Motif tái sinh trong sử thi Tây Nguyên

TAP CHÍ LANGBIAN|2/11/2022 10:48:45 AM

 

Motif tái sinh trong sử thi Tây Nguyên

                                                                                                  ĐÀM THỊ THẮM

 

1. Motif và nghiên cứu motif

Sử thi Tây Nguyên là loại hình tự sự dân gian như là mạch ngầm văn hóa mãnh liệt, bền bỉ, dồi dào, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số nơi đây. Và để có thể lưu truyền, tồn tại, thắng được sự đào thải của thời gian, sử thi cũng phải có “nguyên tắc sáng tạo", phải có những yếu tố cấu thành vững chắc, nghĩa là phải tạo lập, thu nhận và sử dụng các motif như bất cứ thể loại tự sự nào khác, nhất là những motif điển hình. Bởi vì với loại hình tự sự dân gian, motif đóng vai trò là yếu tố hợp thành quan trọng, tạo nên sự hoàn chỉnh của tác phẩm. Vào cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Phần Lan, các học giả thuộc trường phái địa lý- lịch sử đã nghiên cứu và khẳng định tính phổ biến, vai trò, chức năng quan trọng của motif trong việc cấu tạo cốt truyện của truyện kể dân gian. Tiếp nối những thành quả nghiên cứu của trường phái địa lý - lịch sử về motif, phong trào biên soạn, nghiên cứu motif trong truyện kể dân gian “… mở rộng trên khắp thế giới suốt nửa cuối thế kỷ XX, nửa đầu thế kỷ XXI" [10, tr.66].

Ở Việt Nam, mặc dù lý thuyết về motif và phương pháp địa lý - lịch sử xuất hiện tương đối muộn vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, song các nhà nghiên cứu văn học dân gian như Lê Chí Quế, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Tấn Đắc, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Bích Hà, Phan Thị Hồng, Lê Hồng Phong… đã ứng dụng lý thuyết type và motif nghiên cứu, khảo sát làm rõ chức năng, ý nghĩa của motif; mối quan hệ của motif trong truyện kể dân gian ở Việt Nam và Đông Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu, motif phổ biến của loại hình tự sự dân gian ở Việt Nam và Đông Nam Á là: Motif trầu cau, motif nhân vật dũng sĩ, motif nhân vật xấu xí tài ba,…

Ở bài viết so sánh loại hình, cụ thể là về “Mối quan hệ giữa sử thi Tây Nguyên với truyện cổ tích, truyền thuyết thông qua motif” [2], Phan Thị Hồng đề cập đến những motif tiêu biểu của sử thi Tây Nguyên: Motif cây thần, motif tiếng hát thần kỳ và các motif trong truyện kể dân gian: Motif người mang lốt, motif tài năng thần kỳ, motif kết hôn,…, tựu trung lại để làm rõ ý nghĩa của các motif với việc tô đậm vẻ đẹp, tài năng của nhân vật dũng sĩ trong loại hình tự sự dân gian.

Trong khi nghiên cứu so sánh khu vực, xét “Truyện cổ Tây Nguyên và truyện cổ Đông Nam Á một số motif chung” [3], Lê Hồng Phong cho thấy motif phổ biến ở những truyện kể dân gian là: Motif cây, motif bầu, motif dũng sĩ, motif diệt ác thần cứu người, motif tiếng đàn,… có liên quan tới những tín ngưỡng nguyên thủy bản địa, các phong tục, các lĩnh vực văn hóa vật chất, tinh thần của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng, các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nói chung. Tiếp tục công việc của những người đi trước, trong bài viết này, chúng tôi cũng đề cập về motif trên phương diện là những cảm nhận, chia sẻ một khía cạnh trong hệ thống motif đặc thù của loại hình sử thi Tây Nguyên: Motif tái sinh.

2. Các motif chủ yếu trong truyện cổ và sử thi

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Motip (tiếng Pháp: Motif) nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian” [1, tr.197].  

Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Mô típ hay mô-típ (tiếng Anh: Motif) là một công thức có tính ước lệ, biểu trưng nghệ thuật của một cốt truyện và thường được lặp đi, lặp lại ghi nhận những ấn tượng về thực tại đặc biệt mạnh mẽ, quan trọng và lặp lại nhiều lần”.

