Tình người Thung Ngô
PHƯƠNG ĐẰNG (Bắc Ninh)
Quán nước bà Hai Quán ẩn dưới khóm trúc, bên con đường liên huyện này, sáng nay mở cửa sớm. Bà tên “Hai” mở quán bán nước, nên bà con làng xóm gọi vậy. Nửa buổi chợt có người khách lạ do dự, rồi cũng bước chân vào quán. Đặt chén chè xanh vào tay khách, bà Hai Quán niềm nở:
- Anh về đâu ta?
Người khách thản nhiên ngó nghiêng. Góc trong, bếp củi than đang rực hồng. Dăm ba bắp ngô nếp non đã bóc áo. Ngắm cô gái trẻ ửng hồng đôi má, đang cắm cúi bên bếp.
- Tôi… tôi về… Thung Ngô…
- Tưởng về Bến Tắm. Chứ Thung Ngô thì đây rồi. Lũy tre xanh kia kìa. - Tay bà chỉ theo hướng ấy.
“Ôi dào… Khi trồng tất bật là thế, chẳng có ma nào. Nay ngô đã phun râu, vào hạt. Chỉ chờ bếp củi đỏ lửa. Ngồi rung đùi thưởng thức thì ở đâu lại ùn ùn kéo về”. Bà Hai Quán thì thầm. Rồi lướt mắt một lần nữa, ngắm từ đầu đến chân người có nước da nâu, đôi mắt sáng lạ, nghĩ: Người này ai bảo người Thung Ngô… Rồi hỏi:
- Anh về thăm ai?
- Tôi về thăm… người… em…
Bà Hai Quán nong nóng mặt:
- Em tên gì? Không đợi câu trả lời, bà tiếp: - Cứ nói toạc móng heo ra. Người Thung Ngô không quen cái kiểu ăn nói vòng vo, ỡm ờ…
Nghe mà như làn gió thoảng, anh ta phụt ra:
- Tôi về thăm… cô… Phấn…
Ở đâu chứ, đất Thung Ngô này, cái tên “Phấn” ấy có đến ngót nghét… Nào là Phấn thêu thùa, Phấn bán bún riêu cua. Nào là Phấn dạy mầm non, rồi Phấn hòa giải. Chẳng là chồng tên Hòa con là Giải. Hay là Phấn tam thất. Cô có cái cổ kiêu ba ngấn nõn nà chứ gì. “Tam” là ba”,” thất” là thất hứa. Thất hứa ba lần với người mình đã đặt lòng yêu, rồi tự dưng ruỗi ra. Anh ta nghe đầu gật gật.
Nói đến Phấn tam thất, là cả cái huyện nửa trung du nửa đồng bằng này, có đến hai phần ba số người biết cô. Gần đây, nghe như cô đang phải lòng anh dân tộc thiểu số trong Tây Nguyên. Ôi dào… Thung Ngô thiếu gì người mà kén với chọn ở tận giời ơi…
***
Tiếng nổ lép bép ngô nướng, cùng hương phảng phất quyến rũ từ bếp bay ra cuốn hút. Làm người khách chẳng còn để tâm đến lời chủ quán. Mới đó mà đã qua đi bao mùa mưa nắng, bao mùa ngô cho bắp. Khi ánh chiều đồng quê còn vương lại, nhòa nhạt, mỏng tang, như tấm voan lướt nhẹ trên thảm ngô trải rộng. Mình lại bước qua cái cổng tre lạ, quen được dựng kiểu cách. Người chị dâu Phấn nơi cửa bếp, chợt nhận ra:” Chú K’Thỏa! Trời, lâu quá rồi nay chú mới tìm về. Chú vẫn còn nhớ đường? Rồi giục vội đứa em: “Phấn, em đâu ra đỡ túi xách cho chú…”. Chẳng biết từ hướng nào tới, Phấn đã đứng trước mặt, nũng nịu: “Tưởng quên đường rồi, quên cả con chim Sơn ca này…”. Anh ghé sát tai em: “Bố có nhà không em?”. “Bố đang đọc sách trong nhà. Anh vẫn còn sợ bố sao. Bố thương anh mà…”
Miệng nói, tay kéo vào trong nhà chào bố. Quay ra, ánh trăng hè đã như dát bạc, trên những vòm cây bên sườn đồi trước mặt. Tán nhãn tán bưởi trước sân nhà, gió đùa trăng lao xao lá.
