Năng jă, Năng nhô của người Mạ

TAP CHÍ LANGBIAN|2/23/2023 4:10:08 PM

Năng jă, Năng nhô của người Mạ

NGỌC LÝ HIỂN*

 

1. Ngày tôi thoáng biết Kồng Yai, Lộc Bắc vẫn còn xa ngái. Hơn 40km từ ngã ba Phẹc (Lộc Sơn - Bảo Lộc) vào đến trung tâm xã phải mất ít nhất 2h đi xe máy nếu mùa nắng; còn mùa mưa thì vật vã cả ngày đường… Quả là: Nắng bụi, mưa bùn; hoàng hôn không chia được hai vùng sang tối… Hành trang của tháng ngày đầu tiên vào nghiệp là ngổn ngang những thông tin thu thập được trên báo chí, sách vở… Bằng sự thôi thúc từ “Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa” - cuốn sách được dịch thuật từ vài chương trong tác phẩm “Cành Vàng” của J.G.Frazer - do thầy tôi, TS. Lê Hồng Phong tặng. Dĩ nhiên, không phải tình cờ mà tôi chọn Lộc Bắc. Trước đó (khoảng cuối năm 1997), tôi đã được cùng thầy điền dã tiền trạm Lộc Bắc để sau đó vài tháng cùng thầy và đoàn sinh viên Ngữ văn khóa 18, Trrường Đại học Đà Lạt di điền dã sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Mạ ở đây. Từ chuyến đi ấy, nơi lần đầu tiên trong đời tôi được một con vắt cắn, được tận mắt nhìn thấy những buôn làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên giữa rừng xanh bao la; nơi tưởng như cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng càng ở càng thấy ấm áp, chân tình, muốn quay lại… Rồi nhờ sự giới thiệu của thầy, tôi được nhận vào Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao, phụ trách công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương.

Sở dĩ phải bắt đầu câu chuyện này với Kồng Yai bởi đó là một “tác phẩm” văn nghệ dân gian nổi tiếng của người Mạ ở Lâm Đồng, một biện dẫn về văn hóa tộc người mà những nhà nghiên cứu như Jean Boulbet, Jacques Dournes đã đặc biệt quan tâm; bởi Kồng Yai dường chứa đựng tất cả những căn cứ để vận hành cuộc sống của người Mạ như Jean Boulbet đã mô tả trong “Xứ Mạ, lãnh thổ thần linh - Nggar Maá, Nggar Yaang”…

Tôi bắt đầu bập bõm những tiếng bản địa đầu tiên: Ăn là “sa”, uống nước là “hụych”, uống rượu là “nhô”… Không lâu sau những chuyến điền dã sưu tầm văn hóa dân gian Mạ dài ngày, mọi thứ sáng dần ra… Nhằm ghi lại được những hình ảnh chân thực và sống động về sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa tại Lộc Bắc (và cả Lộc Bảo, một xã được tách ra từ Lộc Bắc), tôi đã dành thời gian trải nghiệm gần như đầy đủ nghi lễ nông nghiệp của người Mạ từ khi đặt nhát xà gạc phát rừng đến khi lúa về kho. Và quan trọng hơn cả với tôi là may mắn trực tiếp ghi nhận toàn bộ chuỗi nghi lễ Năng jă - Năng nhô vào mùa rẫy năm 2007-2008. Xin được tổng lược những nét chính của chuỗi nghi lễ này ở đây.

2. Năng jă và Năng nhô là hai nghi lễ quan trọng trong hệ thống 4 nghi lễ hiến tế trâu của cư dân bản địa tại Lộc Bắc - Lộc Bảo. Sa rpu (ăn trâu) hoặc Nhô sa rpu (uống ăn trâu) không phải là một tên nghi lễ riêng biệt trong hệ thống nghi lễ cúng tế của cư dân bản địa ở đây. Cụm từ đó là cách chỉ vật hiến tế sử dụng trong một nghi lễ nhất định trong hệ thống 4 nghi lễ bắt buộc vật hiến tế là trâu, gồm:

- Năng jă: Cúng giải kiêng, trừ xúi quẩy;

- Năng nhô: Cúng khi ăn (làm lúa) trên khoảng rừng đặc biệt gọi là vrê vob (đọc là bri bó);

- Nhô Rhe: Cúng lúa mới (nếu vụ thu hoạch lượng lúa về kho - đối với 1 tộc họ - được 100 gùi trở lên - loại gùi đựng được khoảng 60kg thóc);

- Nhô Gùng mìr: Cúng Thần rừng (Yàng vrê) ngay sau vụ thu hoạch được 100 gùi lúa.

