Tính toàn diện về giá trị cộng đồng của văn hóa dân tộc bản địa
PHAN TĨNH XUYÊN
Văn hóa (VH) bản địa của các sắc tộc là những dòng chảy lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó làm nên dòng VH chủ lưu của một dân tộc - quốc gia. Văn hóa là cội rễ của dân tộc nói riêng (như là sắc tộc) và nói chung (đại diện một quốc gia). “Cốt lõi của sức sống dân tộc là VH với nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống chính trị: Tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự hấp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1994, tr. 16). Vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản VH của các dân tộc là tất yếu. Tháng 12-1994, Hội nghị lần thứ VIII của UBQG về Thập kỷ Quốc tế phát triển VH của Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chủ trì, đã tập trung thảo luận chủ đề Bảo vệ và phát huy di sản VH Việt Nam, đặc biệt là di sản VH phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay thẳng thắn nói rằng vẫn những khoảng trống, khoảng mờ nhạt trong các biện pháp, giải pháp để bảo tồn và phát huy di sản VH nói chung và VH dân tộc bản địa nói riêng.
Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể văn hóa
Để nhận thức rõ vấn đề, cần thiết dẫn một vài điểm tựa khoa học quan trọng và gần gũi. Chúng tôi không bàn rộng đến định nghĩa VH, bởi ngay từ năm 1952, hai nhà dân tộc học Mỹlà A.L. Kroibơ (Kroeber) và C.L. Klúchôn (Kluckhohn) đã trích lục được trên dưới 300 định nghĩa của các tác giả nhiều nước (dẫn theo PGS Nguyễn Từ Chi - từ định nghĩa của VH trong cuốn Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb KHXH, H. 1996, tr.53). Trong công trình Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, (Nxb Văn hóa thông tin, H. 1993), PGS Phan Ngọc khẳng định: “Không có cái vật chất gì gọi là VH cả và ngược lại bất kỳ vật gì cũng có cái mặt VH. Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét khác biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền VH khác nhau là độ khúc xạ” (tr.24). Còn GS Trần Quốc Vượng, với vai trò chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, (Nxb Giáo dục, H.2002) cho rằng: “Con người một mặt sáng tạo ra VH (nghĩa vụ), mặt khác con người là đối tượng của VH (quyền lợi - văn hóa vì con người)”, tr.13. Nghĩa là quan hệ giữa con người và VH bộc lộ ở khía cạnh quan trọng: Là tư cách chủ thể sáng tạo (của VH); là sản phẩm của VH và là đại biểu mang giá trị VH do con người sáng tạo ra. Con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của VH. Trên cơ sở phân tích các định nghĩa VH, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã nêu bật 4 đặc trưng quan trọng của VH, gồm tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử và tính nhân sinh: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM, 1995, tr.27)..
Văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng
Nếu không tính đến giao thoa giữa các vùng đệm thuộc sườn phía Tây dãy Trường Sơn thì tỉnh Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh thuộc VH vùng Tây Nguyên “đậm chất”. Dân cư bản địa khu vực Tây Nguyên gồm các dân tộc thiểu số chủ yếu là Ba Na, Jrai, Ê Đê, K’Ho, Mạ, Chu Ru, Xơ Đăng, M’Nông..., chiếm khoảng 25% tổng dân số khu vực. Tiêu chí xác định thành phần tộc người này căn cứ các mặt: Sự cộng đồng về ngôn ngữ; có các đặc điểm chung về sinh hoạt - văn hóa; có ý thức tự giác tộc người (Lê Sĩ Giáo và các cộng sự - Dân tộc học đại cương, Nxb Giáo dục, H. 1999, tr.137). Đối với tỉnh Lâm Đồng, số liệu cuối năm 2018 do ông Bon Yo Soan - Phó ban Dân tộc tỉnh cung cấp cho chúng tôi là: Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung 70.656 hộ với 314.104 nhân khẩu; chiếm tỉ lệ 24,03%. Trong đó, dân tộc bản địa Tây Nguyên có số lượng lớn nhất, gồm: K’Ho 12%; Mạ 2,5% (hai dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khmer) và Chu Ru 1,5%; (ngữ hệ Malayô-Pôlinêdiêng).
