Tuổi thơ và tình yêu thương

TAP CHÍ LANGBIAN|8/24/2022 9:08:29 AM

                        Tuổi thơ và tình yêu thương

                                                                                   DUY LƯU

 

Ngồi trong công viên, nhìn những đứa trẻ cùng tuổi xúng xính trong bộ đồ đẹp đẽ, vui vẻ nô đùa bên cạnh bố mẹ, đôi mắt nó nhòe đi cay xè. Đưa tay quẹt nhanh dòng nước mắt đang bò xuống má nhồn nhột, nó uể oải đứng dậy lê bước chân buồn tủi rời công viên khi ráng chiều dần buông.

Ra khỏi trung tâm thị xã B’Lao, theo con đường mòn chạy giữa rẫy cà phê xanh ngăn ngắt, bước chân nó trở nên vội vã. Tiếng lẹt xẹt từ đôi dép lê mòn vẹt đế kéo dài giữa không gian tĩnh lặng nghe đơn côi buồn thảm. Đi chừng hơn tiếng đồng hồ, nó tới con suối nhỏ có cái tên ngồ ngộ - suối Đạ Nghịt. Ngày bố còn sống, những buổi chiều rảnh rỗi thường đưa nó tới đây câu cá. Bước tới tảng đá sát mép nước nơi bố vẫn buông câu, nó lặng lẽ ngồi xuống cái nơi quen thuộc ấy như muốn tìm lại chút hơi ấm ngày nào. Hai tay bó gối, đôi mắt đăm đăm nhìn dòng nước ào ào trôi xuôi. Một chiếc lá nhỏ theo chiều gió bay tới chao liệng, rớt xuống mặt nước mang theo chú kiến nhỏ. Chiếc lá trôi ào ào theo con nước. Nó bật dậy, chạy theo chiếc lá tìm cách cứu chú kiến, nhưng thôi rồi, một vòng xoáy bất ngờ cuốn chiếc lá cùng chú kiến mất hút giữa dòng nước sôi sục, đỏ ngầu. Đứng khựng lại, trân trân nhìn cái vòng xoáy, miệng nó lẩm bẩm: “Tao xin lỗi, đã không kịp! Tội nghiệp mày kiến nhỏ. Mày không chết đuối cũng làm mồi cho cá mất thôi!”. Nhưng kìa, chiếc lá bỗng nổi lên cách vòng xoáy vài mét. Những chiếc chân nhỏ xíu của chú kiến như đang gồng lên cố bám chặt vào chiếc lá với hy vọng thoát nạn. Nó nhảy ào xuống, bơi nhanh theo chiếc lá. Bơi chừng chục mét, chộp được chiếc lá nó giơ cao khỏi mặt nước, cố bơi một tay vào bờ. Mệt muốn đứt hơi nhưng nó thấy vui. Để chú kiến bò lên ngón tay trỏ, nó cười thật tươi. “Vậy là tao đã cứu được mày, nhưng không biết gia đình mày ở đâu, tao để mày bò lên cây rồi tự tìm về nghe, sống không có gia đình như tao tủi lắm!”. Nói rồi nó thả chú kiến nhỏ lên cành cây. Thay vì bò đi ngay, chú kiến đứng thẳng người, cái đầu lúc lắc liên hồi, đôi râu nhỏ xíu và hai chân trước giơ cao như muốn nói lời chào tạm biệt, mất vài phút, chú kiến mới chầm chậm bò lên cao. Tạm biệt nhé kiến nhỏ. Nó đưa tay vẫy chú kiến mấy cái rồi lầm lũi rời khỏi con suối khi ánh hoàng hôn cuối cùng đã tắt.

***

Phúc ơi… cháu dậy chưa…?

Mặt trời đã lên cả con sào nó vẫn trùm chăn kín đầu nằm co ro trên giường. Nghe gọi tên mình, nó choàng tỉnh nhưng vẫn nằm im. Tiếng gọi lại vang lên gấp gáp cùng tiếng đập cửa thình thình:

 - Phúc! Phúc ơi… cháu có trong nhà không?

 Là bà Tư! Tung tấm mền, nhảy khỏi giường nó bước vội ra mở cửa. Cánh cửa vừa hé, thấy nó trong bộ dạng mệt mỏi, đầu tóc bù xù, bà Tư mắng:

 - Cha bố mày, tưởng mày làm sao bà lo quá! Bà mang cho mày mấy lon gạo, sẽ bà dạy cách nấu ăn, sau tự nấu, không được bỏ bữa.

-  Dạ, con biết rồi, con cảm ơn bà...

