Tờ stencil* cuối cùng

TAP CHÍ LANGBIAN|8/12/2021 3:33:29 PM

Tờ stencil* cuối cùng

K’BO

 

Thanh cố hết sức đạp xe vượt qua quãng đường lầy lội. Con đường nối Quốc lộ 27 vào nông trường bò sữa (dưới chân núi Voi) dài hơn sáu kilômet. Vì trời mưa nên đường đi trơn trượt, bùn đất bám đầy cả xe và người. Thật là vất vả với những phóng viên phải di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác bằng con ngựa sắt cà tàng vào mùa mưa trên vùng đất đỏ bazan này.

Sáu tháng trước, Thanh đã tháp tùng đoàn cán bộ Sở Nông - Lâm - Thủy đi tiếp nhận đàn bò sữa do đất nước Cuba anh em viện trợ cho Nhân dân Việt Nam. Sau thời gian dài lênh đênh trên biển, vượt nửa vòng trái đất đàn bò đã đến với cao nguyên xanh. Về đến nông trường nhìn đàn bò thật đáng thương, con nào con nấy cũng gầy đi nhiều so với lúc mới lên tàu ở Cuba. Hôm nay Thanh xuống làm việc với nông trường. Gặp giám đốc, anh đề nghị:

- Dạ thưa, anh có thể sắp xếp cử cho một cán bộ hướng dẫn để em thăm lại đàn bò sữa mà Cuba mới viện trợ cho chúng ta được không ạ?

Anh Hải - Giám đốc nông trường đồng ý và cho gọi cán bộ hướng dẫn Thanh đi thăm Trại bò số 5. Anh giới thiệu:

- Đây là Tâm. Cậu này là kỹ sư, vừa tốt nghiệp đại học nông nghiệp, nghành chăn nuôi ở Cuba. Về nước được hơn năm tháng, cậu ấy đi theo đàn bò mà nước bạn viện trợ cho chúng ta.

Quay sang Tâm, anh vỗ vai kỹ sư trẻ, thân mật dặn dò:

- Hôm nay, Tâm đưa nhà báo đi thăm cánh đồng cỏ, nhớ giới thiệu tỉ mỉ nhé! Sau đó đưa về Trại số 5 cho nhà báo mục sở thị đàn bò mà ta đã tiếp nhận, để thấy được kết quả sự chăm nuôi của chúng ta.

   Đoạn đường gập ghềnh, quanh co, qua những ổ voi lầy lội, ngồi trên xe kéo của nông trường người cứ lắc lư như say rượu. Cánh đồng cỏ hiện ra trước mắt Thanh, xanh một màu xanh ngút ngàn chạy xa tít tắp, tới tận rừng thông dưới chân núi Voi. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài chú bò lang trắng nâu. Anh trầm trồ “Ô... đẹp quá, đẹp quá!’’ Xe dừng lại. Tâm vui vẻ giới thiệu:

- Đây là cánh đồng cỏ sả, anh trông nó giống như những bụi sả. Hạt giống cỏ này được mang từ Nông trường Mộc Châu vào. Xa tít đằng kia là cánh đồng cỏ Quatar Mela, hạt giống ấy em mang từ Cuba về gieo trồng. Giống cỏ này rất thích hợp với vùng đất đỏ Bazan nên xanh tốt, cho năng suất rất cao. Ngoài ra, phía cuối thung lũng còn có đám cỏ voi trông to cao như những đám sậy. Men theo triền đồi, xe xuống đến hồ nước. Tâm giới thiệu tiếp:

- Nước sông Đa Nhim được ngăn dòng, bơm lên những hồ chứa để phục vụ tưới tiêu trên cánh đồng cỏ và làm vệ sinh cho đàn bò ở các trại.

Vượt qua con dốc nhỏ, trước mắt Thanh hiện ra những dãy chuồng bò của Trại số 5. Từ trên đồi cao nhìn xuống, anh có cảm tưởng như mình đang xem phim cao bồi diễn ra ở những nông trại miền viễn Tây nước Mỹ. Từng đàn bò đang thong dong gặm cỏ. Thanh tức tốc đề nghị cho xe dừng lại. Anh leo lên trần xe bấm những “pô” ảnh cảnh rộng trên nông trường. Xe lại đi tiếp đến gần trại bò, trước mắt anh là những đống cỏ to gấp mấy chục lần đống rơm ở miền Trung quê anh. Tâm vội vàng giải thích:

- Các chị công nhân nông trường đang ủ thức ăn để dự trữ cho mùa khô. Cỏ sau khi cắt về được xếp tròn thành từng lớp xen lẫn với những cây bắp non, sau đó rải đều trên mặt một lớp muối, hết lớp này đến lớp khác. Tất cả được ủ kín dưới lớp bạt nilon, để dự trữ thức ăn cho bò vào mùa khô.