Về đặc điểm VH bản địa vùng, Lâm Đồng cũng như 4 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, do chi phối vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan, khái niệm “văn hóa dân tộc”, theo GS Trần Quốc Vượng, “thực chất là VH dân gian Tây Nguyên có mặt trong mọi hoạt động của con người với những mật độ thưa, mau tùy theo từng thời gian trong năm” (sđd, tr. 254). Những biểu hiện đó là qua lễ cầu an cho đời sống nói chung của con người và những gì liên quan đến đời sống như cây trồng, vật nuôi, đồ dùng, phương tiện, sông, núi, vườn, rẫy… theo hướng “siêu nhiên hóa”. Cùng đó là những nghi lễ ăn mừng với sự kiện của vòng đời người như sinh ra, trưởng thành, cưới xin, mất đi…; hay vòng đời của cây trồng, của vật nuôi như gieo trồng, thu hoạch mùa màng… Phương tiện được chuyển tải trong nghi lễ bao gồm cả biểu tượng tinh thần (VH phi vật thể): Dân ca, dân vũ…; những sản vật (VH vật thể) như rượu cần, chóe, các loại nhạc cụ, thổ cẩm, cây nêu, nhà sàn, nhà rông, nhà cúng…; các nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm gốm, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ…; và nhiều sản phẩm của nông nghiệp. Trong đó đặc biệt tinh hoa của VH được thể hiện qua chiêng và không gian sinh tồn của hoạt động cồng chiêng. Chiêng và những thể hiện từ nó, đóng vai trò chủ đạo như là một ngôn ngữ để con người trò chuyện, tâm giao với thiên nhiên; gắn kết “đời người dài theo tiếng chiêng”. Với đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên, hiện thực và huyền thoại đan xen, hòa quyện. Thú vị và tiềm tàng bởi đây là “chất liệu” của VH, nó đẩy cuộc sống lên ở tính bay bổng, tính lãng mạn; lại vừa đạt đến cấp độ của tính bền vững, trên nền của niềm tin tưởng và trong mối quan hệ tương tác, bình đẳng giữa con người với môi trường. Chính cái chất hoang sơ, huyền thoại, cổ truyền này làm nên giá trị của VH, đó là phẩm chất “bản thiện”, khi nó “chưa bị tha hóa” (K.Mác). Đấy cũng là “mảnh đất” tươi tốt tạo nên tố chất nghệ sĩ, tiềm năng sáng tạo về cái đẹp đa dạng và phong phú của con người Tây Nguyên với tư cách là chủ thể VH. Chúng tôi dừng lại vài nét chấm phá mang tính phác họa như trên để đi đến kết luận quan trọng của GS Trần Quốc Vượng, khơi dòng nhiều gợi ý tưởng thú vị và rộng lớn cho giới nghiên cứu: “Đến Tây Nguyên ít nhiều có cảm giác như đang sống trong không gian VH Đông Sơn vậy. Vùng VH Tây Nguyên hay còn có thể gọi là vùng hậu duệ rõ nét nhất của VH Đông Sơn ở Việt Nam” (sđd, tr. 265).