Từ cách lý giải, lập luận của các nhà nghiên cứu về motif, tìm hiểu sử thi một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy xoay quanh nhân vật trung tâm, bao trùm toàn bộ cuộc đời của các dũng sĩ là hệ thống các motif khác nhau: Motif dũng sĩ diệt ác thú, dũng sĩ cứu người đẹp, motif vũ khí thần kỳ, motif tiếng đàn, motif người mang lốt, motif tài năng thần kỳ,... Những motif này hầu hết có nguồn gốc từ truyện cổ tích, truyền thuyết tạo nên hình tượng nhân vật dũng sĩ kỳ vĩ, hấp dẫn. Sự chuyển hóa, biến đổi các motif cho thấy quá trình chuyển hóa, lồng ghép của các motif với nhau, làm cho hình tượng nhân vật dũng sĩ mang nhiều sắc thái độc đáo, thi vị tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Sau đây chúng tôi phân tích vai trò của motif tái sinh trong việc góp phần khắc họa, làm nổi bật vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh phi thường của hình tượng nhân vật dũng sĩ - nhân vật trung tâm trong loại hình sử thi Tây Nguyên. Những dũng sĩ ấy luôn mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho buôn làng; lập nhiều chiến công, kỳ tích; có phẩm chất, sức mạnh, tài năng siêu phàm, là biểu tượng cho vẻ đẹp toàn mĩ của buôn làng, bộ tộc Tây Nguyên.

3. Motif tái sinh trong truyện cổ và sử thi

Một số truyện cổ của dân tộc thiểu số Tây Nguyên: Cha con Tăm Dông, Kachây Parơgấp (Chu Ru), Chàng Trăng (M’Nông), Dòng sông Đạ Huoai (K’Ho), Tiếng hát của người đá (Ra Glai), Cha con Đăm Bông Pha (Gia Rai), Là và con trăn nước (Xơ Đăng), Chàng Ná (H’rê),… đã xuất hiện motif tái sinh nói về sự sống lại, sự hóa thân hoặc sự đầu thai sang kiếp khác của người dũng sĩ hoặc việc phục sinh cả buôn làng cùng các sinh vật khác…

Motif tái sinh cũng xuất hiện trong các áng sử thi Tây Nguyên như một sự tiếp nối, giao thoa của các thể loại tự sự dân gian. Trong các h’mon Bahnar, người dũng sĩ nhiều lần được tái sinh nhờ thần linh hoặc những phụ nữ lắm tài nhiều phép. Trong sử thi “Giông bọc trứng gà”, nàng Pơ Lao Chuơh Dreng vì mê vẻ đẹp, tài năng của Giông nên muốn lấy chàng làm chồng nhưng Giông không đồng ý. Tức giận, Pơ Lao Chuơh Dreng dùng phép thuật làm cho Giông ốm đau mà chết. Sau đó chính Pơ Lao Chuơh Dreng là người cứu Giông sống lại vì hiểu rằng buôn làng không thể một ngày thiếu vắng dũng sĩ Giông dũng mãnh và đầy khí phách. Ở sử thi “Giông leo mía thần”, nàng Pơ Lao Chuơh Dreng đã dùng thuốc ngải làm cho dũng sĩ Giớ và tất cả người dân nơi buôn làng sống lại, làng mạc bị tàn phá được hồi sinh như cũ.

Trong sử thi “Đam Săn”, dũng sĩ Đam Săn - vị tù trưởng oai hùng, dũng mãnh một mình một ngựa lên trời với khát vọng lấy nữ Thần Mặt Trời làm vợ. Không được nữ thần chấp thuận, chàng quay về và chết trong rừng hoang đất nhão - Rừng Bà Sun Y Rít, nơi tận cùng của đất giáp với trời. Sau đó Đam Săn được đầu thai lại trong bụng chị của chàng tên là Hơ Âng.

Trong sử thi (Akhàt jucar) Ra Glai “Udai-Ujàc”, ở kiếp trước Udai xuất hiện với tư cách dũng sĩ diệt yêu tinh cứu người đẹp thì ở kiếp sau chàng xuất hiện với tên mới Ujàc là dũng sĩ nơi trận mạc giết giặc Cưr, giặc Jawa, giết kẻ ác như vua Thần Lửa để bảo vệ danh dự cho bộ tộc, thiết lập một trật tự xã hội mới trên toàn bộ xứ sở mênh mông, giàu có và tươi đẹp của chàng…

Với dũng sĩ Amã Cuvau VongCơi (sử thi Raglai Amã Cuvau VongCơi) “ẩn thân” là một con trâu đực biết nghe và nói tiếng người nhưng đã giúp vua đánh thắng giặc Cur, giặc Jawa. Khi được kết duyên cùng công chúa con vua, chàng trút bỏ lốt trâu, hóa thân thành tráng sĩ lực lưỡng, vạm vỡ và cường tráng.