Khu rừng vrê vob thường tiếp giáp rừng thiêng Krong (lớn; sự uy nghi) - nơi thần linh trú ngụ - thuộc sở hữu của 2 tộc họ (nào) trở lên trong 1 hoặc vài ba buôn truyền thống. Khác với rừng vẫn phát đốt - chọc trỉa hàng năm là vrê, rừng vrê vob có chu kỳ canh tác riêng biệt: 10-20 năm mới được canh tác một lần. Mọi thành viên trong các tộc cùng sở hữu vrê vob có nhiệm vụ cùng nhau chăm lo mùa vụ từ khi phát đốt đến khi thu hoạch. Lượng lúa thu được khi canh tác vrê vob được chia đều đến từng bếp - các gia đình thành viên - thuộc các tộc họ đó. Khi đã ấn định năm canh tác vrê vob, luật tục quy định khá nghiêm ngặt về tất cả sinh hoạt của tất cả các thành viên trong các tộc họ. Xảy ra những bất trắc ngoài ý muốn, những việc xúi quẩy thì tộc họ đó phải tiến hành làm lễ Năng jă.

3. Năng jă được diễn ra tại buôn B’Tạch (Thôn 1 - Lộc Bắc tiến hành năm 2007) nhằm trừ xúi quẩy do cộng đồng luôn bị xáo trộn bởi những việc không đâu; trong khi tộc họ cũng chính là thành viên của khu rừng vrê vob đã được ấn định canh tác mùa vụ năm 2007-2008.

Chủ rừng (pôvrê - người điều hành thời vụ sản xuất; phân chia đất đai cho tộc họ của mình) trong năng jă có nhiệm vụ quan trọng nhất. Ông là người đứng đầu trong các hành động nghi lễ bắt đầu từ kích năng (định con vật và hẹn ngày hiến sinh con vật cho thần).

Năng là một đoạn dây mây được chuẩn bị sẵn; khi làm lễ người chủ lễ bẻ từng đoạn ngắn trên dây mây, mỗi đoạn bẻ tương ứng với 1 ngày hẹn với thần linh. Sau đó dùng 1 gà, một chóe rượu khấn xin thần ngày hẹn; chủ lễ sẽ cài năng trên không gian thiêng trong nhà, đếm từng ngày trôi qua và sắp xếp mọi việc cho ngày hẹn.

Trước cuộc hẹn với thần linh ba ngày, gia tộc cắt cử mọi người cùng lo lắng công việc: Phụ nữ, trẻ con lên rừng hái rau xúc cá…; đàn ông trai tráng vào rừng chọn cây làm cọc hiến sinh (kơnơng rpu); cây nghi lễ (nđăh - đọc là n’đá), dây buộc trâu… Nam giới trong tộc ai khéo tay được chọn lựa sẽ cùng nhau chăm chút từng chi tiết trên cọc hiến sinh và cây nghi lễ. Mọi thứ đều thủ công, tỉ mỉ đến từng chi tiết… Khi cọc rượu cần (gâng rờnờm) đã được cố định phía trước không gian thiêng trong gian nhà truyền thống mọi thứ bước vào công đoạn cuối cùng: cCôn cọc hiến sinh; dựng cây nghi lễ… Trong tất cả các lễ thức có hiến tế trâu của người Mạ tại Lộc Bắc, cọc hiến sinh bao giờ cũng được mọi người chăm chút hơn cả. Trên cọc hiến sinh, mọi đường nét, màu sắc đều ăm ắp các biểu tượng về thế giới linh thần: Ntồ (đọc là n’tộ; kết cấu như chiếc lồng bằng tre đan trên cọc hiến sinh); nơi thần về cư ngụ để nhận trâu, nhận rượu, nhận các con vật hiến sinh khác; riếp-kèp (các tua ngù trên 4 tay cọc hiến sinh) nhờ sức gió làm thành khúc nhạc cho thần vui say ăn uống; gốc cây blang (sẽ nảy mầm sau khi nghi lễ kết thúc) tượng trưng cho sự chấp thuận của thần về thế giới an lành hơn sau khi lễ mà thần sẽ mang đến cho con người;…

Trong nhà, người già hàn huyên đủ chuyện; phụ nữ hay những ai rảnh tay thì ngồi tước lá kọ (sra) để sớp rờnờm (chèn choé rượu);  pô vrê và trưởng tộc - pô nào - chuẩn bị cho những thời khắc quan trọng đầu tiên. Chủ rừng mang cần rượu (có rượu trong ống) và một con gà hoặc vịt ra cọc hiến sinh, cây nghi lễ tiến hành gọi thần về chứng kiến. Cùng với những lời gọi thần không ngớt của ông là những lời chiêng khẩn khoản làm vui tai thần.

