Một vài khác biệt giữa nhóm CHĂM HROI
với các nhóm địa phương khác của tộc người chăm*
MAI MINH NHẬT [1]
1. Trong Danh mục Các thành phần dân tộc ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê ban hành năm 1979, Chăm Hroi là một trong các nhóm địa phương của tộc người Chăm[2]. Trải qua quá trình lâu dài sinh sống trên địa bàn miền núi hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, người Chăm Hroi đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần có nhiều nét độc đáo, khác biệt với những nhóm Chăm còn lại. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày một vài khác biệt cơ bản trong sinh hoạt kinh tế, tổ chức xã hội, đời sống văn hóa truyền thống của người Chăm Hroi với những nhóm Chăm sống ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, dựa trên nguồn tư liệu điền dã của bản thân trong vùng Chăm Hroi và kế thừa tư liệu của các công trình nghiên cứu về người Chăm đã được công bố, nhằm góp thêm tư liệu về sự đa dạng văn hóa của cộng đồng người Chăm ở Việt Nam.
2. Người Chăm ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có tên tự gọi là Chăm và tự phân chia thành 4 nhóm chính, dựa vào tôn giáo, tín ngưỡng của họ đó là: Chăm Harat/Jat (Chăm theo tín ngưỡng bản địa), Chăm Ahier/ Akapier/ Chăm Matai Cuh (Chăm chịu ảnh hưởng Bàlamôn), Chăm Awal/ Chăm Bani/ Chăm Matai Dar (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) và Chăm Asulam/ Chăm Biraw (Chăm theo Hồi giáo - Chăm Islam) (Trương Văn Món, 2008: 134-138). Trong khi đó, người Chăm ở Bình Định và Phú Yên tự nhận mình là người Chăm Hroi. Có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của từ Hroi trong tên gọi của những cư dân này. Trong đó, cách giải thích phổ biến được nhiều người Chăm Hroi chấp nhận là: Chăm Hroi là cách đọc trệch của từ Chăm Hrơi có nghĩa là người Chăm tôn thờ yang Hrơi (thần mặt trời). Cách giải thích này khá phù hợp với tư liệu điền dã: Trong hệ thống thần linh đông đảo của người Chăm Hroi, yang Hrơi là vị thần có vị trí quan trọng; hình ảnh mặt trời là hoa văn được ưa thích trên các sản phẩm đan, dệt của người Chăm Hroi; trên các bộ trang phục lễ hội của họ, hình mặt trời được đính rất tinh xảo bằng hạt cườm kết hợp với những sợi chỉ màu đỏ; trên các đồ án hoa văn trang trí trên cột lễ (gưng) được sử dụng trong các lễ hiến sinh trâu của người Chăm Hroi, hình ảnh mặt trời xuất hiện rất phổ biến và ở những vị trí nổi bật nhất.
3. Người Chăm Hroi là nhóm Chăm duy nhất sống ở khu vực miền núi. Họ cư trú trên một địa bàn không rộng, liền kề nhau, kéo dài từ phía Tây Nam tỉnh Bình Định đến hết vùng rừng núi phía Tây Bắc tỉnh Phú Yên[3]. Sự khác biệt về đặc điểm địa bàn cư trú đã tạo nên nhiều khác biệt trong đời sống văn hóa của nhóm Chăm Hroi so với các nhóm Chăm địa phương khác. Trong khi nền văn hóa của các nhóm Chăm khác là văn hóa đồng bằng, riêng người Chăm ở Ninh - Bình Thuận còn bảo lưu nhiều yếu tố của văn hóa biển thì có thể xem văn hóa của người Chăm Hroi là “văn hóa rừng”. Đối với người Chăm Hroi, rừng núi là môi trường sống gần gũi, thân thiết của họ. Vì vậy, yếu tố núi rừng được biểu hiện rõ nét trong nhiều mặt của đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của những cư dân này.
4. Ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, người Chăm sống tập trung đông đảo tại các palei riêng biệt của mình hoặc sống xen kẽ với người Việt. Người Chăm ở Ninh - Bình Thuận có mối quan hệ văn hóa - kinh tế với người Ra Glai, Chu Ru và các tộc người miền núi Nam Tây Nguyên (Nguyễn Xuân Nghĩa, 1989: 222). Trong khi đó, người Chăm Hroi ở Bình Định, Phú Yên lại sống cận cư hoặc xen cư với người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai[4]. Điều này tất yếu dẫn đến sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm Hroi và các tộc người này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, làm cho đời sống văn hóa của người Chăm Hroi có nhiều yếu tố tương đồng với các tộc người ở Bắc Tây Nguyên, nhất là với người Ba Na.
5. Ngay từ rất sớm, người Chăm đã sáng tạo ra một nền văn minh nông nghiệp lúa nước khá ổn định. Nhưng với bộ phận người Chăm Hroi, mặc dù đã biết đến kỹ thuật cày, bừa dùng sức kéo của trâu bò, nhưng do cư trú ở miền núi, nguồn nước khan hiếm nên ruộng nước có khá ít, đóng vai trò thứ yếu trong sinh hoạt kinh tế. Thay vào đó, loại hình canh tác nương rẫy (ama) có vị trí chủ đạo trong nền kinh tế truyền thống của người Chăm Hroi. Quá trình canh tác nương rẫy của người Chăm Hroi trải qua các công đoạn chọn đất rẫy, phát rẫy, đốt rẫy, gieo trỉa, chăm sóc và thu hoạch lúa với những dụng cụ đơn sơ như rìu, rựa, dao, cuốc, gậy chọc lỗ. So với những cư dân Ba Na, Ê Đê sống bên cạnh, kỹ thuật cũng như quy trình canh tác nương rẫy của người Chăm Hroi không có nhiều khác biệt.
Loại hình canh tác nương rẫy đã tạo cho người Chăm Hroi nhịp sống nương rẫy, gắn bó với núi rừng. Nhịp sống này có tác động lên mọi mặt đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người Chăm Hroi, điển hình như:
- Canh tác nương rẫy có năng suất bấp bênh, phụ thuộc tự nhiên, lại thường xuyên xảy ra mất mùa nên đời sống cư dân Chăm Hroi trước đây khá khó khăn. Nền kinh tế mang nặng tính chất tự nhiên, tự cung tự cấp khép kín. Vì vậy, để bổ sung thêm nguồn thực phẩm, người Chăm Hroi tiến hành thường xuyên các hoạt động kinh tế chiếm đoạt (săn bắt, hái lượm, đánh bắt cá), phù hợp với cuộc sống ở môi trường rừng núi.
- Canh tác nương rẫy là loại hình canh tác du canh luân khoảnh, nên khi đất đai bạc màu hoặc vì các lý do tín ngưỡng (làng có người chết do treo cổ, sản phụ chết do sinh nở, xảy ra dịch bệnh…) người Chăm Hroi phải dời làng đi nơi khác. Vì làng thường di chuyển nên nhà ở người Chăm Hroi là những ngôi nhà sàn có kết cấu khá đơn giản, có kích thước nhỏ gọn làm bằng các vật liệu khai thác từ rừng núi.