- À… anh quê nơi đâu, sao biết cô Phấn?
Lời bà Hai Quán đã kéo người khách, từ trong ánh trăng hồi tưởng bước ra.
Người khách ngẩng lên: “Tôi quê chân núi Chư Pô Ray trong Tây Nguyên. Thời đánh Mỹ, Phấn cùng đơn vị Thanh niên xung phong Hà Bắc, Phiên hiệu 193 của mình mở đường qua buôn tôi. Tôi là trung đội trưởng du kích buôn. Trong nhiệm vụ phối thuộc mở đường đánh Mỹ, chúng tôi biết nhau mà. Từ sau một vụ việc. Gay cấn, giành giật giữa sự sống với cái chết, chúng tôi càng thân thiết nhau hơn. Một hôm…” Bà Hai Quán cướp lời: “Thì ra là vậy”. Rồi bà buông một câu:
- Anh đã giấu tôi cái tên của mình…
- Tôi tên K’Thỏa. Tôi giấu làm chi cái tên cha mẹ đã đặt cho. Mà bà có “khảo” đâu mà tôi “xưng” - anh ta cãi.
Phá không gian tĩnh lặng giữa hai người, anh thản nhiên nói như nói với cây cỏ, với thiên nhiên:
- Người dân tộc chúng tôi chỉ quen uống rượu cần. Cần rượu cần cong chứ lòng người không cong.
Câu nói ấy như một định đề, một triết lý.
K’Thỏa kể: “Một hôm… Khoảng 5 giờ chiều, chợt những tốp máy bay Mỹ ào đến, chúng tới tấp cắt bom, xối rốc két ràn rạt xuống đội hình đang tác nghiệp. Một trái bom nổ gần đã tung tôi, thân vắt trên cành cây, rồi giáng xuống trúng một tảng đá. Người đầu tiên lao tới cứu tôi lại là Phấn. Nhanh chóng, cô cõng tôi trong mịt mùng khói bom đắng khét, cùng bụi đất, tới căn hầm dã chiến gần đấy cấp cứu. Là một y tá, cô cùng người nữa được chỉ huy giao nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe của tôi. Chờ sáng sẽ chuyển lên bệnh xá đơn vị. Nằm mà ruột gan cứ sôi lên như trong chảo rang. Tôi tự kiểm tra sức khỏe mình. Nâng hai chân lên, duỗi ra, co lại. Nắn nắn, xoa xoa vùng ngực rồi bụng. Còn đau nhưng không sao. Như lò so tôi bật dậy, lặng lẽ chống gậy lao ra hiện trường.
- Tưởng như… - Bà Hai Quán cướp lời:
- Anh nói sao. Nom anh như ông “Hộ pháp”. Phấn nó lại là cô gái mảnh dẻ “liễu yếu đào tơ” cõng sao nổi thân xác anh. Có đời nào bị bom hất, thân vướng trên cành cây rồi giáng xuống tảng đá, mà lại không tan xương, tắt thở. Chuyện lạ có một không hai trên đời. Anh nói không thật lòng. Tôi không tin… không tin…
Xin phép được hỏi bà: “Bà có là bộ đội hay Thanh niên xung phong, đã từng được chiến đấu ở chiến trường một ngày nào chưa? Chắc là chưa. Vậy, bà hiểu sao nổi thực tế ấy.
Đứng dậy, anh rời quán nước, theo hướng tay bà chỉ ban nãy, để rồi về với Phấn - người của “ngày xưa”, trong vòm tre xanh kia kìa.
