Một số biểu hiện của văn hóa mẫu hệ trong sử thi M’Nông
LÊ THỊ HỒNG
Với tộc người M’Nông, đến nay dù công việc sưu tầm chưa dừng lại nhưng với trên khoảng 200 sử thi lớn nhỏ được xuất bản cũng đã cho thấy sự đồ sộ và giá trị của kho tàng này. Đặc biệt, không thể không nhắc đến giá trị phản ánh bức tranh toàn cảnh về đời sống vật chất và tinh thần của người M’Nông mà văn hóa mẫu hệ là một trong số đó.
Đã có nhiều bài viết, tài liệu nghiên cứu sử thi M’Nông của các tác giả Trương Bi, Đỗ Hồng Kỳ, Tô Đông Hải… tuy nhiên chưa có bài viết chuyên sâu tìm hiểu văn hóa mẫu hệ trong sử thi M’nông. Vì thế bằng phương pháp tiếp cận liên ngành, bài viết đi sâu tìm hiểu một số biểu hiện của văn hóa mẫu hệ trong các sử thi M’Nông tiêu biểu như “Bing con Măch xin làm vợ Yang”. “Thần rủa Yang con Rung”, “Tiăng cướp Djăn, Dje”, “Lùa cây bạc cây đồng”, “Lấy hoa bạc hoa đồng”, “Ting, Rung chết”, “Đẻ Lêng”, “Yang bán Bing con Lông” [Nhiều tác giả (2006), Kho tàng sử thi Tây Nguyên , Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội]. Các câu trích trong bài viết đều sử dụng từ trong bộ sách sử thi này.
Mẫu hệ hiểu một cách đơn giản là hệ thống xã hội trong đó quyền trong gia đình thuộc về người phụ nữ. Cụ thể hơn, mẫu hệ là chế độ gia đình thời đại thị tộc nguyên thủy, trong đó, quyền thừa kế của cải và tên họ thuộc dòng của người mẹ. [Hoàng Phê (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng tr.603]
Nhìn chung, đây là một hình thái tổ chức xã hội đã được thiết lập nên trong thời kỳ nguyên thủy, khi con người nhận thức được sự cần thiết phải từ bỏ tập tục quần hôn và bắt đầu có ý thức về dòng họ. Mẹ vừa là người sinh ra, vừa nuôi nấng, dạy dỗ những đứa con của mình từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Trong xã hội mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi ứng xử và giao tiếp của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Mẫu hệ trở thành một nguyên tắc chi phối hầu hết các mặt trong đời sống xã hội như: Văn hóa, kinh tế, các quan hệ xã hội và cả đời sống tinh thần của cộng đồng. Vì thế có thể thấy Văn hóa mẫu hệ là một loại hình văn hóa trong đó cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng chịu tác động chính của người phụ nữ [Buôn Krông Tuyết Nhung (2012), Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Ê Đê, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội tr.21].
Văn hóa mẫu hệ nổi lên với các biểu hiện chính gồm: Con cái theo dòng họ mẹ, người con gái khi lấy chồng được chủ động trong hôn nhân, được tự do lựa chọn người mình yêu để lấy, quyền thừa kế thuộc về con gái và người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình.
Một số biểu hiện văn hóa mẫu hệ qua sử thi M’Nông
Con gái chủ động trong hôn nhân
Hôn nhân của con người vô cùng quan trọng, nó được xem là bước khởi đầu của cả hai người (nam-nữ) để cùng nhau xây dựng tương lai hạnh phúc. Trong không gian mẫu hệ người con gái được chủ động trong tình yêu, trong hôn nhân nhằm khẳng định giá trị của bản thân với người mình yêu. Trong sử thi Bing con Măch xin làm vợ Yang; khi Gặp Yơng, Yang trong giấc mơ, Bing, Jông con Măch ngày đêm tương tư, thương nhớ đến mức bỏ cả ăn uống. Hai nàng kể cho hai anh trai biết rõ đầu đuôi câu chuyện và van xin hai anh đi cướp Yơng, Yang về làm chồng: “Tim chúng em bây giờ đang đập/ Gan chúng em bây giờ đang run/ Làm thế nào cướp được Yơng, Yang”.
