Cội nguồn cảm hứng dân gian trong thơ Nguyễn Bính

TAP CHÍ LANGBIAN|8/24/2022 9:59:46 AM

Cội nguồn cảm hứng dân gian trong thơ Nguyễn Bính

NGUYỄN THỊ QUỲNH NHƯ

 

Nguyễn Bính là tác giả nổi bật của phong trào thơ Mới. Ông có phong cách thơ rất riêng, đậm đà phong vị dân gian. Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đánh giá: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cam bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta” [3, tr. 336-337]. Mặc dù có ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Pháp nhưng trong ý thức, thơ Nguyễn Bính luôn quay về với nguồn cội. Đây cũng là cơ sở để ta thấy được cảm hứng tư tưởng của Nguyễn Bính. Trong thơ ông luôn có sự đấu tranh: Một mặt, bất đồng với phong trào Âu hóa và mặt khác là ý thức trân trọng ngợi ca những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Nguồn cội cho mạch cảm hứng ấy xuất phát từ chính cuộc sống làng quê - chất liệu hiện thực trong cuộc đời tác giả và cái tôi trữ tình lãng mạn của một hồn thơ luôn đau đáu với cảnh quê, tình người đất Việt.

1. Nguồn cảm hứng từ chất liệu hiện thực

Nguyễn Bính sinh ra và lớn lên tại làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam. Từ tấm bé, Nguyễn Bính đã phải chịu nỗi đau mất mẹ nhưng bù lại phần nào, ông được sống trong sự đùm bọc, che chở của những người thân và bà con làng xóm. Thuở nhỏ, Nguyễn Bính cũng như bao người con nông dân khác ở xóm Trạm đã chan hòa với những niềm vui tuổi thơ. Ngày ấy, Nguyễn Bính cũng chơi trốn tìm trong những vườn chè, vườn cau, cũng tha thẩn bên giàn thiên lý, bên khóm hồng, khóm cúc của ông ngoại Bùi Trình Khiêm nơi thôn Vân thơ mộng. Rồi những đêm hát đúm, hát trống quân, những ngày lễ hội, hồn ông lại phấn chấn hút theo tiếng trống hội chèo, lại rạo rực cả nỗi lòng vì con mắt lá răm của các cô Diễm, Мơ, Na, Mây, Sáng,...

Cảnh vật, con người làng quê đã thấm sâu trong tâm khảm của Nguyễn Bính. Với một cảm quan thiên phú, tâm hồn Nguyễn Bính như nhập cùng cái thần của từng cảnh, từng nỗi niềm, thân phận. Hình ảnh làng quê ấy lưu sâu vào tâm khảm tác giả: “Làng Thiện Vịnh thật có giữa vùng chiêm khế mùa thối đất Nam Định, Thái Bình, đâu cũng xơ xác nước trắng đồng, gió lùa sông đồng cồn lên, quẫn lại lật thuyền mảng, cả đến những người ra cứu lúa cũng chết đuối. Mỗi năm, mỗi mùa biết bao người bỏ làng đi tha hương...” [1, tr.19]. Cuộc sống nghèo khổ nơi làng quê như nhói vào tim Nguyễn Bính. Tuy vậy, “nhà thơ vẫn cứ tưởng tượng, trên những khổ cực ấy, phấp phới những lứa tuổi đương tơ, hoa cải vàng tháng chạp, mưa dây mưa dợ, trăng rằm sáng như ban ngày và những đêm chèo hát...” [1, tr.19]. Cuộc sống với những bon chen, tất bật, với sự lam lũ từ những ngày thơ ấu làm Nguyễn Bính hòa mình với làng xóm quê hương, với lũy tre, bến nước, sân đình. Trong thơ Nguyễn Bính hầu như không thấy cảnh ảm đạm, đau buồn vì đời sống vật chất mà chỉ thấy cái đẹp và sự thăng hoa của cái đẹp: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”(Mưa xuân).