- Các nghi lễ nông nghiệp của người Chăm ở Ninh - Bình Thuận đều gắn với chu kỳ canh tác lúa nước, có các lễ cúng dựng chòi cày, lễ đắp đập, lễ chặn nguồn nước… (Trương Văn Món, 2008: 144). Ngược lại, đối với người Chăm Hroi, canh tác nương rẫy là loại hình canh tác chủ đạo, mang lại nguồn lương thực chính, đảm bảo cho cuộc sống của họ. Do đó, hầu hết mọi sinh hoạt tín ngưỡng nông nghiệp truyền thống của cư dân này đều gắn với các khâu quan trọng trong chu kỳ canh tác nương rẫy, từ khi chọn, phát, đốt rẫy, gieo tỉa hạt cho đến khi thu hoạch lúa để cầu xin cho vụ mùa bội thu, no đủ. Canh tác nương rẫy cũng quy định mùa lễ hội của người Chăm Hroi, nó chỉ được bắt đầu sau khi đã kết thúc chu kỳ canh tác nương rẫy. Quy mô tổ chức lễ hội phụ thuộc nhiều vào kết quả vụ rẫy vừa thu hoạch được. Nếu được mùa, no đủ thì quy mô lễ hội sẽ lớn, có thể dùng trâu làm vật hiến tế. Ngược lại, nếu mất mùa, đói kém thì mùa lễ hội cũng kém vui và ít rộn ràng hơn. Như vậy, nhịp sống nương rẫy trên đây của người Chăm Hroi có nhiều khác biệt với nhịp sống với những nhóm Chăm trồng lúa nước, nơi có cuộc sống ổn định và tập trung trong các palei đông đúc, có phần trù phú ở đồng bằng.
6. Trong lịch sử của mình, người Chăm đã xây dựng Nhà nước phong kiến Chămpa hùng mạnh một thời. Những di sản phong phú của vương quốc Chămpa cho đến nay vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trên mọi lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội của người Chăm ở cực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, trong ký ức của người Chăm Hroi ngày nay, họ hoàn toàn không biết đến cơ cấu tổ chức Nhà nước, xã hội Chămpa. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đơn vị xã hội duy nhất còn thấy được của họ là các plei. Đó là một đơn vị cư trú dựa trên mối quan hệ huyết thống và láng giềng, do một cụ già có uy tín cao, với chức danh pô plei (chủ làng) đứng đầu. Người chủ làng cùng các cụ trong hội đồng già làng (chơha plei), thầy cúng (ây/moquai), thủ lĩnh quân sự (momni pamu) có trách nhiệm dẫn dắt, điều hành mọi sinh hoạt của cộng đồng. Bộ máy tự quản này vận hành trên cơ sở luật tục được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cả cộng đồng tôn trọng.
Trong xã hội Chăm Hroi cổ truyền, mặc dù đã có sự xuất hiện giàu nghèo, nhưng hoàn toàn chưa có sự phân hóa giai cấp. Các thành viên, dù giàu hay nghèo, đều trực tiếp lao động, sản xuất. Một thành viên nào đó trở nên giàu có không phải là nhờ bóc lột sức lao động của người khác mà chủ yếu là do sự siêng năng, biết tính toán làm ăn. Ở đây, sự giàu có được tính bằng bò, heo, lúa, sắn, trang phục lễ hội, nồi đồng, chiêng ché quý hiếm… Xã hội truyền thống của người Chăm Hroi thể hiện tính cộng đồng sâu sắc. Trong cộng đồng làng, các thành viên yêu thương, bình đẳng, niềm vui nỗi buồn cùng chia sẻ lẫn nhau.
