Vầng trăng không bao giờ khuyết
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Đầu tháng mười năm 1977, tiểu đoàn bộ binh của chúng tôi đóng quân ở biên giới thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Trong biên chế của tiểu đoàn có Đại úy Quân y - bác sĩ Tuấn, y sĩ Lê Hải và nữ y tá quân y Mai Thị Nguyệt. Tôi có cảm tình với Nguyệt không phải vì Nguyệt đẹp rực rỡ, mà Nguyệt chỉ nổi bật ở eo người thon, đẹp và cặp mắt tròn luôn mở to dưới làn mi cong. Tuổi hai mươi bảy, chưa một lần được nắm tay phụ nữ, chưa một lần nói lời yêu thương với ai, giờ đây tôi để ý đến Nguyệt và trong lòng nung nấu một quyết tâm. Nguyệt rất ít nói, khi cần phải tiếp xúc với chỉ huy, với đồng đội cũng vậy. Cặp mắt đẹp của Nguyệt phảng phất buồn.
Để tâm tìm hiểu về Nguyệt, tôi có thể tóm tắt như sau: Nguyệt là con út trong gia đình có sáu anh chị em. Anh cả vào quân Giải phóng, hy sinh năm 1970, anh hai cũng vào quân Giải phóng, hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn trước giờ đại thắng, còn lại bốn chị em: Một anh trai hơn Nguyệt hai tuổi, hiện anh đang học đại học năm thứ ba tại thành phố Hồ Chí Minh, hai chị gái lấy chồng ở làng. Năm 1977 Nguyệt mười chín tuổi, cô tình nguyện nhập ngũ, cắn ngón tay viết đơn bằng máu. Cô nhập ngũ vì lý do năm 1977, Pôn Pốt cùng đám lãnh đạo Khmer Đỏ xua quân tràn qua biên giới tàn sát phụ nữ, trẻ em, người già... lính của chúng mặc áo quần đen, như những đám ma từ địa ngục, gặp ai chúng giết người ấy. Bố, mẹ và một chị gái của Nguyệt bị chúng sát hại. Nguyệt may mắn thoát nạn do hôm đó cô đang học lớp y tá ở thành phố Hồ Chí Minh.
Ở thành phố, Nguyệt đọc báo, nghe đài thấy tin giặc Khmer Đỏ tàn sát đồng bào ta ở các tỉnh biên giới giáp với Campuchia. Nỗi lo sợ mơ hồ trong cô hóa thành sự thật khi có được bà con cô bác trong họ lên tận thành phố báo tin dữ. Lúc ấy cô cũng chuẩn bị thi tốt nghiệp. Thi xong, cô gấp gáp trở về quê viết huyết thư gửi lên xã đội, rồi huyện đội cho cô được nhập ngũ, và cô đã được chấp thuận...
Tôi luôn để ý đến cô những lúc có dịp gặp như ở nhà ăn tập thể, trong buổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên. Phải đến ba tháng sau, cô mới dè dặt nói chuyện với đồng đội. Cô nói với tôi:
- Đại đội trưởng ạ, tóc em trước dày và dài đến đầu gối, em nghĩ, vào bộ đội phải luyện tập, phải làm việc, để tóc sẽ vướng, thế là em cắt ngang vai, cảm thấy vẫn chưa ổn, em cắt đến gáy. Thế là xong.
Tôi nói trông đồng chí giống diễn viên điện ảnh Ma-ri-a của Liên Xô. Cô tròn mắt nói em chưa biết chị ấy, tôi kể tóm tắt bộ phim Trong vùng địch hậu, nhân vật chính của phim và là Ma-ri-a, phim này tôi đã xem năm 1966, lúc còn đi học phổ thông ở miền Bắc. Nội dung phim như sau: Khi Phát-xít Đức tấn công Liên Xô vào ngày hai mốt tháng sáu, năm 1941, Ma-ri-a là sinh viên đại học, cô tình nguyện ở lại thành phố hoạt động trong tổ chức bí mật của hồng quân Liên Xô. Không may, trong một lần chuyển tin liên lạc từ thành phố ra căn cứ, cô bị quân địch bắt được. Chúng tra tấn, đánh đập cô tàn nhẫn để tìm ra cơ sở cách mạng, cô cắn răng chịu đựng đòn roi máu chảy, không khai một tiếng. Chúng nói: Thế thì chúng tao sẽ cho mày chết. Ma-ri-a nói to:
- Tao không sợ chết, nếu sợ chết thì không phải là phụ nữ Xô-Viết. Chúng mày cứ giết tao đi. Đất nước Xô Viết của tao còn hai trăm triệu người cơ đấy.
Rồi cô hô to:
- Đả đảo phát xít Đức.
- Lê-nin vĩ đại muôn năm.
- Đảng cộng sản Liên Xô muôn năm.
Nghe tôi kể xong, Nguyệt nói: “Nếu em ở trong hoàn cảnh ấy, em cũng sẽ như chị Ma-ri-a!”
Kể từ sau buổi nghe tôi kể chuyện, Nguyệt đã vui vẻ hơn. Trong buổi sinh hoạt đơn vị, Nguyệt cũng góp một bài hát dân ca Nam bộ Lý con sáo, rồi những bài ca cách mạng như Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Ta là chiến sĩ Giải phóng quân.