Trong sử thi Đẻ Lêng khi nghe danh tiếng của Lêng từ Nong đến Biăt, Drôn vùng Srai thì Jông, Jang muốn cưới Lêng làm chồng: Jông lấy ra kao prăk mling/ Jang lấy ra kao kông mling/ Chị em tôi tặng Lêng kao prăk/ Chị em tôi tặng Lêng kao kông/ Chị em tôi cầu xin tình yêu/ Chị em tôi xin yêu em Lêng/ Chị em tôi xin cưới em Lêng...
Hay trong tác phẩm Yang bán Bing con Lông, sau khi thấy Yang con Rung là một người anh hùng tài giỏi, chiêng lắm la nhiều ghé thăm bon Drôn của mình và uống rượu, hai người đã phải lòng nhau, Jrah đã đem lòng yêu và muốn làm vợ của Yang: Em rất mong ước được anh Yang cưới làm vợ/ Em sống bên Yang không thể nào có lời giận/ Em sống bên Yang không thể nào có giận hờn/ Dẫu có thai em sẽ không nỡ phá/ Đêm tối ngủ bên Yang, em không xoay lưng…
Câu chuyện về người con gái tìm chồng và chủ động trong hôn nhân, trong tình yêu là minh chứng cho việc “cọc đi tìm trâu” trong văn hóa mẫu hệ M’nông nói riêng và các dân tộc mẫu hệ Tây Nguyên nói chung.
Quyền thừa kế thuộc về con gái
Mẹ Rong, mẹ Dum, Mẹ Brah đều là những người có công khai hoang mở đất, khôi phục buôn làng và sinh ra những người con trai như Tiăng, Tang, Lêng và con gái có Kông, Môi, Mai, Glơng: Mẹ Rong sinh tới hai mươi sáu người con gái/ Mẹ Rong sinh tới hai mươi bảy người con trai/…/ Mẹ Dum sinh tới hai mươi sáu người con gái/ Mẹ Dum sinh đến sáu mươi bảy người con trai…
Nghệ nhân dân gian đã miêu tả những người con của mẹ Rong, mẹ Dum, Mẹ Brah, con trai thì thông minh, giỏi giang, là những người anh hùng đứng đầu bon làng, giàu có, con gái thì xinh đẹp, đảm đang, có tài kéo chỉ và dệt vải. Chính vì những người mẹ như Rong, Dum, Brah đứng đầu gia tộc để hướng dẫn, giáo dục, dạy bảo cho con cái cho nên những ngôi nhà của những người con như Tiăng, Tang đều giàu có, nhiều của cải và tôi tớ nhất trong bon làng: Nhà Tiăng, Tang có đủ thứ của/ Nhà Tiăng, Yang giàu nhiều của cải… Người con gái được làm chủ vùng đất, với tư cách là người khai phá, tạo lập vùng đất của mình, là những chủ đất rừng (Chau tơm bri).
Hay trong sử thi Ting, Rung chết, Bing vợ Yơng không chỉ là người phụ nữ đẹp mà còn tài giỏi, mà nàng còn có vai trò rất quan trọng trong gia đình. Nàng giỏi may vá thêu thùa, nấu cơm, bửa củi, tiếp khách, cai quản các rẫy lúa trên đồi, trên núi, trên gò, dưới đồng: Rẫy trên đồi của chị Bing đàn khỉ ăn lúa/ Rẫy trên gò của chị Bing đàn lợn ăn lúa/ Rẫy trên núi của chị Bing con nai ăn lúa/ Rẫy dưới đồng của chị Bing con công ăn lúa…
Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình
Như đã nói ở trên trong xã hội M’Nông người mẹ, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng, họ có công khai hoang mở đất. Khi bon Tiăng nghe tin có giặc gần xâm chiếm, mẹ Rong đã tiếp sức hỗ trợ cho Lêng đánh giặc: Mẹ Rong ơi hãy giúp chúng con/ Mẹ hãy đánh gâr bêh đi thôi/ Mẹ hãy đánh gâr yau đi thôi…/ Bà mẹ Rong nghe nói bằng lòng.