7. Văn hóa Ấn Độ, trong đó có Bàlamôn giáo đã sớm được truyền bá trong cư dân Chăm từ thế kỷ II - IV và định hình rõ nét từ thế kỷ thứ VIII. Đạo Hồi cùng với văn hóa Hồi giáo cũng được du nhập vào một bộ phận cư dân Chăm từ thế kỷ X - XVIII. Ngày nay, đạo Bàlamôn và đạo Hồi vẫn ảnh hưởng bao trùm lên tất cả các lĩnh vực trong đời sống văn hóa của các nhóm Chăm Ahier, Chăm Awal, Chăm Asulam sống tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ở các mức độ đậm nhạt khác nhau (Trương Văn Món, 2008). Ngược lại, ở người Chăm Hroi, hoàn toàn không tìm thấy một dấu ấn nào của các tôn giáo này. Cho đến nay, người Chăm Hroi chỉ biết đến các hình thức tôn giáo mang đậm tính chất nguyên thủy cổ xưa: Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các loại hình ma thuật... Trong hệ thống thần linh phong phú, đa dạng của họ, hoàn toàn vắng mặt những vị thần Siva, Visnu, Brahma của cư dân Chăm Ahier, hay Alla, Mohamat của người Chăm Awal, Chăm Asulam, mà chỉ có thế giới thần linh đông đảo với hàng chục các yang (thần) như: Yang hrơi (thần mặt trời), yang lânh (thần đất), yang lơ nghí (thần trời), yang ie (thần nước)... Sự khác biệt về tín ngưỡng - tôn giáo đã dẫn đến rất nhiều sự khác biệt trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm Hroi với những người Chăm ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Trong ăn uống, người Chăm Hroi ở Bình Định và Phú Yên hầu như không có sự kiêng khem nào, trong khi đó, người Chăm Awal và người Chăm Asulam kiêng ăn thịt heo theo giáo lý Hồi giáo. Người Chăm Ahier chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn không được phép giết mổ và ăn thịt bò, bởi lẽ con bò là thần vật của Bàlamôn giáo (Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, 1991: 122).
Khi đến tuổi trưởng thành, người Chăm Hroi không tiến hành lễ cắt tóc, đặt tên cho con gái như người Chăm Awal, cắt quy đầu cho nam giới, cấm cung nữ giới như người Chăm Asulam (Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, 1991: 201 - 205) mà người Chăm Hroi đánh dấu tuổi trưởng thành bằng nghi thức cà răng[5]. Sau nghi lễ trưởng thành này, nam nữ Chăm Hroi mới được tự do yêu đương tìm hiểu, xây dựng gia đình.
Trong tang ma, người Chăm Hroi không tiến hành thiêu xác như người Chăm Ahier và cũng không làm nghi thức chôn cất long trọng như người Chăm Awal, họ cũng không chôn người chết theo nghĩa địa dòng họ mẹ (gut hoặc ghur) mà người chết được chôn ở làng ma (palei atâu) chung của cả làng. Người Chăm Hroi cũng không thờ Ciet Ataw (hương hồn tổ tiên) và cũng không tổ chức lễ cúng tổ tiên mỗi năm một lần như người Chăm Ahier, Chăm Awal (Trương Văn Món, 2008: 146). Ngược lại, sau một thời gian nuôi ma[6], người Chăm thực hiện lễ bỏ ma (pơthi atâu) với nội dung, diễn trình nghi lễ có nhiều tương đồng so với pơthi atâu của tộc người Ê Đê, Gia Rai lậân cận. Sau lễ bỏ ma, ngôi mộ sẽ vĩnh viễn không được trông nom chăm sóc, giữa người sống và người chết từ đây chấm dứt mọi ràng buộc với nhau.
Vì không chịu ảnh hưởng của các tôn giáo bên ngoài nên người Chăm Hroi không có các lễ hội tôn giáo Ramawan, Ramadam như các nhóm Chăm Awal, Chăm Asulam. Trong hệ thống lễ hội của người Chăm Hroi cũng không có sự hiện diện của lễ hội Katê và Rija Nagar - hai lễ hội quan trọng nhất và điển hình cho văn hóa lễ hội của người Chăm ở Ninh - Bình Thuận. Thay vào đó, các nghi lễ của người Chăm Hroi mang đậm tính chất dân gian gắn liền với chu kỳ canh tác nương rẫy, chu kỳ vòng đời người và các lễ hội cộng đồng khác như Tết đổ đầu (quai truh kol), cúng thần làng (quai yang chăm), lễ ăn trâu (prongcop - rao)... Đối với các cộng đồng Chăm Ahier, Chăm Awal, Chăm Asulam, hệ thống đền tháp và thánh đường tôn giáo là trung tâm diễn ra các nghi lễ cộng đồng. Ngược lại, người Chăm Hroi họ hoàn toàn không có mối liên hệ nào, thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của những khu tháp Chăm, mặc dù các làng Chăm Hroi ở Vân Canh chỉ cách cụm tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định khoảng 30km đường bộ. Thay vào đó, không gian diễn ra các lễ hội của người Chăm Hroi là sân nhà của gia đình hoặc tại ngôi nhà rông của làng, mà kết cấu, trang trí và chức năng của nó không khác nhiều với ngôi nhà rông của tộc người Ba Na sống lân cận.