Dũng sĩ Cei Balaok Li-u (sử thi Ra Glai Chàng Cei Balaok Li-u) “ẩn thân” trong một trái dừa không có tay chân nhưng nhiều tài phép hơn người. Diệt hết kẻ ác: Vua ác và Chằn Tinh chuyên hút máu, ăn thịt người để bảo vệ cộng đồng, đem lại hào bình, ấm no, yên vui cho muôn dân, chàng nên duyên với con gái vua Chăm. Lúc này, Cei Balaok Li-u hóa thân trở thành chàng trai: Đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú…

4. Kết luận

Motif tái sinh là motif gốc, là cổ mẫu mang tính huyền thoại nhưng được sử thi hóa sâu sắc trong một tầm vóc thật lớn lao: Người dũng sĩ. Motif tái sinh là một trong những đơn vị hạt nhân để tạo nên hành động của nhân vật dũng sĩ, làm cho người dũng sĩ mang màu sắc độc đáo, đầy quyền năng siêu nhiên mà không bất kỳ ai có thể ngang bằng, thay thế, vừa kỳ vĩ vừa đời thường...

Motif tái sinh không thể thiếu trong sử thi Tây Nguyên. Nó thể hiện ý nghĩa nhân sinh cao cả, gắn liền với những tư tưởng, quan niệm về đạo đức, xã hội của con người; trở thành hình ảnh thẩm mĩ tiêu biểu mà bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ, ngợi ca. Sự hóa thân hay tái sinh của nhân vật trong tác phẩm phản ánh quan niệm của Nhân dân về chân lý vững bền của cái thiện, cái thiện sẽ tồn tại mãi mãi, cái ác tất yếu sẽ bị tiêu diệt. Motif tái sinh trong các sử thi Ba Na, Ra Glai, Ê Đê… hàm chứa những đặc trưng, ý nghĩa độc đáo, góp phần tạo nên đường viền hào quang lấp lánh xung quanh nhân vật dũng sĩ làm cho người dũng sĩ mang màu sắc thần linh, huyền thoại. Nhân vật dũng sĩ luôn bất tử và “đi” hết tác phẩm này đến tác phẩm khác để thực hiện sứ mệnh của cộng đồng.

Motif tái sinh trong sử thi không chỉ khẳng định sự bất tử của các dũng sĩ mà còn cho thấy cuộc chiến của các dũng sĩ với những kẻ ác độc rất gay go, quyết liệt. Dũng sĩ phải sống, phải tồn tại, phải chiến đấu tới cùng để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: Diệt ác, cứu người. Người Ba Na, Ê Đê, Ra Glai… tin rằng các dũng sĩ thuộc dòng dõi thần linh, sinh trưởng kỳ lạ… luôn bất tử. Thậm chí, trong các cuộc giao chiến với kẻ ác, ác thú, hung thần, họ không bị thương, nếu bị thương cũng có thuốc thần để chữa khỏi hoặc tự lành.

Nhân vật dũng sĩ không chết khi kết thúc tác phẩm mà tiếp tục hóa thân, tái sinh, đầu thai vào kiếp sau, “đi" hết tác phẩm này đến tác phẩm khác để thực hiện liên tục các sứ mệnh mà cộng đồng giao phó. Motif tái sinh thể hiện niềm tin mãnh liệt của người Tây Nguyên: Những dũng sĩ luôn bất tử để bảo vệ cộng đồng hùng mạnh, thịnh vượng và yên vui.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày sơ bộ và ngắn gọn về motif và sự nghiên cứu motif, các motif chủ yếu trong sử thi và truyện cổ có nhân vật dũng sĩ và đi sâu ít nhiều về motif “tái sinh” trong sử thi và truyện cổ một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.

2. Phan Thị Hồng, Mối quan hệ giữa sử thi Tây Nguyên với truyện cổ tích, truyền thuyết thông qua motif”, Thông báo Khoa học /2008, tr.260-269, Trường Đại học Đà Lạt.

3. Lê Hồng Phong, “Truyện cổ Tây Nguyên và truyện cổ Đông Nam Á một số motif chung”, Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, Tập 6, Số 1.2016, tr. 50-60.

4. Sakaya (Chủ biên) (2018), Chàng Kei Kamao & Cei Balaok Li-u, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

5. Sử thi Đam Săn (1988), Nxb KHXH, Hà Nội; Sử thi Udai - Ujàc (2004), Nxb KHXH, Hà Nội; Sử thi Giông leo mía thần (2006), Nxb KHXH, Hà Nội; Sử thi Giông bọc trứng gà (2007), Nxb KHXH; Sử thi Amã Cuvau VongCơi (2007), Nxb KHXH, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Thanh Trâm, “Biên soạn từ điển motif thần thoại Việt Nam theo phương pháp từ điển của Stith Thompson”, Tạp chí Khoa học, Tập 45, Số 2B/2016, tr.64-70.

Motif tái sinh trong sử thi Tây Nguyên