Tình yêu và nỗi nhớ

TAP CHÍ LANGBIAN|3/22/2022 10:08:34 AM

Tình yêu và nỗi nhớ

                                                                                       Truyện ngắn: PHÙNG CHÍ CƯỜNG

 

          Đêm thứ hai tôi gặp nàng ở Đà Lạt, nàng ngồi bó gối trên một ghế đá bên hồ Xuân Hương. Gió lất phất đung đưa mái tóc suôn mềm ôm lấy gương mặt trái xoan rạng ngời dưới ánh trăng vằng vặc. Nàng có đôi mắt trong veo thăm thẳm, ám ảnh đến kỳ lạ, đã nhìn vào đôi mắt ấy dù chỉ một lần cũng khó có thể quên.

        - Thế mà có lần em đã định gieo mình xuống hồ đấy anh ạ! Nàng thủ thỉ nói rồi ghim ánh mắt xuống làn sóng nhấp nhô ven hồ.

       .- Bao giờ vậy, không phải mới đây chứ em. Nếu em gieo mình xuống hồ thì sẽ có không ít người đàn ông nhảy xuống theo đó em à!

        - Vậy anh có muốn nghe câu chuyện có liên quan tới chuyện đó không. Anh mà không chịu nghe câu chuyện tình này thì coi như anh chưa biết yêu là gì!

        - Chuyện gì mà quan trọng vậy em?

        - Chuyện họ phải lòng nhau!

        - Của ai thế?

        - Của những người họ yêu nhau mà không lấy được, rồi họ đã tìm mọi cách để đến với nhau. Vì em biết rất rõ câu chuyện này nên chưa dám yêu bao giờ. Anh có tin không?

        - Tin một nửa. Vậy em kể cho anh nghe đi!

         Thả ánh mắt vào khoảng không xa xăm, gương mặt nàng sáng hẳn lên:

         “… Vậy là cuối cùng họ cũng đến được cái nơi mà họ muốn đến, nhờ vào sự cố gắng của cả hai người. Người đàn bà bỏ lại phía sau một ngôi nhà, một ông chồng và cô con gái bé bỏng, còn người đàn ông cũng vậy. Khi được ở bên nhau, gương mặt họ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc”.

      - Có phải người đàn ông nào cũng muốn nghe chuyện tình quá đam mê như vậy không anh?

      - Anh không biết!

      - Nhưng em làm sao có thể tin là anh muốn nghe câu chuyện này một cách thực lòng nhỉ?

      - Em kể tiếp đi, anh muốn nghe thực lòng mà!

      “… Họ đã im lặng như thế từ lúc chiều tới giờ. Khi hoàng hôn xếp lại, màn đêm buông xuống, ánh đèn điện lóe lên giăng mắc hai bên đường quanh hồ Xuân Hương. Gió thổi rối tung mái tóc họ, đôi chân đã mỏi rã rời mà họ vẫn không hình dung nổi là sẽ đi tới đâu, nếu cứ im lặng mãi thế này”.

       Nàng ngẩng mặt nhìn tôi nghiêm túc:

     - Anh đoán đi, vì sao họ lại im lặng?

     - Quá dễ. Vì họ yêu nhau!

     - Đã đành vậy. Nhưng anh không biết rằng để có được chuyến đi ấy, cả hai người họ đã phải đấu tranh với lương tâm như thế nào đâu.

     - Sao họ ngốc nghếch thế nhỉ! Nếu đã yêu nhau thật lòng thì cứ tới luôn, chứ có gì mà phài lăn tăn!

     - Trời ạ! Anh không hình dung ra là nếu họ đã bước chân đi, thì không thể quay về được nữa sao.  

     - Mặc kệ! Nếu là anh thì anh cứ đi với người mình yêu và sẽ giữ cô ta lại cho riêng mình, chỉ riêng mình anh thôi!

     - Nhưng ai có thể tha thứ khi cả hai đều đã có gia đình riêng. Người đàn bà thì đã có chồng có con, còn người đàn ông thì cũng bị ràng buộc bởi bổn phận của người làm cha, làm chồng, làm chủ một gia đình.

     - Nếu còn vướng bận như vậy thì họ đừng rủ nhau đi, đừng tới “Thành phố buồn” này nữa. Nhưng… chắc chắn họ đã quyết ra đi như thế thì phải có mục đích gì rồi!

     - Mục đích duy nhất của họ là được sống trong cảm giác có nhau. Họ bất chấp lời ra tiếng vào của thiên hạ, từ bỏ tất cả để được ở bên nhau, vậy thôi!