Trong lịch sử của mình, người Chăm đã dùng một số kiểu chữ bắt nguồn từ văn tự cổ miền Nam Ấn Độ chữ như akhar rik (chữ thánh, cổ tự), akhar tapuk (chữ sách), akhar jok (chữ bí ẩn, thần bí), akhar kalinmưng (chữ con nhện), akhar ator (chữ tắt, chữ treo), và akhar thrah (chữ thảo, chữ Chăm) (Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, 1991: 314). Cho đến nay, những văn bản Chăm được ghi bằng chữ akhar thrah trên những tấm lá buông và những tập giấy cổ truyền vẫn được xem là di sản tư liệu quý giá và được lưu giữ cẩn thận tại các làng Chăm ở Ninh - Bình Thuận (Trương Văn Món, 2008: 134). Ngược lại, cho đến gần đây, người Chăm Hroi vẫn không có chữ viết của mình[7]. Chính vì vậy, kho tàng văn học dân gian phong phú của họ, với các truyện cổ, ca dao, tục ngữ, thơ ca, các làn điệu hát đối đáp dân gian (hậy), trường ca (hri) vẫn là nền văn học dân gian, truyền khẩu.
Nhìn chung, đời sống văn hóa của các nhóm Chăm ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ có sự hòa quyện chặt chẽ giữa yếu tố văn hóa bản địa truyền thống với các yếu tố văn hóa ngoại lai (Ấn Độ, Ả rập, Mã Lai) (Trương Văn Món, 2008: 159). Ngược lại, nền văn hóa của người Chăm Hroi là nền văn hóa “phi Ấn, phi Hồi”. Vì vậy, nó có nhiều khác biệt so với các nhóm Chăm khác, trong khi lại có nhiều nét tương đồng với văn hóa của các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na láng giềng và có thể xem văn hóa Chăm Hroi thuộc về vùng văn hóa Tây Nguyên[8].
8. Từ trước đến nay, trong giới nghiên cứu đã có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc lịch sử của người Chăm Hroi cũng như nguyên nhân của sự khác biệt về văn hóa giữa người Chăm Hroi và các nhóm Chăm còn lại ở Việt Nam. Có tác giả nhận định người Chăm Hroi là một bộ phận của người Chăm cổ sống lâu đời ở vùng miền núi (Sogny, 1937: 73). Vì vậy, văn hóa của người Chăm Hroi chính là nền văn hóa truyền thống của người Chăm trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Hồi giáo (Lưu Hùng, 1998: 68). Có quan điểm cho rằng cộng đồng Chăm Hroi mới di cư lên miền núi trong những thế kỷ trước, gắn với sự kiện tan rã của vương quốc Chămpa. Trải qua nhiều thế hệ sinh sống ở vùng rừng núi, cách xa những người đồng tộc của mình nên nhiều yếu tố trong văn hóa Chăm Hroi đã bị phai nhạt, thay vào đó là những yếu tố văn hóa mới là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa mạnh mẽ với các cư dân Ê Đê, Ba Na, Gia Rai sống lân cận (Nguyễn Xuân Hồng, 2000: 30 - 31). Có ý kiến nhận định người Chăm Hroi hiện nay ở Bình Định và Phú Yên là sự kết hợp của bộ phận người Chăm cổ cư trú ở đây từ lâu đời với những cư dân Chăm chạy dạt lên sau sự thất bại của vương quốc Chămpa ở thành Đồ Bàn (Vijaya) (RaChơLan Măng Téo, 2008: 24). Với nguồn tư liệu hiện có, chúng tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định ý kiến nào trên đây. Tuy vậy, nguồn gốc Chăm của nhóm Chăm Hroi là điều không thể phủ nhận.