Ở Thung Ngô này chẳng có ai vui bằng gia đình chị Phấn. Đã mấy năm rồi, nay người khách lạ ấy vừa trở về thăm gia đình. Bà con hàng xóm bảo khách mà như con cháu trong nhà. Bữa cơm ấm cúng chiều quê, đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng anh. Anh chị chung tay chuyển thúng gạo vừa xay, để rồi đổ vào cối giã nơi chái nhà. Cũng vừa có tiếng ngoài cổng:
- Phấn ơi!... Mày sướng hỉ. Số đào hoa đấy. Đêm nay trăng đẹp, chắc gì còn nhớ đến lều ngô nữa hỉ…hí…hí…
- Đồ con khỉ. Chỉ nói huyên thuyên… Phải chăng lời bạn gái nào đó, đã làm thúng gạo tuột khỏi tay. Đứng như trời trồng, giây lát Phấn chẳng hiểu sao thúng gạo lại bị đổ, hay còn lẽ gì nữa. Rồi đột ngột bỏ K’Thỏa, chị chạy vụt vào nhà. K’Thỏa chưa định thần được sự việc thì Phấn đã quay ra. Ghé sát tai K’Thỏa, như anh ấy đã có lần ghé tai mình. Lòng Phấn rộn ràng báo tin vui:
- Bố đồng ý rồi. Hai ta ra lều ngô canh ngô ngay đêm nay…
- Còn gạo?
- Gạo với chẳng thóc. Bỏ đấy… mai giã…
Chị dí yêu ngón trỏ vào trán K’Thỏa. Chẳng trách gì Phấn mà anh còn cười vui, như một lời khen. Tay trong tay hai người ra lều ngô. Ánh trăng đã chảy tràn từ lúc nào. Đây đó nhấp nhóa ánh sáng đèn dầu, ắc quy loang ra hòa lẫn ánh trăng lung linh huyền ảo, cùng những lời ca quan họ đằm thắm mượt mà. Xa xa như có điệu đàn phập phình guitar trong gió thoảng…
Ấm cúng bên nhau trong mái tranh lều ngòn ngọt hương ngô. Ánh sáng đèn dầu mờ tỏ soi bóng hai người lung linh ảo. Chợt K’Thỏa bảo:
- Nào, em hãy kể chuyện gì đó cho vui…
- Chuyện xưa lắm rồi, đang tàn phai theo năm tháng.
Một ngày. Trái bưởi đã to gần bằng nắm tay trẻ thơ. Từ một miền xa, có một người đến thăm một người bạn. Ban mai người con gái rửa ấm pha trà cho bố. Không quên hái rồi bỏ vào ấm những bông sói như hạt gạo nếp, chín vàng hương ngan ngát nơi đầu hiên. Rồi hai người ùa ra vạt chè xanh, không xa là ô cửa sổ đang nhìn ra. Hai chấm sáng màu chàm xanh Tây Nguyên, cùng áo phin lơ da trời, lúc ẩn lúc hiện bên những tán ổi, na…
Những bàn tay đã từng chai sạn đất đá đạn bom, thoăn thoắt như biểu diễn hái những búp chè xanh, dưới nắng sớm hồng hào ríu rít tiếng chim… Có những lúc người con gái phủi phủi, gỡ những sợi tơ nhện vương trên vai, trên ngực áo chàm. Hai người mặt gần như áp sát vào nhau. Họ nói với nhau những lời gì đó.
Nào ngờ những cử chỉ ấy đã lọt vào ô cửa sổ kia. Mặt trời đứng bóng. Cả nhà quây quần. Sau bữa cơm người bố nhắc khéo cô con gái. Sớm mai mà còn hái chè, nên mỗi người một gùi và hái xa nhau khỏi vướng…
Đang nghe, K’ Thỏa cười: - Em tế nhị và xa xôi vậy. Chuyện mình đó em, thường mà…
- Anh có còn nhớ? Buổi trưa ấy, hai đứa mình ngồi dưới tán dẻ vườn nhà. Dẻ vào mùa đang đua nhau đơm nở những bông hoa trắng muốt. Để rồi nhắc lại với nhau những buồn vui, một thời khó quên ở chiến trường, chuyện đời sống thường nhật, ước mơ… Chợt anh đặt lên má em những nụ hôn cháy bỏng. Những nụ hôn đầu đời nồng nàn ngày ấy, vẫn còn sống mãi trong em…
Nào ngờ chuyện ấy đã lọt vào mắt của đứa em trai, đang ngồi vắt vẻo học bài trên cành ổi không xa. Chuyện đã đến tai bố, chắc anh còn nhớ ông nói những gì. Sớm hôm sau xin phép gia đình, anh vội bỏ em, bỏ Thung Ngô trở về Tây Nguyên. Em nghĩ mà buồn, chắc anh chẳng bao giờ trở lại đất Thung Ngô với em. K’Thỏa cướp lời, bảo: Chuyện qua rồi, có thế mà cũng rơm rớm nước đái nhện.