     - Đáng sợ thật!

     - Ừ! Nếu chưa yêu bao giờ thì anh sẽ không thể hiểu nổi chuyện của họ đâu!          

     … Ánh trăng chênh chếch về phía Tây đã che khuất một nửa khuôn mặt của nàng. Môi nàng lúc này cong lên như khêu gợi và thách thức. Tôi không đủ tập trung để nghe nàng nói nữa, không dừng được tôi nắm bàn tay nàng nâng lên áp vào môi mình thật lâu.         

        Những đêm sau đó ánh trăng nhạt dần và nàng không còn u uẩn trầm mặc như buổi đầu tôi gặp nữa, bây giờ nàng đã luôn miệng nói cười và hồn nhiên như trẻ nhỏ bên tôi. Đôi môi nàng thắm lại, mái tóc mềm không con rối tung lên mỗi khi có làn gió thoảng qua. Mới đó mà nàng thay đổi nhiều quá, mắt nàng không còn hờn giận hoang vu như ngày đầu gặp nhau. Nàng đã mạnh dạn nhìn vào mắt tôi rồi hỏi:

      - Anh đã bao giờ đến Đà Lạt vào mùa đông chưa?

      - Sao không phải mùa hè mà lại là mùa đông?  

      - Thế mà họ lại đến đây chính vào mùa đông đấy anh ạ!

      - Đó không phài là mùa du lịch, vì nó lạnh và buồn.

      - Nhưng họ không muốn có sự ồn ào, không muốn ai nhìn thấy họ dù chỉ là một lần, anh hiểu không?

      - Anh hiểu rồi!  

        Tôi kéo nàng vào mình, đêm nghiêng xuống bờ vai nàng thứ ánh sáng trắng ngà huyền hoặc. Nàng gần như không nói thêm được nữa. Câu chuyện rời rạc không đầu không cuối của nàng đã làm tôi chông chênh, nàng gục đầu vào vai tôi thổn thức.

      - Đoạn kết rất buồn và là một thảm kịch anh ạ!

      - Em đau khổ về câu chuyện ấy hả. Nhưng nó đâu phải là chuyện của em.

      - Anh có tha thứ cho người đàn bà trong câu chuyện đó không?

      - Được chứ! Người đàn bà ấy chẳng qua cũng vì yêu.

      - Nhưng bà ấy đã từng yêu và có chồng. Chả nhẽ người ta được yêu nhiều lần vậy sao anh?   

     - Có thể lắm chứ. Tình yêu sau cùng mới là tình yêu đích thực em ạ! Em kể tiếp  cho anh nghe đi!

     - Thôi để mai anh nhé! Nàng đáp khẽ khàng rồi nhoài người ra khỏi tôi. Trong bóng đêm nhập nhòa giữa ánh trăng và ánh điện, cái dáng nhỏ mảnh mai của nàng cứ khuất dần, khuất dần về phía khu Hòa Bình.

         Suốt tuần trăng còn lại, tôi bồn chồn đợi nàng nhưng nàng không đến như đã hẹn. Sự chờ đợi đã làm tôi điên đảo, tôi rảo bước hết các nhà trọ xung quanh khu vực chợ Hòa Bình mà vẫn không tìm thấy nàng. Đêm cuối, tôi ra bờ hồ với chút hy vọng mong manh và rồi nàng cũng đã đến. Nàng đến bên tôi với mái tóc xõa ôm lấy khuôn mặt nhợt nhạt, hơi thở nhẹ, giọng nói run rẩy ngắt quãng. Tôi vội ôm lấy nàng vì sợ nàng tuột khỏi tôi lúc này.  

        - Anh tưởng em đã biến mất cùng câu chuyện ấy rồi? - Nàng thủ thỉ “Em lạnh lắm”. Tôi ôm nàng chặt hơn như để tiếp thêm hơi ấm. 

        - Ngày mai anh phải rời Đà Lạt rồi, phải xa em rồi!

        - Anh sẽ trở lại chứ ?

        - Nhất định anh sẽ trở lại. Em có đợi anh không?

        - Vâng em sẽ đợi anh, đợi anh suốt đời mà! Nàng ngước nhìn tôi với đôi mắt sáng lên như muốn hút hồn tôi vào đó. Tôi cuống quýt, người tôi run lên. Qua hơi thở nhẹ, nàng chậm rãi:

       - Em còn ở đây khoảng một tháng nữa. - Chúng tôi đang trong cảm xúc lưu luyến dâng tràn, thì bỗng từ đâu đó cất lên tiếng gọi:

        - Hoài Hương ơi… Hoài Hương, cháu ở đâu!

