc rồi nói tiếp: “Chị không thể ăn nhờ ở đậu nhà em mãi được, tuy chú thím coi chị như con cháu nhưng mà chị phải đi…”. Chị Minh ngước lên nhìn tôi: “Cậu hiểu cho chị, chị phải đi tìm ba bé Ti, nó không thể không có ba cậu à”. Tôi bắt đầu hiểu đôi chút về chuyện chị Minh. “Hồi đó cậu còn nhỏ không để ý chớ khi chị đến nhà cậu ở người ta xầm xì về chị nhiều lắm. Không có thím Sáu an ủi chắc chị bỏ xóm Cô Hồn đi lúc mới sanh bé Ti. Người ta thường hỏi chị ba con nhỏ đâu mà không thấy, chắc lại là Việt kiều hồi… hộp phải không? Chị chỉ biết đứng chết trân nhìn người ta thôi chứ không biết trả lời ra sao. Mà miệng người đời ác lắm cậu à. May mà má cậu biết chuyện, thím qua thẳng nhà bà Tám làm cho bà ấy một trận ra trò. Nhưng chị biết ở xóm nhà cậu người ta vẫn  thường đem chuyện của chị ra “nói hành nói tỏi”, chị buồn lắm cậu à…”

Tôi là một người vô tâm khi nghe chị Minh nhắc lại chuyện cũ. Hồi ấy tôi ham chơi hơn ham học và đâu biết rằng làm bà mẹ đơn thân như chị khó khăn đến độ nào. Xóm tôi người ta không gọi như vậy, chỉ hai tiếng “chửa hoang” đủ nói lên thái độ của dư luận cho những ai lâm vào hoàn cảnh đó. Thiệt tâm tôi không mảy may chú ý đến điều đó, tôi chưa bao giờ thắc mắc… chồng chị Minh là ai và ở đâu? Nay nghe chị kể như vậy tôi mới sực nhớ lại chuyện ở xóm Cô Hồn. Gọi là xóm Cô Hồn vì ở đó có đền thờ cô hồn, cái tên xóm nghe lạnh lưng nên ngày càng hiu hắt. Xóm của tôi đâu phải chỉ có mình chị Minh bỏ nhà đi? Anh Sơn con bà Tám, anh sáu Dũng con ông Ngô Ngọng… và ngay cả tôi nữa thỉnh thoảng lễ Tết mới tạt qua nhà cho có rồi đi liền. Xóm buồn, người đời còn đem chuyện chị Minh chửa hoang ra làm chuyện mua vui thì làm sao chị chịu nổi?  Chị bỏ đi có lẽ để trốn chạy dư luận. Tôi nghĩ mông lung như vậy khi nghe chị Minh kể chuyện. Nay thì chị Minh tạm thời ở khu dân cư Đa Thọ này, cứ cho là ổn; chị trải qua nhiều nghề, lúc thì may vá, lúc thì làm bánh lúc buôn bán vặt. “Bá nghệ bá tri vị chi bá láp em ơi, mà nè sao em đến được chỗ này?”. Tôi kể chuyện tôi, học báo chí ra trường rồi làm phóng viên cho một tờ báo ngành, nghề này va chạm đủ thứ với đời, hôm nay tôi thâm nhập thực tế để viết về chuyện những người bỏ miền Tây ra đi vì ruộng đồng nhiễm mặn không có việc làm,  vô tình gặp chị. Tôi giấu nhẹm chuyện tôi quên béng chị Minh bao nhiêu năm trời đến khi gặp chị ở đây mới giật mình. Chị Minh nói: “Tưởng gì, những người như em nói ở đây nhiều lắm, mà Quang nè chị thấy chuyện đó bình thường mà, ở đâu có việc làm người ta tới làm việc mà em?”. Chị Minh cung cấp cho tôi vô khối tư liệu về những người đàn bà bỏ ruộng và những người đàn ông phụ hồ, chạy xe ôm hay làm những công việc khác. Tôi thích thú, nghĩ đó là những chuyện mới rợi, tươi roi rói, đêm nay tôi về chắp bút được rồi.

Tôi chào mẹ con chị Minh  ra về và không quên móc túi lấy tờ bạc xanh dúi vào tay chị, nhờ chị mua bánh cho bé Ti. Tôi quên hỏi chị Minh đã tìm ra ba bé Ti chưa? Hơn một năm sau tôi mới có dịp ghé thăm chị nhân một chuyến công tác xuống Đa Thọ, nhưng chị Minh không còn ở đó nữa. Không ai biết chị đi đâu, tôi buồn rầu ra về mà lòng thầm trách mình sao vô tâm quá. Trách mình nhưng biết tìm chị ở đâu?