Cuộc sống nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Bính, vùng chiêm trũng đồng trắng nước trong với nhiều thiên tai lũ lụt, quang cảnh tiêu điều. Nhưng “cả đời người ta vẫn đợi chờ, mong ngóng những rộn ràng óng ả của một “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ”. Tinh thần và triết lý ấy, nhìn suốt đáy thơ Nguyễn Bính, thấy được từ nỗi ước vọng hàng ngày của người ta. Tài năng và sức mạnh sáng tạo của nhà thơ là một với cội nguồn thơ ông” [1, tr.21].

Bên cạnh cảnh sắc và con người làng quê Thiện Vịnh, cảm hứng của các bài thơ như Con nhà Nho cũ, Hoa với rượu, Thôn Vân,…  xuất phát từ những cảnh thực, cuộc sống và con người thực ở thôn Vân - quê ngoại của nhà thơ. Tất cả đều để lại những ấn tượng khó phai. Đó là hình ảnh thôn Vân đầy thơ mộng: “Thôn Vân có biếc có hồng/ Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều/ Đê cao có đất thả diều/ Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay” (Thôn Vân). Hay hình ảnh những người bằng hữu thuở thiếu thời của nhà thơ: “Bạn ngày xưa học chữ Nho/ Đống Lương anh Ruận, Lúa Đò anh Ban”(Con nhà Nho cũ),…

Có thể thấy, thơ Nguyễn Bính ít đề cập đến những lo lắng, những toan tính về đời sống vật chất. Có chăng cũng là để đề cao, ca ngợi vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp của văn hóa truyền thống trong đời sống vật chất và tinh thần nơi thôn xóm trong thơ Nguyễn Bính được hình thành từ những chất liệu cuộc sống ở làng quê tác giả. Qua cách cảm, cách nghĩ và cá tính sáng tạo độc đáo, cảnh vật, con người ấy không còn dáng vẻ lam lũ, chỉ còn lại sự thơ mộng, bình yên.

2. Nguồn cảm hứng từ cái tôi trữ tình lãng mạn

Hành trình thơ của Nguyễn Bính qua những tâm trạng, xúc cảm riêng đến với cuộc sống thôn quê, nhất là với vẻ đẹp của văn hóa cũng chính là hành trình nhà thơ tìm về với chính mình, với cái tôi trữ tình đầy lãng mạn, trong sự hòa hợp với cảnh vật, con người làng quê. Cái tôi trữ tình của Nguyễn Bính thể hiện trước hết ở cái tôi “quê mùa”, “thôn dã”. Cái tôi ấy luôn hòa đồng với thiên nhiên, cảnh vật làng quê tươi thắm. Vẻ đẹp của văn hóa vật thể nơi làng quê gắn với lũy tre xanh ngàn đời che chở cho làng. Cánh đồng quê thơm hương lúa đến mái đình, cây đa, bến nước, thôn Đoài, thôn Đông, hàng cau, giàn trầu,... hòa với cái tình của con người nơi thôn dã. Tất cả đã thấm sâu vào hồn thơ Nguyễn Bính, làm nên hồn quê bàng bạc, thân thương trên từng trang thơ. Cái tôi ấy có được do cái nhìn rất thi vị, ngọt ngào đằm thắm về quê hương của tác giả.

Nguyễn Bính làm sống lại một làng quê đẹp như trong giấc mộng. Phải chăng đó cũng chính là mơ ước của tác giả, của chính những người dân quê về một cuộc sống hiền hòa, bình dị và nên thơ. Cái nhìn ấy diễn ra một cách tự nhiên trong tâm hồn nhà thơ. Chính vì thế, ông nhìn cảnh không chỉ để thấy cảnh, nhìn cuộc sống không đơn thuần chỉ là để thấy cuộc sống đang vận động. Cái nhìn của Nguyễn Bính bao giờ cũng bàng bạc một nỗi niềm: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày”(Mưa xuân).

Cái tôi của Nguyễn Bính hòa vào cuộc sống làng quê, vào tâm hồn của những người dân quê. Đặc biệt, tác giả rất tài tình trong việc nắm bắt tâm lý người dân quê. Đó là tâm lý của những người con luôn hướng về cội nguồn, về bản sắc của dân tộc. Tất cả gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm giản dị, mộc mạc mà tha thiết: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”(Chân quê).