        Tiếng gọi nghe có vẻ hốt hoảng, cả hai chúng tôi đều sững lại. Từ phía xa môt người đàn bà chừng hơn sáu mươi tuổi, mái tóc bạc phơ đang chậm chạp đi về phía chúng tôi.

       - Bà em đấy! Em lên đây nghỉ cùng với bà ngoại. Bác sĩ bảo là khí hậu ở Đà Lạt rất tốt cho sức khỏe của em. Anh xem em thế này mà mọi người cứ bảo là em bị ốm, Thôi anh đi đi kẻo bà bắt gặp bây giờ! Nàng vội dúi vào tay tôi mảnh giấy rồi nói rõ từng câu: “Em năm nay đã hai mươi hai tuổi. Trước đây em đã không chịu hiểu về câu chuyện tình ấy, bởi em chưa yêu bao giờ. Còn bây giờ thì em hiểu rồi và biết yêu rồi. Thật đấy anh!”. Nàng cười hồn nhiên rồi ngoắt quay đi về phía bà già, bỏ lại mình tôi cùng những cơn gió hoang vu thổi lướt trên mặt hồ, mang theo câu chuyện tình bi thương, đã gắn họ làm một rồi cuốn họ đi xa, xa mãi!...

                                                               ***

           Tôi không trở lại tìm nàng như đã hẹn, vô tình tôi đã dối nàng, đúng hơn là tôi không có cơ hội nào để trở lại gặp nàng, cho dù thỉnh thoảng nỗi nhớ trong tôi lại trào dâng nhức nhối. Tôi biết rằng mình đã yêu nàng, một tình yêu đích thực mà chúa trời ban tặng cho tôi. Rồi công việc của cuộc sống thường nhật cứ cuốn tôi đi, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn nhắc nhở. Tôi không được phép lừa dối nàng, lừa dối cả chính mình. Cuối cùng tôi đã phải gạt đi tất cả để đi tìm nàng, với hy vọng mong manh…  

        Đà Lạt đón tôi trong sự thờ ơ như một người vừa trải qua mọi nỗi vui buồn. Mùa đông đã về, mặt hồ Xuân Hương lặng yên dưới lớp hơi sương bốc lên mờ mịt giữa sớm bình minh. Tôi lần theo địa chỉ mà nàng đã ghi lại ngày ấy…

         Người đàn bà năm xưa giờ đã già nua, với mái tóc bạc phơ đang ngồi trước căn nhà nhỏ. Bà không nhìn tôi, cứ như thể bà không quan tâm đến sự có mặt của tôi, hoặc giả bà đã đọc hết ý định mà tôi sắp nói với bà.

       - Bà ơi! Cho cháu hỏi, có phải bà là bà ngoại của Hoài Hương không ạ! - Người đàn bà ngẩng đâu lên ngạc nhiên nhìn tôi.

      - Có phải con bé Hoài Hương năm trước bị ốm, đến ở đây không?

      - Dạ! Đúng rồi ạ! - Nghe tôi hỏi người đàn bà thở dài:

     - Hai bố con họ là người ở thành phố B’Lao, tới đây thuê chỗ nghỉ để con bé dưỡng bệnh. Tôi cho nó ở nhờ, chứ không tiền nong chi mô, rồi con bé cứ quấn lấy tôi như ruột thịt vậy đó.

     - Thế bà có biết  bây giờ cô ấy ở đâu không ạ?

     - Rứa là cậu không biết địa chỉ của nó ở mô hả. Con bé ở đây đến hết mùa thu sang đông năm đó, hình như nó cố nán lại để chờ đợi điều gì rất khó hiểu, mãi rồi nó mới chịu rời Đà Lạt để bố đưa về B’Lao, nhưng nhà ở dưới đó tui đâu có biết ở phố mô. Tội nghiệp con nhỏ, đáng thương lắm! Nghe bố nó kể thì hình như nó bị sốc sau sự ra đi không bình thường của mẹ nó cách đây lâu rồi. Chuyện tình của họ thật éo le, nó còn nhỏ dại không chịu nổi sự thật ấy nên sinh ra bệnh tật! - Bà kéo vạt áo chấm nước mắt:

     - Nó ở đây, thời gian đầu thì thấy vui vẻ và sức khỏe cũng khá hơn, nhưng thời gian sau đó con bé kỳ lạ lắm, nó có vẻ yếu hẳn và hầu như im lặng, giam mình suốt trong nhà không còn ra bờ hồ đi dạo như trước nữa. Bố nó phải mời bác sĩ đến thường xuyên để tiêm thuốc an thần cho nó và nuôi hy vọng là sẽ khỏi bệnh, nhưng rồi…

     - Vậy bà có biết bây giờ họ ở đâu không ạ. Cháu cần tìm gặp Hoài Hương.