 Vườn nhà nó và vườn nhà bà Tư nằm liền kề. Bà đã ngoài sáu mươi, hai người con của bà, người làm công nhân ở thành phố, người đã lập gia đình trên trung tâm thị xã. Bà Tư ở một mình trong căn nhà gỗ nhỏ lọt giữa vườn cà phê, cách nhà nó chừng ba chục mét. Đã nhiều lần con bà về đón đi nhưng bà nói, không muốn ở nơi ồn ào, bà muốn ở đây với mảnh vườn hơn. Thấy nó côi cút, bà thương nên sớm tối chạy qua giúp từ bữa ăn tới giấc ngủ. Cuộc sống của nó dựa vào hai sào chè, cứ mười ngày hái một lần. Mới bảy tuổi, những cây chè cao nó không thể với, bà Tư qua giúp hái và bán chè giùm nó. “Tên là Phúc mà chả thấy phúc...”. Mỗi khi trò chuyện với ai đó về nó, bà Tư thường nói vậy.

Thật tình thằng Phúc cũng đã có những năm tháng thật hạnh phúc khi còn đủ cả bố mẹ. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho tới bảy tuổi, nó cũng được bố mẹ thương yêu chiều chuộng, được bố đưa đi công viên vào mỗi dịp cuối tuần. Ngày Tết thiếu nhi, mùng một tháng sáu hay mỗi dịp sinh nhật, Tết Nguyên Đán nó được bố mua cho quần áo mới, đồ chơi, nhưng rồi biến cố bất ngờ bỗng ập xuống đầu nó. Mẹ nó có nét đẹp hút hồn của người phụ nữ thôn dã. Dù cuộc sống nghèo khó nhưng mẹ nó ngày càng đẹp ra, đúng như câu nói của người xưa “Gái một con trông mòn con mắt” nên rất nhiều người buông lời tán tỉnh mặc dù đã có chồng, có con. Cuộc sống gia đình nó khi ấy nghèo lắm. Bố làm phụ hồ, bữa đực bữa cái thất thường, mùa mưa thì thất nghiệp. Mẹ ở nhà với hai sào chè nên kinh tế luôn thiếu trước hụt sau. Chê bố nghèo hèn, mẹ chạy theo một người đàn ông giàu có. Nhiều lần nó nghe bố mẹ cãi vã. Sau cãi vã, bố lại khuyên mẹ hãy vì nó mà từ bỏ mối tình tội lỗi để nó không phải tủi hổ với bạn bè và bố sẽ gắng làm việc rồi cuộc sống sẽ tốt lên, nhưng mẹ vẫn lén lút gặp gỡ người đàn ông kia. Nhân một ngày bố đi làm tận Di Linh, mẹ lặng lẽ dọn đồ bỏ theo người đàn ông nọ, khi ấy nó mới sáu tuổi, rồi những điều tồi tệ bắt đầu ập đến với nó.

Bố trở về, nghe nó kể lại chuyện mẹ bỏ đi, ông ngồi quỵ xuống bậc cửa, và khóc rất nhiều. Chưa khi nào nó thấy bố khóc như vậy. Cũng từ đó, bố bỏ nghề thợ xây, ở nhà với nó, bắt đầu uống rượu và uống rất nhiều. Vào một buổi tối, bố nó ngồi ngoài sân uống rượu tới khuya, nó ngủ một giấc dài, tỉnh dậy không thấy bố, nó ra sân thấy bố nằm gục, miệng sùi bọt. Nó hốt hoảng chạy qua nhà bà Tư đập cửa nhờ bà giúp. Bà Tư cùng mấy người đưa bố nó đến trạm y tế nhưng đã quá muộn.

***

Bố mất, mẹ đi biệt tích để nó côi cút giữa cuộc đời. Gia đình cả nội và ngoại ở ngoài Bắc nó chẳng hề biết nên không còn ai thân thích để nương tựa. Ngày bố chết nó khóc cạn nước mắt. Đêm đầu tiên ở một mình trong căn nhà gỗ nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông đồi chè, bao quanh là tiếng côn trùng rỉ rả, nó cuộn tròn trong góc giường trùm chăn kín đầu, người cứ run lập cập vì sợ. Nó cũng chưa được chỉ dạy cách nấu ăn, những ngày đầu không có bố mẹ, nó nhịn đói cả ngày. Vừa sợ lại vừa bị cơn đói hành hạ, người nó lúc nào cũng như lên cơn sốt. Nó nằm thiêm thiếp, mê man gần hai ngày. Cảm nhận có người lay gọi, nó lừ đừ mở mắt, vừa thấy bà Tư nó bật khóc nức nở. Kéo nó ôm chặt vào lòng, bà Tư vỗ về:

- Con đừng sợ, có bà đây, từ nay bà sẽ chăm lo cho con.