Khi người ta thất bại trên đường đời là lúc nhớ đến gia đình. Tôi là một người như vậy. Làm nhà báo tôi trải nghiệm qua biết bao cảnh đời, nghề làm báo hợp với tính tôi  hay sa đà vui chơi nhiều khi quên cả lối về. Nhưng chính nghề nghiệp lại khiến tôi mất đi mối tình đầu. Nàng không vượt qua được định kiến gia đình, cha mẹ nàng cho rằng  lấy phải thằng chồng phóng viên suốt ngày lang thang  nàng sẽ vò võ một mình ôm con rồi khổ suốt đời. Bây giờ  chuyện ép uổng đâu phải đã hết. Nàng bị gia đình ép lấy chồng Việt kiều, một anh chàng người Úc tên là Anthony Lượm.  Sắp đến ngày cưới của nàng, tôi xin nghỉ phép về thăm nhà để tìm chút bình yên. Má tôi nói: “Mồ tổ cha mi, đi đâu mà đi mất biệt, sao không đi luôn cho rảnh?”. Tôi cười: “Má ơi Tết rồi con về ăn Tết mà, bộ má quên sao?”. Má nguýt: “Mi chỉ ghé dăm phút đủ để chúc Tết cha má mà nói là về ăn Tết  sao?” Bà dịu giọng: “Con đói bụng không, trong chạn còn mấy củ khoai luộc để má lấy cho con ăn”. Trời ơi bao nhiêu năm rồi tôi mới lại ăn khoai lang, mà khoai lang nhà trồng mới đã chứ. Bụng no tôi mới chú ý đến ngôi nhà. Cũng là nhà cấp bốn nhưng nhà tôi giờ khác hẳn. Tường sơn nước màu vàng nhạt, nền gạch hoa, bếp đá hoa cương. Chiếc bếp ga thay cho bếp củi đang nổi lửa xanh làm nổi bật chiếc nồi nhôm màu trắng mà má tôi đang kho cá ngừ đượm vàng màu nghệ. “Nhà mình mới xây hả má?”. Má thủng thẳng: “Là con Minh về xây chớ cha má làm gì có tiền mà xây nhà hả con”. Tôi ngạc nhiên. Cha tôi nói: “Nó nói làm ăn được, nhớ ơn chú thím cưu mang những ngày khổ sở làm cho chú thím ngôi nhà để an dưỡng tuổi già”. Tôi thầm đánh giá vùng bán sơn địa như xóm Cô Hồn ngôi nhà này chắc chỉ hơn trăm triệu. Tôi không có số tiền đó để làm cho cha má vui nên cảm thấy hình như mình có lỗi.

Ở nhà dăm ngày tôi cuồng nhân như con ngựa hoang bị nhốt trong chuồng. Tôi chào cha má, khoác ba lô và đi sau khi hứa với cha má sẽ về dự đám cưới gái út. Tôi yên tâm đi vì ở nhà đã có anh Hai, tôi định bụng đi tìm chị Minh thử coi giờ chị sống ra sao . Chiếc xe đưa tôi qua bạt ngàn vườn cà phê. Nước mình đứng nhì cà phê xuất khẩu chỉ sau  Braxin, tôi lan man nghĩ. Không biết ở đó có người Việt? Họ là Việt kiều. Tự nhiên tôi nghĩ ngay tới nàng sẽ là Việt kiều Úc. Một câu hát bỗng nhiên  thoáng qua đầu, em đi rồi còn ai hò hẹn… bỗng dưng tôi lại nhớ đến chuyện ngày xưa đay nghiến chuyện ngày nay chi vậy? Rồi cà phê cũng hết, tôi đi qua một vùng trồng rau. Tôi thắng xe khựng trước cổng một ngôi nhà để hỏi thăm đường. Người đàn ông ra mở cổng: “Cậu tìm a…i, cậu Quang phải không, anh Sơn nè”. Anh Sơn tiếp: “Vô nhà, vô nhà đi cậu, gặp cậu anh mừng quá”. Tôi ngạc nhiên khi gặp anh Sơn con bà Tám ở vùng này, anh mở tủ lạnh lấy lon Tiger ướp lạnh để trước mặt tôi: “Cậu giải khát đi, chờ anh chút, anh phải kiếm cái gì ta lai rai nói chuyện”. Không chờ câu trả lời của tôi, anh Sơn nhanh chân xuống bếp. Khi tôi đang tò mò xem giấy khen của một cậu bé treo la liệt trên tường thì nghe tiếng gà kêu sau vườn. Dăm phút sau anh Sơn dưới nhà bưng lên một dĩa lòng gà xào hành tây. “Mời cậu”. Anh rót rượu: “Thứ này mới đã, cậu chờ chút nữa gà chín là mồi màn đầy đủ”. Anh cười. Anh không hỏi vì sao tôi đến đây, tôi cũng không nói mục đích chuyến đi của mình, câu chuyện chỉ quanh quẩn xóm Cô Hồn mà sao nghe thân tình quá.