9. Trên đây, chúng tôi đã phác họa một số nét khác biệt cơ bản giữa người Chăm Hroi với những nhóm địa phương khác của tộc người Chăm. Tuy nhiên, không vì những khác biệt trên mà chúng tôi cho rằng Chăm Hroi là một dân tộc riêng biệt. Vì giữa người Chăm Hroi và các nhóm Chăm khác vẫn có nhiều điểm tương đồng dễ nhận thấy. Trong ngôn ngữ của người Chăm Hroi, có đến 84% lượng từ vựng cơ bản giống với những người đồng tộc ở Ninh Thuận, Bình Thuận (Nguyễn Quốc Lộc, Vũ Thị Việt, 1990: 44). Vì vậy họ có thể nghe hiểu tiếng nói của nhau. Tương tự như các nhóm Chăm ở Ninh - Bình Thuận, truyền thống mẫu hệ cho đến nay vẫn tồn tại đậm nét trong các quan hệ hôn nhân, gia đình và đời sống văn hóa của người Chăm Hroi. Gạt bỏ những ảnh hưởng của Ấn giáo và Hồi giáo thì các loại hình tôn giáo - tín ngưỡng dân gian của người Chăm ở Ninh - Bình Thuận có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng của người Chăm Hroi như tôn thờ nhiều nhiên thần (yang, po yang), hệ thống các nghi lễ nông nghiệp gắn với nữ thần lúa yang sri... Đặc biệt, trong ý thức tự giác của mình, người Chăm Hroi vẫn tự nhận là một bộ phận của cộng đồng người Chăm ở Việt Nam.
Từ những lý do trên, chúng tôi nhận định Chăm Hroi là một nhóm địa phương khá “đặc biệt” của dân tộc Chăm, bởi vì họ là nhóm Chăm duy nhất đang sinh sống ở miền núi và hiện không chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Hồi giáo. Trải qua quá trình lâu dài sinh sống trên địa bàn miền núi Tây Nam tỉnh Bình Định và Tây Bắc tỉnh Phú Yên, có sự tiếp xúc văn hóa với những tộc người lân cận như Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, cộng đồng Chăm Hroi nơi đây đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đa dạng với nhiều nét độc đáo, khác biệt với những nhóm Chăm sống ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Với những nét văn hóa độc đáo của mình, nhóm Chăm Hroi đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bức tranh văn hóa của tộc người Chăm ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lưu Hùng (1998), “Ghi chép về người Chăm Hroi”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, trang 59 - 68.
- Ngô Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, Nxb Trẻ.
- Nguyễn Quốc Lộc - Vũ Thị Việt (1990), Các dân tộc ít người ở tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa Thông tin Phú Yên.
- Nguyễn Xuân Hồng chủ biên (2000), Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định, Nxb Thuận Hóa.
- Nguyễn Xuân Nghĩa (1989), ‘‘Một số tư liệu về quan hệ văn hóa Chăm, Raglai Thuận Hải và các dân tộc miền núi Nam Tây Nguyên”, in trong Người Chăm ở Thuận Hải, Sở VHTT Thuận Hải.
- Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp (1991), Văn hóa Chăm, Nxb Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
- Rachơlan Măng Téo (2008), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền người Chăm ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, Đề tài NCKH, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định.
- Sogny H. (1937), “Quelques renseignements sur ilot de population supposée Chàm Habitant les huyen de Dong Xuan et de Son Hoa province de Phu Yen”, BAVH, 24, Année N 0 1, Janvier - Mars, 72 - 77.
- Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên (2004), Nhận diện văn hóa người Chăm ở Phú Yên, Phú Yên.
- Trương Văn Món (2008), ‘‘Sự biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam », in trong Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thế giới.
* NGUỒN: Nhiều tác giả, So sánh Folklore, Nxb Thanh Niên, 2012 (có bổ sung, chỉnh sửa).
[1] Trường Đại học Đà Lạt.
[2] Theo số liệu điều tra dân số ngày 1-4-2019, tổng số người Chăm trên cả nước là 178.948 người, đông thứ 17 trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Họ cư trú chủ yếu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang. Trong đó, dân số Chăm Hroi chiếm khoảng 1/6 tổng số người Chăm ở Việt Nam (tổng hợp từ kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2019 của Tổng cục Thống kê).
[3] Tại Bình Định, người Chăm Hroi cư trú ở các plei (làng) nằm dọc theo Tỉnh lộ 638, thuộc các xã: Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa và thị trấn Vân Canh (đều thuộc huyện Vân Canh). Tại Phú Yên, người Chăm Hroi cư trú tập trung tại các xã: Xuân Lãnh, Xuân Quang I, Xuân Quang II, Phú Mỡ, Xuân Phước, Đa Lộc (thuộc huyện Đồng Xuân), Suối Bạc, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội, Sơn Phước, Sơn Hà, Sơn Định, Sơn Nguyên (thuộc huyện Sơn Hòa). Ngoài ra, còn có một bộ phận nhỏ người Chăm Hroi cư trú ở hai thôn Quang Dù, Mả Vôi (xã Đức Bình Tây), thôn Ea Ngao (xã Sông Hinh) thuộc huyện Sông Hinh; thôn Hố Hầm thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (tư liệu điền dã năm 2008).
[4] Tại huyện Vân Canh và huyện Đồng Xuân, người Chăm Hroi cư trú xen kẽ với người Ba Na Kriêm. Tại Sơn Hòa, địa bàn cư trú của người Chăm Hroi tiếp giáp với địa bàn cư trú của người Gia Rai ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) về phía Tây, còn phía Nam liền kề với lãnh thổ cư trú của người Ê Đê M’dhur - tộc người thiểu số có số lượng đông đảo nhất tại Phú Yên.
[5] Hiện nay, tục cà răng không còn nữa nhưng trong quá trình điền dã, chúng tôi vẫn bắt gặp một số cụ già Chăm Hroi với phần răng cửa bị cưa cụt. Đây là kết quả của tục cưa răng mà họ đã trải qua khi họ còn trẻ.
[6] Nuôi ma là một tục lệ trong tang ma của người Chăm Hroi. Hằng ngày, người thân của người chết mang cơm, canh, rượu đến mồ để cúng cho người chết. Việc làm này được thực hiện liên tục cho đến khi làm lễ bỏ mả (thường tiến hành vào khoảng tháng hai, tháng ba dương lịch).
[7] Năm 2000, Ban Dân tộc miền núi của tỉnh Bình Định đã kết hợp với Viện Ngôn ngữ học thực hiện chương trình xây dựng chữ viết Chăm Hroi theo hệ chữ viết la tinh và đã cho ra đời công trình Ngữ vựng đối chiếu Việt - Chăm Hroi. Tuy nhiên, cho đến nay, chữ viết này vẫn còn khá xa lạ với đại đa số người Chăm Hroi.
[8] Theo Ngô Đức Thịnh, vùng văn hóa Tây Nguyên không chỉ bó hẹp trong phạm vi 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) mà mở rộng ra cả vùng rừng núi các tỉnh kế cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước,… Vùng văn hóa Tây Nguyên được đặc trưng bởi văn hóa núi rừng, nếp sống nương rẫy, nền văn học truyền miệng… (Ngô Đức Thịnh, 2007: 13 - 31).