Không gian tĩnh lặng. Xa xa thoảng tiếng đàn guitar vọng lại. Cùng tiếng hát ai trầm bổng như gần như xa xôi…K’Thỏa như chợt nhớ, bảo:
- Để có được những nương bắp bạt ngàn mê hồn này. Chắc phải có nhiều người chọc lỗ, trỉa hạt giỏi em nhỉ?
- Giỏi ở trong anh. Chứ ngoài em, trẻ con nó cũng làm được.
K’Thỏa nghe chỉ cười cười chẳng tự ái chấp trách gì. Anh có vẻ vui, phấn khởi hơn. Rồi bảo: Anh rất muốn biết về con người, về Thung Ngô quê mình. Em có thể kể anh nghe”?
Mùa lại mùa, mỗi khi ngô phun râu, vào hạt. Nào là rơm rạ, tre nứa. Nào là cót ép, giấy dầu, bạt… Chẳng ai bảo ai, người xe cải tiến, xe đạp…chở. Người mang vác, ôm, khiêng những vật liệu từ mơ sáng đến tối đất, để dựng lên những ngôi lều tranh nứa lá ngoài đồng. Nhộn nhịp, tất bật, hối hả như ngày hội. Chẳng quản mưa gió, mệt nhọc, đau yếu…
Chẳng ai tham của ai tới nửa bắp ngô. Một hạt cũng không sơ sẩy. Thế mà nhà nhà vẫn cứ rộn rã dựng lều canh ngô nhà mình. Có người bảo: Uống nước ngô, ăn ngô luộc, ngô nướng mà sinh ra nghiện ngô. Nghiện cả tiếng đàn tiếng hát từ các lều ngô loang ra. Có người đi xa xứ, đã khôn nguôi đêm ngày nhớ về ngô, nhớ người, cùng tiếng đàn lời ca giọng hát trên quê hương mình. Nhớ thương da diết, đằn vặt, trăn trở…
Nhiều đôi trai gái đã đến với nhau, như làn gió đằm thắm lướt trên thảm ngô, vương ánh trăng êm đềm ngọt ngào. Trai tài gái sắc đã gắn kết uyên ương, sinh con đẻ cái, gây dựng nên gia đình hạnh phúc bền chặt. Chợt K’Thỏa vỗ tay reo: “A…a về, anh sẽ kể lại chuyện này với bà con buôn làng anh…”
Phấn giơ lên cái bọc được gói bằng giấy báo, ngoài là bịch nilon rất cẩn thận. Ấy là những bức thư của một thời khói lủa. K’Thỏa lật giở từng trang, đọc. Anh tròn mắt ngạc nhiên cùng những rung cảm, trước những con chữ, dòng chữ mà mình đã viết gửi Phấn, nay đã hoen màu thời gian. Phấn còn lưu giữ được đến ngày hôm nay. Để rồi trái tim tưởng như có vòng dây thắt, lòng rưng rưng xúc động…
Hai người ngồi bên nhau. Trong tiếng muỗi cỏ đập cánh vo ve, tiếng lá ngô xào xạc khua trong gió đêm, khơi dậy những buồn vui của một thời đã qua. Chợt K’Thỏa bảo: “Chim sơn ca” của anh “hót” lên cho vui nào. Tiếng “hót” em đã vang động cả núi rừng Trường Sơn ngày ấy. Anh thích nhất vẫn là bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Giọng ca của em đã làm trái tim anh rung động, xuyến xao…”