     - Mần răng tôi nhớ nổi, mà hình như bố của nó làm việc ở Thành đội B’Lao thì phải, cậu cứ tới đó hỏi lần lần biết đâu sẽ tìm được!                                                        

      Theo lời chỉ dẫn của bà cụ tôi tìm về phố núi B’Lao… Không kịp nữa rồi. Người đàn ông khoảng gần 5 mươi tuổi dẫn tôi lên một gò đất cao giữa rừng bạch đàn lộng gió. Những bông hoa cẩm chướng rung lên trong tay tôi. Ngôi mộ bé nhỏ của nàng nở đầy hoa cúc trắng. Trời ơi! Tôi không thể hình dung nổi kết cuộc câu chuyện lại buồn đến vậy. Làm sao tôi đủ bình tâm để nhìn vào di ảnh của nàng, với ánh nhìn thẳm sâu nửa như ngạc nhiên, nửa như hờn dỗi. Người đàn ông đứng cạnh tôi tiều tụy, già nua hơn so với tuổi tác, nước mắt lăn trên gương mặt hốc hác những nếp nhăn. Ông nói với tôi về người mẹ của Hoài Hương:

      - Lẽ ra tôi không nên cưới người đàn bà mà tình yêu của họ không dành cho tôi. Bi kịch là ở chỗ tôi đã bị nhầm lẫn. Chừng ấy năm chung sống, tôi mới ngộ ra rằng, tình yêu của bà ấy chỉ dành cho người đàn ông kia mà thôi. Với ai đó khi họ đã có một tình yêu đích thực, thì sớm muộn gì họ sẽ lại tìm đến nhau và thuộc về nhau như vốn có anh ạ!   

      - Dạ thưa bác. Không phải là hai người họ đã rủ nhau đến một nơi nào đó và tìm đến cái chết để giải thoát hay sao?

      - Không! Người đàn ông kia mang bà ấy ra nước ngoài sinh sống. Nhưng con bé Hoài Hương không tha thứ cho mẹ và luôn nghĩ là mẹ nó đã chết ngoài biển khơi rồi. Ít năm sau bà ấy có gửi thư và quà từ bên kia về, nhưng nó nhất định không chịu nhận rồi sinh ra bệnh trầm cảm nặng. Tôi biết là nó quá đau khổ mà chẳng giúp được gì cho con, tôi đã đưa nó đi khắp nơi để chạy chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Thế là bây giờ tôi đã mất nốt niềm an ủi cuối cùng rồi. Nếu sau này bà ấy có dịp quay trở lại thì bà ta sẽ biết được sự thật đau lòng này!      

         Người đàn ông ngừng lời trong khóe mắt lệ nhòa. Tay ông run run trao lại cho tôi một cuốn sổ nhàu nát. Tôi cầm lấy và cảm thấy mình như một kẻ mộng du đi tìm thứ mà mình đã không nắm giữ được!... Tôi lật cuốn sổ nhàu nát nước mắt, với những dòng lưu bút cuối cùng:      

         “Em đã hoàn toàn tha thứ cho mẹ rồi, vì lớn lên em mới hiểu: Đó là tình yêu đích thực của mẹ! Chỉ có điều đôi lúc em không thể không khóc và buồn, Tại sao vậy anh? Em đã một lần kể chuyện về mẹ cho người đàn ông mà em yêu quý nhất, là anh đó. Sao anh không trở lại với em, vậy anh quên chuyện chúng mình ở Đà Lạt và  quên cả lời hứa ngày nào của chúng mình rồi hả anh. Ừ thà như vậy còn hơn, nếu anh biết sự thật về em, trông thấy em bệnh tật thế này thì anh cũng sẽ… Nhưng dù gì đi nữa thì anh vẫn là mối tình đầu và là tình cuối của em! Giờ em phải xa anh rồi... Vĩnh biệt… anh yêu!”.

         Cuốn nhật ký của nàng run lên trong tay tôi. Tôi nhìn trước sau, xung quanh đâu đâu cũng thấy hình bóng Hoài Hương. Gương mặt nàng đang ngời lên như ánh trăng rằm. Đôi mắt nàng, đôi môi nàng và cả mái tóc của nàng cứ buộc chặt lấy tôi, quấn quýt, mộng mị…/.

          

 

Tình yêu và nỗi nhớ