Như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao, nó thu mình lọt thỏm trong lòng bà, hai tay ôm thật chặt như sợ bà sẽ biến mất. Gục đầu vào lòng bà, nó khóc nức nở. Nó khóc vì tình thương của một người không máu mủ ruột rà dành cho, khóc cho số phận nghiệt ngã chờ phía trước. Tiếng khóc của nó tắc nghẹn khiến bà Tư cũng không thể cầm lòng, nước mắt của bà rớt xuống má nó nóng hổi như truyền hơi ấm, rồi bà cất tiếng hát ru. Tiếng ru trầm bổng ấm áp như vòng tay của bố ôm nó hằng đêm. Nó thổn thức hồi lâu rồi lại thiếp đi trong vòng tay của bà…

Kể từ khi bố mất, nằm trong lòng bà Tư nó mới có được giấc ngủ thật sâu trong yên bình, không chút âu lo sợ hãi. Nó thức dậy, bà Tư vẫn ngồi bên cạnh, chiếc quạt nan liên tục phe phẩy quạt mát cho nó. Thấy nó tỉnh giấc, giọng bà nhỏ nhẹ:

- Chắc đói lắm rồi phải không con? Cháo bà đã nấu, bà lấy cho con ăn nghe.

 Nói rồi, bà đứng dậy xuống bếp, một loáng đã trở lại với tô cháo trên tay. Mùi cháo hành thơm nức khiến cánh mũi nó phập phồng. Đỡ tô cháo từ tay bà, không cần dùng muỗng, nó ghé miệng húp soàn soạt, thoáng chốc tô cháo đã hết veo. Nhìn nó ăn ngon lành, bà Tư nở nụ cười đôn hậu:

- Muốn ăn thêm không để bà lấy?

Nó lắc đầu:

 - Con no rồi.

Bà Tư nhìn nó cười dịu hiền:

- Ừ, khi đói quá ăn nhiều một lúc cũng không tốt, nghỉ một lát rồi ăn tiếp, con sẽ khỏe lại mau thôi.

Từ hôm đó, bất kể sớm tối, bà Tư thường qua với nó, chỉ dạy cách nấu ăn, hái chè, làm cỏ vườn… Hai tháng sau nó đã thành thạo mọi việc, biết tự giặt quần áo, chăm sóc bản thân, hái chè và nấu ăn… Một hôm nó nói với bà Tư:

- Giờ con đã biết làm việc, tự lo cho mình, bà không phải lo cho con nữa.

- Ừ, bà tin con, từ nay con phải mạnh mẽ lên, phải sống thật tốt, sắp đến ngày khai giảng năm học mới rồi, con sẽ đi học và phải học thật giỏi nữa để sau này tự lo cho bản thân. Sách và tập vở bà đã mua đủ cho rồi.

- Con cảm ơn bà, con sẽ cố gắng để không phụ công bà…

***

Đang tuổi ăn tuổi ngủ, đúng ngày khai giảng năm học mới nó lại ngủ quên, khi tỉnh dậy, chiếc đồng hồ để bàn đã chỉ bảy giờ. Bận vội quần áo không kịp rửa mặt, nó tất tả chạy tới trường. Trường nằm cạnh đường Quốc lộ 20 cách nhà nó chừng bốn cây số. Nó tới, cổng trường đã đóng. Trong sân trường, đông đảo học sinh và các thầy cô đang nghiêm trang trong buổi lễ khai giảng. Thấy nó thập thò ngoài cổng, mặt tái nhợt, lưng áo đẫm mồ hôi, bác bảo vệ bước tới.

- Cháu học lớp mấy, nhà ở đâu, sao giờ mới tới?