Những người phụ nữ là vợ người anh hùng như: Djăn vợ Tiăng, Bing vợ Yang, Kông vợ Yơng, các nàng có vẻ đẹp ngoại hình không ai sánh bằng: Vòng đeo chân sáng như lửa cháy rừng/ Vòng đeo tay sáng như lửa cháy cỏ/ Vòng dây tai sà xuống như dây mpoh… Không chỉ có vẻ ngoài xinh đẹp mà còn mang trong mình tính cách mạnh mẽ, giỏi giang, tháo vát: Chị Bing vợ Yang tài giỏi làm cơm/ Chị Bing vợ Yang tài giỏi bổ củi…
Trong sử thi M’Nông, người phụ nữ là bà chủ trong gia đình luôn là người tiếp khách thay chồng như Djăn, Dje vợ của Tiăng, họ têm trầu mời khách, lấy thuốc cho khách khi Ndu, Dong đến thăm Tiăng: Mời Ndu hút tạm thuốc/ Mời Dong hút tạm thuốc/ Mời Ndu ăn miếng trầu cau/ Mời Dong ăn miếng trầu cau…
Sử thi cho thấy sự khéo léo trong cách ăn nói và mời khách dùng cơm của Djan, Dje; trước khi khách ăn, Djăn con Duih hỏi: Thịt sơn dương, thịt lợn khách ăn được không/ Thịt chuột bò cây, khách ăn được không/ Thịt lợn nhỏ ăn cám, khách ăn được không/ Thịt trâu tơ mập cổ, khách ăn được không?Ngay cả khi nói đùa nhưng người phụ nữ vẫn thể hiện được sự khéo léo trong cách cư xử của mình: Chúng tôi nói đùa như bon Bu Tră/ Chúng tôi nói đùa như bon Bu Nhau/ Chúng tôi nói khéo như bon Ir Briăng Vai…
Trong sử thi Yang bán Bing con Lông, khi thấy Ting con Prăk với Bing và Bing con Lông đến thăm mình, người anh hùng Tiăng đã hỏi ý kiến Djăn rằng có nên mời rượu Ting hay không: Chị Djăn nghe nói bằng lòng với Tiăng/ Chuyện nho nhỏ không cần bàn với em/ Chuyện nho nhỏ không cần hỏi em/ Em chỉ là thân con gái mặc váy/ Em sửa đuôi váy một ngày đến một trăm lần/ Mọi việc anh Tiăng cứ quyết đi thôi…
Như vậy, người phụ nữ xuất hiện trong sử thi M’Nông với tư cách là người mẹ, người vợ của gia đình. Họ xuất hiện với vẻ đẹp từ ngoại hình cho đến tính cách, không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, giỏi giang và khéo léo trong việc nội trợ, chăm sóc con cái và phụ giúp chồng làm các công việc nếp núc, nhà cửa, tiếp khách… Các nghệ nhân dân gian đã khắc họa những người phụ nữ trên để tương xứng với những người anh hùng của bon làng M’Nông.
Với sự thông minh khéo léo, nhanh nhẹn và có công kiến tạo nên vùng đất M’Nông của những người mẹ như: Rong, Dum, Brah mà những người con trai của họ như: Tiăng, Tang, Lêng và con gái như Kông, Môi, Mai, Glơng đã có những ngôi nhà giàu có nhất trong làng...
Trong xã hội mẫu hệ vai trò của người phụ nữ M’Nông được biểu hiện rõ rệt. Họ có vai trò quan trọng trong gia đình cũng như xã hội bên cạnh người chồng của mình. Người phụ nữ M’Nông không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn khéo léo, tháo vát và đảm đang.
Bằng tài năng của mình, khi miêu tả về tính cách người phụ nữ, những biểu hiện về sự chủ động trong hôn nhân và tình yêu của người phụ nữ M’Nông, các nghệ nhân dân gian đã thể hiện qua sử thi một cách cụ thể và chân thực nhất. /.