Phấn nhỏ nhẹ: “Bố thương anh mà, thương anh nhiều. Chứ đâu như cái ngày năm trước anh về Thung Ngô. Một chiều, em chăm sóc ngô ngoài đồng vừa về đến sân, quần vẫn xắn, chân chưa kịp rửa, bố gọi giật giọng. Chẳng hiểu tin lành hay dữ. Em vừa ngồi xuống ghế, bố nói ngay. Các con hiểu, thông cảm cho bố. Hôm vừa rồi bố có đọc một số lá thư con để trong tủ. Thư mà K’Thỏa viết gửi cho con ngày còn ở chiến trường bom lửa ác liệt. Có lá thư đã bị cháy góc, ám vàng như bị bom đánh. Bố thương các con lắm. Một khi đất nước có “hữu sự” giặc giã, các con chẳng đắn đo, về sự sống, tương lai của mình. Mà sẵn sàng quên mình hy sinh vì nước, vì độc lập dân tộc. Các con xứng danh là con cháu hậu duệ của Hai Bà Trưng, con cháu Bác Hồ. Các con đã làm rạng danh cho gia đình, dòng họ. Bố đã phải ôm mặt khóc trước những hy sinh mất mát, gian khổ của các con, của đồng đội mà các con đã kể trong thư. Mà này, bố K’Thỏa bị chết bởi bom Mỹ, nhà lại nghèo khó, mẹ thì yếu. Con phải thương nó. Thời gian qua bố tự nhận, có điều chưa đúng với các con. Bố đã quá khắt khe với thế hệ trẻ, trong tình yêu lứa đôi…” - K’ Thỏa cướp lời, sôi nổi:
- Bố bảo với em thế à?
- Đúng! Bố bảo chứ không phải rượu bảo. Bố uống rượu thuốc có chừng mực. Không như các chàng trai “núi rừng”, uống là cứ thả phanh lử lả đến đâu thì đến, uống không còn nhớ đường về. Anh của em liệu liệu đấy. Phấn cười đùa, ngón tay gõ vào trán K’ Thỏa bảo vậy.
K’Thỏa không nói gì. Nhìn ngắm đắm say người em yêu của mình, tủm tỉm cười. Hừng đông đang ửng hồng. Trời sáng dần…
***
Sáng nay trời đẹp. K’ Thỏa trở về quê hương Chư Pô Ray - ngọn núi cao nhất, mái nhà Tây Nguyên. Anh chầm chậm bước như đang vấn vương Thung Ngô, vấn vương tình em…
Chợt khóm trúc bên đường nhận ra K’ Thỏa, rung rung lá cành. Anh cũng nhận ra dưới khóm trúc kia là quán nước bà Hai Quán.
- Những đêm vừa rồi, anh chị canh ngô cho bố vui chứ… - Bà Hai Quán chợt lên tiếng.
K’Thỏa hơi giật mình. Chẳng hiểu bà đùa yêu hay ngầm nhắc nhở. Ai bảo mà bà biết, anh đang nghĩ thì bà Hai Quán tiếp lời:
- Anh phải gọi tôi bằng bà mợ đấy, xưng cháu. Mẹ đẻ ra nó là chị ruột người chồng của tôi.
K’Thỏa nghe mà lòng cứ rối mù lên, chưa kịp hiểu ngôi ngôi thứ thứ.
Bà tiến lại gần hơn, ngắm nhìn đứa cháu rể tương lai, cười bảo:
- Mà này, nhờ ông tơ bà nguyệt se duyên, anh được làm cháu rể bà mợ. Vợ chồng chung sống Thung Ngô này, có mà “chuột sa chĩnh gạo”. Đẹp đôi, khỏe mạnh, anh chị chung sức đồng lòng, chí thú làm ăn tính toán sẽ giàu có.
K’Thỏa cười cười, không nói gì.
Làn gió Thung Ngô mang hương đồng nội chợt lướt tới. Lòng K’Thỏa lâng lâng…/.