“Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” của người Việt trong tâm thức người Đà Lạt

TAP CHÍ LANGBIAN|2/17/2025 10:03:44 AM

     “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ”  của người Việt trong tâm thức người Đà Lạt

  ĐOÀN BÍCH NGỌ

 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một phong tục tập quán thờ cúng nữ thần và những nhân vật anh hùng có trong lịch sử, những người có công với đất nước là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Di sản văn hóa phi vật thể  “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt đã được Tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 01-12-2016.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong tâm thức của người Việt thực chất là một dạng thờ nữ thần, các vị thánh mẫu được tôn thờ ở đây bao gồm cả các mẹ thiên nhiên như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thủy), Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ. Đặc biệt Thánh Mẫu Liễu Hạnh được người Việt tôn vinh là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử”. Tương truyền bà là tiên nữ do lỡ tay làm vỡ chén ngọc bị đày xuống trần gian làm người phàm. Sau khi quay về tiên giới bà vẫn thường hiển linh cứu giúp, che chở người bị hoạn nạn, trừng trị những kẻ có tà tâm. Những câu chuyện huyền tích về bà gắn liền với địa danh đèo Ba Dội, một vùng núi non điệp trùng, phong cảnh hữu tình nơi tiếp giáp giữa Ninh Bình với xứ Thanh. Chuyện kể rằng: Thánh mẫu Liễu Hạnh thường xuất hiện hoá thân làm cô bán hàng xinh đẹp trên đỉnh đèo Ba Dội để xướng họa thơ ca với khách văn chương, giúp đỡ khách bộ hành lỡ đường lạc bước và trừng trị những kẻ tà tâm, háo sắc... Huyền tích này đã được ghi tạc qua câu ca dao nổi tiếng truyền tụng trong dân gian có từ hàng trăm năm trước ở dọc vùng Thanh - Nghệ khi tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam đã phát triển đến giai đoạn thành đạo Mẫu (khoảng vào thế kỷ XVI):

“Ăn trầu nhớ miếng cau khô

Trèo lên Ba Dội nhớ cô bán hàng”

Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật hát chầu văn (hát hầu đồng) - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Việt. Trong đó nghi lễ hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh, các vị thánh thông qua các ông đồng, bà đồng. Thường các vị thánh sẽ hóa thân vào nhân vật dùng nhạc, thơ, lời kể lại chuyện. Đồng thời thể hiện quyền lực siêu phàm của các thánh nữ như trừ ma, phán bệnh, ban phúc lộc… Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, điều đó được biểu hiện qua hệ thng các vị thần được thờ trong Điện có cả những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc và cả những vị thánh vùng rừng núi, dân tộc thiểu số. Việc thực hành nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội không ngoài mục đích là cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc bình an, đây cũng là khát vọng chính đáng của con người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức của người Đà Lạt

Đà Lạt là một vùng đất mới được chọn làm trung tâm nghỉ dưỡng, kể từ sau cuộc thám hiểm và đề xuất của bác sĩ Yersin (năm1893). Những người dân khi đến Đà Lạt lập nghiệp họ mang theo cả phong tục, tập quán văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của vùng miền nơi từng sinh sống trong đó có cả tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở thành phố Đà Lạt theo kết quả khảo sát, thống kê gần đây của ngành văn hóa và một số nhà nghiên cứu thì hiện nay có gần 30 cơ sở thờ Mẫu được phân bố khắp các phường xã.