Đến giờ giải lao, các chị công nhân nghỉ tay. Thấy nhà báo đến họ phá lên cười to làm Thanh hết sức ngạc nhiên.

- Các chị có chuyện gì vui mà cười to thế?

Một cô lém lỉnh trả lời ngay:

- Thấy nhà báo đẹp trai, bọn em ước gì được chụp chung một “pô” ảnh thật đầy, thật đặc, thì còn gì sung sướng bằng... - Nói xong họ lại phá lên cười to, vui vẻ và cũng thật hồn nhiên.

Nãy giờ cô gái mặc bộ đồ xanh công nhân chân mang ủng cao, đầu đội nón lá lặng lẽ quan sát. Tâm dẫn Thanh lại gần và giới thiệu:

- Đây là chị Loan, kỹ sư, phụ trách...

Chưa nói hết câu, hai người đã nắm chặt lấy tay nhau, trước bao ánh mắt ngạc nhiên, ngỡ ngảng của Tâm và các cô công nhân. Tâm tặc lưỡi:

- Thì ra họ đã quen nhau.

***

Chú Tám Vân cho gọi Thanh lên bàn bạc công việc. Trước mặt chú là một cô gái nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị với mái tóc dài buông xõa ngang vai, để lộ khuôn mặt khả ái. Chú nói:

- Đây là anh Thanh. Còn đây là cháu Loan, từ thị xã mới vào, về công tác ở đơn vị ta. Cháu sắp sếp công việc, chỉ bảo, giúp đỡ cô bé này.

Năm ấy, Loan vừa tròn hai mươi tuổi, cái tuổi mơ mộng hồn nhiên của cô sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Nông lâm súc Sài Gòn. Cũng năm ấy cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra ngày càng ác liệt. Và rồi, trong một lần về thăm gia đình ở vùng ven thị xã Đà Lạt, cô đã được tiếp xúc với cán bộ thanh vận ở trong gia đình mình. Từ đó, Loan xin phép ba mẹ đi theo cách mạng. Công việc của Loan là chép tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm đánh máy chữ và in ronéo. Còn Thanh chuyên viết tin, biên tập bài vở từ các nơi gửi về và sửa bản in. Họ cùng cộng tác làm việc như anh em trong một nhà. Thanh từng trải công việc in ấn, nên tận tình chỉ bảo cho Loan những kinh nghiệm trong công việc. Ngoài ra, họ còn giúp đỡ nhau trong sản xuất tự túc lương thực. Những buổi đi làm rẫy, họ thường kể cho nhau nghe về quãng đời sinh viên. Từ đó, dư luận trong cơ quan đã có những lời xầm xì to nhỏ. Có lần chú Tám Vân - Thủ trưởng cơ quan gọi Thanh lên nhắc nhở:

- Chú thấy cháu và con Loan có vẻ khăng khít hơn mức bình thường, sự thể ra sao mà mọi người có lời ra tiếng vào?

Thanh trả lời dứt khoát:

- Thưa chú, cháu và Loan xem nhau như anh em trong một nhà. Hai đứa tuy độ tuổi khác nhau nhưng xuất thân đều là sinh viên nên có những điểm tương đồng, những lời tâm sự tuổi trẻ, nào có tình ý gì với nhau. Vả lại, trong công việc và cuộc sống thường ngày, Loan còn non kinh nghiệm nên cháu tận tâm chỉ bảo. Mọi người nhìn vào điểm ấy cho rằng chúng cháu quan hệ yêu đương.

Chú Tám Vân nhẹ nhàng ân cần:

- Nếu thế thì tốt, đất nước còn chiến tranh. Chú không cấm chuyện yêu đương, nhưng ở vào giai đoạn này, nếu các cháu yêu nhau sẽ chi phối công việc, làm khổ cho mình và cho tập thể.