Cũng sau buổi ấy, Nguyệt gặp tôi thường ngày, hỏi về Ninh Bình quê tôi, về Huế, Hà Nội. Nguyệt nói:
- Hoàn thành nhiệm vụ, em sẽ lấy chồng, trước khi cưới em ra lệnh cho chồng em phải đưa em đi thăm cố đô Huế, thăm lăng mộ các vua triều Nguyễn, ra cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, đất Tràng An có hai vua Lê Hoàn, Đinh Bộ Lĩnh, thăm quê hương Bác Hồ, nhà Bác Hồ ở Nghệ An, rồi ra Hà Nội viếng lăng Bác Hồ... À, còn nữa, phải ra Vịnh Hạ Long, lên Pác Bó Cao Bằng rồi lên Điện Biên Phủ, lên Đền Hùng nữa chứ, anh Sáng nhỉ!
Tôi bạo miệng nói:
- Anh sẽ là người đưa em đi những nơi em nói.
Có thật không? - Huệ tròn mắt hỏi tôi.
- Anh nói thật. Khi mà...
- Khi mà gì... chứ!
Tôi nói: Tự em nghĩ đi chứ!
Huệ bỗng ôm chặt lấy tôi reo lên: “Hoan hô thủ trưởng! À, thủ trưởng có cuốn sách nào, cho em mượn đọc coi xem sao?”
- Em thích loại sách gì?
- Sách về chiến tranh cách mạng về lịch sử, thủ trưởng ạ.
- Trong ba lô của anh có Tuổi trẻ Các Mác, Dấu chân người lính, Đám cháy trước mặt, Miền cháy, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Người tình báo vĩ đại.
- Thích quá, em mượn nhé. Em không thích đọc các truyện diễm tình ướt át đâu hà!
... Nhưng rồi Nguyệt không đọc hết được số lượng sách ấy bởi chúng tôi được lệnh hành quân, bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giải phóng Campuchia vào giáp Tết dương lịch năm 1979.
Cùng với tổ Quân y ra chiến trường, Nguyệt luôn sát cánh cùng đơn vị tôi. Vẻ bề ngoài thong thả có phần chậm chạp nhưng em như con thoi đi lại cấp cứu, băng bó cho các thương binh, động tác nhanh gọn dứt khoát. Có đồng chí thương binh nặng biết không qua khỏi đã nói với Nguyệt. Em ơi, anh chưa một lần được hôn cô gái nào..., em... làm ơn cho anh hôn đi. Nguyệt không ngần ngại áp môi mình vào môi người lính, nước mắt em giàn giụa.
Lính Khmer Đỏ, theo lệnh quan thầy của chúng - rất tàn ác: Khi rút chạy thì gài mìn vào những chiếc xe tăng, ôtô, xe quân sự, khẩu pháo,... hoặc kho hậu cần để nếu quân ta động đến là mìn nổ. Vì vậy, đã có đồng đội hy sinh khi đạp phải bãi mìn chúng chôn xuống đất rồi ngụy trang rất khéo như quẳng giày dép, mũ còn mới rải rác trên mặt đất.
Ngay ở đại đội tôi cũng có năm đồng đội bị thương, khi leo lên xe hoặc đến bên khẩu cối của chúng bỏ lại, cứ tưởng là an toàn, không ngờ mìn phát nổ khi mới mở khóa xe, rồi đạp ga. Đến gần khẩu cối tám mươi sáu ly hoặc khẩu đại bác, mìn chúng gài ngay ở dưới giá đỡ của khẩu cối, khẩu đại bác. Lính ta sơ ý là bị ngay. Vẫn biết, trong chiến tranh, mọi tình huống vẫn có thể xảy ra nhưng bởi những kẻ sáng tạo ra cái chết đã không từ một thủ đoạn nào, mục đích là không tiêu diệt được đối phương thì cũng làm cho sứt đầu mẻ trán. Và đau xót thay, Nguyệt cũng trúng mìn. Một chiến sĩ của ta ngã xuống do đi vào bãi mìn. Do bản năng của công việc cấp cứu, em lao đến, mìn cũng nổ, máu thấm tràn ngực áo. Em đã vĩnh biệt cuộc đời, vĩnh biệt chúng tôi.
Cả đại đội tiếc thương Nguyệt. Em ngã xuống khi giặc đã rút chạy. Vẫn biết là chiến tranh, nhưng... cái chết lại xảy ra khi mà trận địa đã im tiếng súng.
Hình ảnh Nguyệt còn theo tôi đến suốt cuộc đời. Sau ngày Nguyệt ra đi, tôi ngẩn ngơ cả tháng trời. Nhiều đêm mơ thấy Nguyệt, em rủ tôi ra thăm thủ đô, đến viếng lăng Bác Hồ, rồi lên thăm đất Tổ có Đền thờ Hùng Vương...
Tên em là Nguyệt, nguyệt là mặt trăng, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, nhưng em - vầng trăng tròn không bao giờ khuyết. Em cũng như bao liệt sĩ đã đem tuổi xuân mình hiến dâng cho Tổ quốc, để đất Đại Việt mình vĩnh viễn là mùa xuân./.