Điểm thờ Mẫu Tam phủ sớm nhất ở Đà Lạt là chùa Linh Quang (năm 1923); ngôi đền thờ Mẫu đầu tiên là đền Thánh mẫu Thiên Y A Na (số 2 - Nguyễn Văn Cừ, Đà Lạt). Nối tiếp sau đó là các ngôi đền thờ mẫu khác lần lượt được xây dựng như: Suối Cát Linh Từ (khu vực Dốc Nhà Bò - đường Đào Duy Từ),Vân Hương Phủ (đường Lý Nam Đế - Phường 8), Việt Nam Thánh mẫu (đường Ngô Quyền - thuộc Phường 6); đền Linh Bửu (đường Nguyễn Công Trứ - p Hà Đông). Ngoài những ngôi đền thờ Mẫu tiêu biểu mang tính cộng đồng nói trên còn có nhiều cơ sở thờ Mẫu mang tính chất tư gia do người dân tự lập điện thờ tại nhà. Tuy không quy mô lớn như các đền thờ Mẫu cộng đồng nhưng những điện thờ Mẫu tư gia vẫn tổ chức thờ cúng và thực hành nghi lễ, hát chầu văn, hầu đồng cầu Thánh mẫu che chở, ban tài lộc, sức khỏe  cho mọi người thân, gia đình khi có người nhờ cầu. Điển hình cho loại thờ Mẫu tại tư gia ở Đà Lạt là Điện Tân Sơn Cảnh của  gia đình bà Cao Thị Hồng tại Phường 6. Điện do bà Lê thị Bệp người Bình Định lập cách đây 60 năm khi vào đây lập nghiệp. Thờ Tứ Phủ cộng đồng, Tam Địa đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế, Mẫu Đệ Nhất, Mẫu Đệ Nhị, Hội đồng Tứ phủ. Cơ sở thờ Mẫu này có khá nhiều thanh đồng và đệ tử tới sinh hoạt cúng vía Mẫu, hát chầu văn, múa hầu đồng.  

Ở Đà Lạt thờ Mẫu xuất hiện với hai dạng thức: Thờ Mẫu miền Bắc - thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh (Vân Hương) và dạng thức thờ Mẫu miền Trung - Thánh mẫu Thiên Y A Na. Trước đây hàng năm các đền lớn của cộng đồng đều tổ chức cúng cầu các Thánh Mẫu cho quốc  thái, dân an, ban sức khỏe, tài lộc cho muôn nhà. Đặc biệt là ở đền Việt Nam Thánh mẫu Tổng Hội - ngôi đền thờ Mẫu chính và có quy lớn nhất ở Đà Lạt (đền được xây dựng vào những năm 1957- 1958). Theo lời kể của những người dân quanh vùng thì những năm trước 1975, ở đây cứ vào ngày vía Mẫu Liễu Hạnh mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngoài việc thực hiện các nghi thức dâng cúng, hát chầu văn, múa hầu đồng còn tổ chức lễ hội rước Mẫu rất vui với quy mô lớn và khá long trọng. Nhân dân Đà Lạt và các vùng lân cận đều đổ về đây để tham gia lễ hội. Lễ hội rước Mẫu được tổ chức rất long trọng và náo nhiệt. Đi đầu đoàn rước là xe hoa kết hình chim câu chở đoàn nhạc công và người hát chầu văn (hát cho Thánh Mẫu nghe), tiếp đến là kiệu Mẫu, đi sau kiệu Mẫu là đoàn thiếu nữ (trinh nữ) gánh những giỏ mây tre đựng đầy bông hoa ngắt nụ vừa đi vừa rải suốt dọc đường nơi đoàn kiệu Mẫu đi qua. Tiếp sau đoàn trinh nữ gánh hoa là các đồng đền, thủ nhang, thanh đồng và dân chúng về đền dự lễ cúng cầu Thánh Mẫu. Lễ rước Mẫu không đi quá xa nhưng cũng đủ hoan náo vui nhộn cả một vùng trước khi quay về đền tiếp tục các nghi thức hầu đồng với các màn hát chầu văn, giao tiếp với thần linh cầu sức khỏe, may mắn, xin lộc Thánh ban...

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt nói chung và của người dân Đà Lạt nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” là loại hình di sản văn hóa đặc biệt nhạy cảm. Vì vậy trên cơ sở giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cần tránh những tàn dư tiêu cực, không lành mạnh như: Thương mại hóa lễ hội, “buôn thần, bán thánh” nhưng vẫn đáp ứng và không gây ảnh hưởng tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của Nhân dân khi đến tham gia nghi lễ “Thực hành ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ”. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn để cộng đồng thực hành tín ngưỡng diễn xướng một cách tự nhiên cho mọi người được thăng hoa cùng lễ hội. Ngoài việc bảo tồn và phát huy được giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là khôi phục lại lễ hội rước Mẫu đã có trước đây cũng có thể coi như là một sản phẩm du lịch thu hút khách tới với Đà Lạt, Lâm Đồng./.

“Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” của người Việt trong tâm thức người Đà Lạt