Cuộc sống nông thôn với nếp sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, trong đó chứa đựng nét văn hóa truyền thống qua những phong tục tập quán, lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Vẻ đẹp văn hóa tinh thần ấy luôn giao hòa với cảnh vật thiên nhiên đầy thơ mộng, nên thơ trong những vần thơ của Nguyễn Bính. Bức tranh quê, tình người thôn quê làm cho tình yêu với mảnh đất quê hương trong lòng Nguyễn Bính thêm đậm đà, sâu lắng. Tình quê ấy luôn hướng về cái chân - thiện - mĩ, về với giá trị tinh thần của dân tộc. Cái tôi của Nguyễn Bính dịu dàng, cảm thông, san sẻ để đi đến tận cùng và hòa quyện với linh hồn của quê hương. Khi tác giả nhắc nhở cô gái quê một cách ý nhị: “Nói ra sợ mất lòng em/ Van em em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh” (Chân quê). Chính là khi Nguyễn Bính đứng ở vị thế cộng đồng, mang ý thức dân tộc, bảo vệ những nét đẹp truyền thống của cộng đồng.

Làng quê Việt Nam với những nét đặc trưng cộng đồng và tự trị, cùng với nhịp sống mùa vụ đã tạo nên một nếp sống bình lặng và phần nào ngưng đọng, các giá trị truyền thống được coi là chuẩn mực bất biến. Nhưng Nguyễn Bính chợt nhận ra: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng/ Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi” (Chân quê).

Tác giả nhận thấy bên trong sự thay đổi về sắc phục ấy là sự chuyển biến về tâm lý, ý thức. Tác giả lo lắng cho sự phôi pha của quê hương: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê).

Sự nghiền ngẫm, dự cảm về tương lai của làng quê Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc trong hồn thơ Nguyễn Bính. Chính điều đó là sự níu kéo, giằng co để giữ lấy “chân quê”, giữ lấy những giá trị văn hóa ngàn đời mà cha ông đã gây dựng nên. Bảo vệ văn hóa làng quê chính là bảo vệ bản sắc và tâm hồn dân tộc. Mặt khác, trong những năm sống tha hương, lưu lạc từ Bắc vào Nam, Nguyễn Bính như nhận ra chính mình, nhận ra vị trí quê hương, gia đình trong tình cảm của mình. Càng đi xa, ông càng hoài niệm về quê hương. Hình ảnh quê hương trong lòng người con xa quê cứ lay gọi mãi. “Cái tôi" trữ tình của Nguyễn Bính trong những bài thơ về kinh kỳ là cái tôi đơn côi, lẻ bóng nhất. Bởi cái chất dịu dàng, mộc mạc hầu như gửi lại những bài thơ thuộc mảng đồng quê. Quê hương, văn hóa làng trở thành “vẻ đẹp bất biến trong hoài niệm của người xa quê” [2, tr.94].

Tóm lại, cội nguồn cảm hứng làm nên những bài thơ thấm đẫm hồn quê xuất phát từ cuộc sống yên bình và thơ mộng nơi làng quê Nguyễn Bính. Có thể nói, quê hương và gia đình chính là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ, dẫn ông vào những thế giới bình yên của văn hóa dân gian. Nguồn cảm hứng ấy còn đến từ cái tôi trữ tình luôn hòa mình vào cảnh sắc và con người thôn quê để tạo nên cái tình quê mộc mạc, giản dị mà đằm thắm, nhẹ nhàng trên những trang thơ Nguyễn Bính. Từ việc biểu hiện tinh tế những nét văn hóa làng, Nguyễn Bính đã tạo nên những bài thơ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng chính là giá trị văn hóa tinh thần độc đáo mang hồn cốt của người Việt Nam. Bằng sự sáng tạo, vốn sống và sự từng trải của mình, suối nguồn dân gian trong thơ Nguyễn Bính đã khẳng định được dấu ấn rất riêng trong phong trào Thơ Mới và trên thi đàn văn học Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (sưu tầm và tuyển chọn (1986), Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, Hà Nội.

2. Đoàn Đức Phương (2005), Nguyễn Bính - hành trình sáng tạo thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Hoài Thanh - Hoài Chân (2014), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

 

 

Cội nguồn cảm hứng dân gian trong thơ Nguyễn Bính