Khi máu con vật hiến sinh đã thấm vào cọc hiến sinh, cây nghi lễ, thấm lên các ché thiêng để ngăn nắp trong nhà, đượm trên các bó cây nghi lễ… trời cũng đã về chiều! Trâu hiến sinh được cột vào cọc, lửa nổi, người biết đánh chiêng cũng bắt đầu những vòng trầm bổng đầu tiên quanh sân lễ. Những tay chiêng trẻ thường chưa quen với bài bản thường lỡ nhịp, sai âm nhưng âu đó cũng là một dịp khoe váy áo, một dịp được tận tay những bậc chú bác có kinh nghiệm tấu chiêng chỉ bảo. Mọi người qua đêm bên bếp lửa quanh những chóe rượu cần…

Sáng sau, 3 ché mới được khui. Pô vrê cùng những người có vai vế trong tộc họ tiến hành nghi thức gọi thần trong làn khói mỏng. Máu gà hiến sinh lại đượm trên các vật thiêng, khoảng không gian thiêng. Mọi người cùng team (đọc là tiêm) - nếm - rượu cho thần. Đội chiêng 6 đi dọc hành lang phía trong nhà giục thần mau cạn rượu!…

Pô nàopô vrê vai mang xà gạc, tay cầm đing tùng Yàng (ống lồ ô đựng rượu) theo sau là cing dròng (đọc là ching d’ròng) tiến ra sân. Khi đing tùng Yàng chạm vào đầu trâu (pô vrê đập đing tùng Yàng vào sừng trâu) lúc ấy thần bắt đầu đến nhận con vật hiến tế. Trong rộn ràng những bài chiêng quanh sân lễ, pô vrê lừa thế hạ trâu. Con trâu hay bất kỳ một vật máu nóng hiến sinh nào khác không quan trọng to hay nhỏ, gầy hay béo, cái làm nên cuộc hẹn với thần chính là m’hàm (huyết vật hiến sinh). Nếu máu vật hiến sinh không nhuộm trên sân lễ; không thấm vào cọc hiến sinh, cây nghi lễ và các thứ vật thiêng khác thì mọi sự đều trở nên vô nghĩa: Yàng tơmăt jắt sền/ Sền val đar rờm/ Brah Yàng vanh têh anh/ Brah Yàng vanh têh mi/ Iar sa val/ Rpu sa val…( Tạm dịch: Này đây tậm mắt thần đấy nhé/ Nhìn đôi cánh này như nhau 1 lượt/ Gà này đây cùng ăn/ Trâu này đây cùng ăn…)

Đầu trâu cột trên cọc hiến sinh là minh chứng cho cuộc hẹn với thần đã có kết quả - thần đã nhận vật hiến sinh, đã chấp nhận những lời cầu khẩn của con người. Thời gian còn lại dành cho yal vrê (tâm sự), tur cing (đánh chiêng vui chơi),… kéo thời gian năng jă dài ra… Khi thịt trâu đã chế biến thành các món ăn, những người có vai vế trong tộc cùng tiến hành piăng vồ (đọc là piêng bộ) - bữa cơm đãi khách long trọng nhất… Cuộc vui no say cứ thế kéo dài cho đến khi nào rượu nhạt, thịt hết.

Khi đầu trâu trên cọc hiến sinh được mang xuống xẻ thịt, một tảng thịt đầu trâu được đặt lên đỉnh gâng rờnờm, hai xâu thịt đầu trâu đã nướng được cài lên cây nghi lễ - chính là lúc đánh dấu mọi việc đã hoàn tất: Thần đã “vui tai” (răm tồr Yàng), đã bỏ qua mọi điều trái khuấy do con người gây ra và thần chờ 1 cuộc hẹn gần nhất: Năng nhô.

                                                           (Còn tiếp)

 

 

 

Năng jă, Năng nhô của người Mạ