***

Những khóm mai vàng giữa rừng già đã hé nụ báo hiệu mùa xuân đã về. Đầu năm 1972, cuộc chiến giữa ta với địch đi đến hồi quyết liệt. Phía Quân Giải phóng cố gắng giành đất, giải phóng các cơ sở vùng ven. Bên kia, quân đội Việt Nam Cộng hòa vùng lên quyết chiếm lại những vùng đất đã mất về tay Quân Giải phóng. Do tình hình phức tạp, tất cả các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy đều phải dồn ra phía trước để phục vụ cho chiến dịch này. Công việc của Thanh và Loan cũng không kém phần quan trọng. Cấp trên giao nhiệm vụ là phải nhanh chóng cho ra những tờ tin ngắn gửi vào bên trong đô thị phục vụ cho công tác tuyên truyền chính sách của Mặt trận Giải phóng.

Chiếc máy in roneo cồng kềnh phải để lại ở cứ. Loan mang theo khung in bằng vải lụa dễ cơ động hơn. In thủ công chất lượng không tốt, nhưng in số lượng ít nên tiết kiệm được nhiều mực và giấy stencil (giấy sáp). Đang lúc khẩn cấp thì giấy stencil bị ẩm in không được. Thanh bảo Loan:

- Em xem trong ba lô còn tờ nào không bị ẩm?

- Đó là tờ cuối cùng, em đã tìm kỹ hết cả rồi nhưng không còn tờ nào nữa.

Loan cầm tờ stencil bị rạn chân chim đến bên Thanh. Bốn mắt nhìn nhau không nói nên lời. Buông tờ stencil rơi xuống đất, hai người ôm lấy nhau, một nụ hôn nồng cháy, hai con tim đang thổn thức những lời yêu thương. Thanh thì thầm bên tai người yêu:         

- Dứt khoát anh phải tìm mọi cách để thực hiện cho được công việc này.

Chia tay Loan, Thanh lên gặp chú Tám Vân đề nghị cho phép mình xuống đội công tác để gửi cơ sở mua giấy stencil, mực in, thuốc tẩy (achetol). Chú Tám Vân đồng ý. Hôm sau, anh lên đường xuống núi tiếp cận đội công tác nhờ gửi cơ sở bên trong mua hộ giấy, mực in và các dụng cụ in ấn. Trên đường về, lúc vượt Đường 20 anh bị địch phục kích, bị thương rất nặng, may được đồng đội ứng cứu giải thoát đưa về tuyến sau. Từ đó hai người xa nhau. Sau đó Thanh được chuyển ra miền Bắc để chữa trị vết thương. Ra viện, anh được cấp trên bố trí đi học ngành báo chí ở nước bạn.

***

 Phải đến gần mười năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên hai người gặp lại nhau. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má, Loan bẽn lẽn quệt những giọt đọng lại trên bờ mi, cắp vội nón lá vừa đi vừa nói:

 - Mời anh đi thăm lại trại bò của em.

 Nói xong, chị đi nhanh về phía trại, trong lòng biết bao thổn thức. Loan lần lượt dẫn Thanh qua các trại bò và giới thiệu hết những công đoạn chăn nuôi. Thanh đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đàn bò gầy nhom ngày nào nay béo tròn và bắt đầu cho sữa.

- Em khéo nuôi thật, anh thấy đàn bò khác quá.

- Không phải là em, mà là công nhân nông trại đó, mình em sao làm được.

Câu nói đầy khiêm tốn như một lời thách thức để Thanh phải suy nghĩ thêm về công việc làm của Loan. Cô sinh viên ngày nào giờ đây trở thành một cán bộ chăn nuôi giỏi.

- Em học chăn nuôi khi nào vậy?

- Ồ! Anh quên rồi sao? Trước khi vào rừng em đã từng là sinh viên Trường Đại học Nông lâm súc Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, công tác được một thời gian em xin cấp trên trở lại trường để học tiếp. Ba năm sau, em tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi. Ra trường, em xin về công tác ở nông trường bò sữa này để gần gũi gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, khi những người anh lần lượt nằm lại chiến trường.  

Nắng đã lên cao, họ rảo bước đi bên nhau dưới những hàng cây keo lá tràm dọc bờ lô. Xa xa núi Voi ẩn mình trong sương. Nơi ấy một thời, họ đã kề vai sát cánh bên nhau cùng chiến hào. Nơi ấy họ cũng đã ngỏ lời yêu nhau. “Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn. Ai ngờ từ đó mất tin nhau”./.

 

-----------

* Giấy sáp để in roneo.

 

Tờ stencil* cuối cùng