Nó cúi đầu, hai dòng nước mắt chảy dài, giọng lí nhí:

- Cháu học lớp ba, nhà cháu ở trong rẫy, cháu ngủ quên…

Qua cuộc trò chuyện nhanh, đã hiểu gia cảnh của nó, bác bảo vệ đưa nó tới gặp hiệu trưởng. Sau khi nghe bác bảo vệ nói về hoàn cảnh của nó, hiệu trưởng cầm tay nó đứng trước toàn thể học sinh và các thầy cô, giọng thầy xúc động:

- Thưa các thầy cô cùng toàn thể các em học sinh, bên cạnh tôi đây là em Nguyễn Văn Phúc, bố mới mất, mẹ thì… hiện em sống một mình, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tôi mong các thầy cô cùng học sinh toàn trường, đặc biệt là cô chủ nhiệm lớp hãy quan tâm, giúp Phúc vượt qua khó khăn để em tiếp tục được đến trường…

Sau ngày khai giảng, một tờ báo của tỉnh đã viết một bài dài về gia cảnh của nó cùng bức hình chụp nó đứng bên thầy hiệu trưởng. Bài viết đăng ngay trên trang nhất. Kể từ đó, vào những ngày cuối tuần, căn nhà gỗ nhỏ nằm giữa vườn chè đơn côi như chính cuộc đời của nó luôn rộn rã tiếng nói cười của cô chủ nhiệm và các bạn học sinh. Những mạnh thường quân đã tìm tới tặng nó xe đạp và nhiều đồ dùng học tập. Nhận những tấm lòng thơm thảo, nó chỉ biết khóc và tự hứa sẽ học tốt hơn nữa. Ngoài thời gian chăm sóc, thu hái vườn chè, nó không dám đi chơi, lao vào học tập đến quên cả giờ giấc. Nhiều đêm thấy đèn nhà nó sáng tới tận khuya, bà Tư phải chạy qua bắt đi ngủ nó mới chịu tắt đèn. Những lúc như vậy bà thường mắng:

- Cha mày, học cũng phải giữ sức khỏe chứ, con trẻ thức khuya quá không tốt, mày lăn ra ốm sao học!

 Nó thấy ấm lòng và tự tin hơn. Bà Tư lo cho nó tất cả, từ quản lý tiền bạc, mua sắm gạo, muối, dầu, đèn. Bà lo từng bữa ăn cho nó như người ruột thịt khiến nó không còn cảm thấy cô đơn.

 Thời gian thấm thoát trôi, thằng Phúc đã vượt qua những năm cuối của chương trình tiểu học với thành tích học tập xuất sắc, là một trong năm em học sinh giỏi được chọn đi thi cấp tỉnh. Ngày tổng kết năm học, nó được thầy hiệu trưởng và đích thân Chủ tịch thị xã tặng Giấy khen.

 Buổi tổng kết vừa kết thúc, nó vội vã đạp xe về. Vào tới sân nhà bà Tư, miệng nó gọi rối rít:

- Bà ơi bà ơi, con có phần thưởng tặng bà nè.

 Không thấy bà Tư trả lời, nó đẩy cửa bước vào… Bà Tư nằm bất động trên giường, chân tay co giật liên hồi. Quăng tấm Giấy khen và chiếc phong bì tiền thưởng xuống bàn, nó lao đến bên bà vừa lay vừa gọi:

- Bà ơi! Bà sao vậy?

Gọi hoài không thấy bà trả lời, nó lao ra khỏi nhà, gặp bất cứ ai trên đường cũng cầu xin: 

- Cô ơi… Chú ơi… giúp bà cháu với…

Được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời, bà Tư đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau cơn đột quỵ. Nằm viện nửa tháng, bà Tư được xuất viện, người con trai quyết đón bà về ở trên thị xã, bà muốn đưa nó theo nhưng nó không chịu. Nó nói rằng, nó phải ở lại căn nhà ấy, biết đâu mẹ nó sẽ trở về. Khi chia tay, đôi mắt đỏ hoe cứ ôm chặt lấy bà không muốn rời, giọng nghẹn lại:

- ráng sống lâu chờ con lớn, con sẽ báo hiếu cho bà.

Bà Tư nhìn nó cười đôn hậu rồi mắng:

- Cha bố mày, bà sẽ sống đến trăm tuổi để thấy mày vô đại học rồi ra trường, đi làm có nhiều tiền để nuôi bà nghe chưa.

dụi đầu vào lòng bà khóc rấm rứt:

- Nhất định con sẽ vào đại học và làm thật nhiều tiền để phụng dưỡng bà.

Đưa tay xoa đầu nó, bà Tư cười phúc hậu:

- Được rồi, bà tin con, nhất định bà sẽ chờ tới ngày ấy. Vào năm học mới, con phải gắng học thật giỏi để sau này tự lo cho bản thân. Phải kiên cường lên nghe, khỏe lại bà sẽ về thăm con.

- Con cảm ơn bà, con sẽ cố gắng để không phụ công bà chăm lo cho con.

 Miệng nói, vòng tay nó ôm chặt bà Tư, nước mắt ướt nhoè trên khuôn mặt…/.

Tuổi thơ và tình yêu thương