Tôi say, cũng tại lon bia, bụng rỗng và vài ly rượu nếp ngọt hậu của anh Sơn. Say nhưng tôi làm chủ được mình, nghề nghiệp bắt buộc tôi như vậy. “Anh Sơn, hồi đó sao anh bỏ nhà đi vậy?” - Tôi hỏi. “Anh đi mần ăn, ở đâu đất lành thì chim đậu thôi cậu”. Rồi anh chỉ tay ra vườn: “Giờ anh có hai hécta, mấy năm trước trồng rau sống cũng khá giờ rau thì… hơi thua, nhưng ba năm trước anh quay qua trồng chuối laba, ai dè thứ cây  đó mà cho thu hoạch khá, ra trái quanh năm, mỗi năm anh kiếm cũng kha khá cậu à!”. Ôi anh phóng viên nào khi nghe tin này mà không tỉnh người mới lạ. Cây chuối la ba ở đất này nhiều người viết rồi nhưng chi tiết anh Sơn cung cấp nghe mới quá. Tôi ghi âm cuộc trò chuyện để về viết một bài phóng sự nên hỏi dồn đủ thứ về anh. Lang thang qua bao nhiêu vùng đất để tìm việc làm, trời run rủi cho anh đến Đơn Dương, anh kể. Đến cũng chỉ làm thuê thôi chớ chưa biết ra sao ngày mai, nếu anh không gặp chị. Chị đã có một con riêng trước khi đến với anh. Hai người ở nhờ trong một cái trại mình thuê của một gia đình. Một hôm ông chủ nhà hỏi có muốn mua miếng vườn của ông không, ông bán vườn về Bắc. Anh chị, hỏi giá cả và họ đã mua được miếng vườn bằng những đồng tiền dành dụm của chị. “Ban đầu anh chị có hơn năm sào vườn thôi cậu à, lần hồi mua thêm mới ra cái trang trại như hôm nay”. Anh tiếp: “Trồng chuối coi vậy mà phải đúng kỹ thuật, chăm sóc bón phân đúng cách mới hiệu qua, bây giờ anh thuê hai người bao ăn ở tháng trả công ba triệu để họ làm vườn” - Anh khoe. Tôi nghĩ thầm trong bụng khép lại chuyện nhà nông hỏi thăm về chị Minh thôi. Tôi mở lời: “Anh Sơn ở đây lâu chắc biết chị Minh, chị Minh có nước da trắng, mắt to hồi trước ở đậu nhà em anh nhớ không?”. Tôi tiếp: “Em đi tìm chị Minh để coi thử giờ chị sống ra sao”. Anh Sơn cười: “Cô Minh à, anh biết chớ cậu, giờ cô cũng… khá, cô đang lên Đà Lạt coi vườn  rau thủy canh, hùn với người ta cậu à”. Tôi thất vọng: “Vậy là em không gặp được chị Minh rồi, tiếc thật”. Anh Sơn nói: “Cậu ở lại đây chơi với anh mai hẵng đi, chắc chiều cô Minh về cậu”. Tôi ngạc nhiên nhìn anh: “Sao anh biết?”. Anh cười lớn: “Vợ tôi mà sao tôi không biết hả cậu!”. Tôi như từ trên trời rơi xuống, tôi nhớ lại câu chuyện chung quanh má tôi, bà Tám và chị Minh mà chị kể hồi tôi gặp chị ở Đa Thọ, vậy mà giờ chị Minh lại là vợ anh Sơn, không ai học được chữ ngờ…. Anh Sơn giục: “Uống đi cậu, từ từ anh kể cho cậu nghe”.

Anh Sơn nói nhiều lắm, anh cứ nhắc đi nhắc lại: “Ở đây đất lành chim đậu cậu à!”.

Một cô bé mở cổng vào nhà, cô gái dựng xe nhìn anh Sơn: “Thưa ba con đi học về” rồi quay qua tôi. Một thoáng ngập ngừng cô gái reo lên: “Cậu… cậu Quang phải không, con là bé Ti nè cậu”.

Bé Ti đã thành một cô gái thật sự, con bé giống chị Minh như tạc, nó chào hỏi anh Sơn bằng một giọng rất thật. Tôi mừng và vui với bé Ti, chị Minh và cả anh Sơn. Tôi nâng ly lên nhìn anh Sơn cười. 

Lần này tôi say và say thật./.

 

 

 

Tìm chồng