Khôi phục và bảo tồn không chỉ dựa vào chủ thể văn hóa
Hiểu ngắn gọn về khái niệm “khôi phục” và “bảo tồn” là hai quá trình diễn tiến cái có trước cái có sau: “Thâu phục được cái đã mất” (khôi phục) và “giữ gìn” (bảo tồn) - Nguyễn Văn Khôn - Hán-Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn. 1960. Cả hai nhiệm vụ đều khó khăn, đặc biệt là địa hạt “giá trị VH bản địa”. Bởi như nêu ở trên, một lúc phải đạt được cả 4 đặc trưng cơ bản của VH: Hệ thống, giá trị, lịch sử, nhân sinh. Chúng tôi nhấn mạnh, muốn “khôi phục” và “bảo tồn” thì giải pháp của mọi giải pháp là đồng thời đáp ứng được nhu cầu - nghĩa vụ và đối tượng - quyền lợi của chủ thể VH. “Khôi phục” và “bảo tồn” đều mục tiêu đi đến sự “phục hưng”. Vì thế, “thâu phục được cái đã mất” đã khó, “giữ gìn” nó được lâu dài, bền vững càng khó.
Trong thực tiễn, không ít giá trị VH bản địa đã mai một, thậm chí sai lệch. Nguyên nhân do cả chủ quan và khách quan như: Thời gian, không gian, tác động mặt tiêu cực của giao thoa, của tiếp biến; nhu cầu và năng lực thẩm mĩ… Vì vậy, theo chúng tôi điều cần trước tiên không phải là chủ thể - đối tượng của VH, mà là những tác động từ bên ngoài. Bởi “trong khối người (các sắc tộc bản địa - PTX) mà mới nhìn qua thấy có một sự thuần khiết về hình thức và trình độ khai hóa đó, lại có nhiều sự khác biệt phức tạp về ngôn ngữ, tập quán, tính tình” (Cửu Long Giang - Toan Ánh, Cao nguyên miền Thượng, Sài Gòn, 1974, tr.205). Việc “phục hồi” và “bảo tồn” trước hết phải nắm vững những đặc trưng của những “hạt” và “vỉa” VH tương đồng cũng như dị biệt của từng VH bản địa mỗi sắc tộc. Nó thể hiện ở các mặt: Sản xuất nông nghiệp; cư trú; giao thông; chế độ xã hội; tôn giáo; văn học dân gian; VH khảo cổ… Có vậy thì mới đưa ra những tiêu chí phù hợp để cái gì cần “thâu phục” khi nó đã và đang “mất”, cái gì phải “giữ gìn” khi nó đang mai một, sai lệch. Nghĩa là phải chọn lựa khoa học và chính từ thực thể nội tại.
Bảo tồn và phát triển VH dân tộc nói chung, dân tộc bản địa nói riêng, cần nhận thức dứt khoát, đây là hai nhiệm vụ nối tiếp nhau. Bảo tồn VH dân tộc là làm cho nó lớn mạnh, giàu lên, thông qua nảy sinh những yếu tố mới, lúc này nó đã đạt tới ý nghĩa “phục hưng” như đã nêu. Dĩ nhiên, tính “xê dịch” đối tượng VH vẫn phải tôn trọng những cái vốn tinh hoa của nó. Lúc này tính xã hội hóa, cộng đồng hóa trong công cuộc “khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống VH của các dân tộc bản địa” trở thành “đơn hàng” quan trọng và tất yếu. Trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng mới là trở về bản chất của VH dân tộc bản địa.
Khi đã có những lựa chọn chính xác, xác đáng, thì quá trình “khôi phục” và “bảo tồn” cần triển khai nhiều biện pháp. Đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức “khôi phục” và “giữ gìn” những tinh hoa của VH; là trao truyền kỹ năng cho chủ thể sáng tạo VH; là tập huấn năng lực tiếp cận, khai thác, xử lý, những chính sách động viên, khích lệ niềm đam mê về VH dân tộc… Đối với đội ngũ làm công tác VH, đến đây đã cho thấy điều kiện có tính tiên quyết, đó chính là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các Ban, ngành, các địa phương liên quan. Việc vào cuộc bằng các hành động đồng hành và hỗ trợ đắc lực từ cơ chế, chính sách, tài chính đến hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, bảo tàng vô cùng quan trọng, có tính quy định của vấn đề khôi phục và bảo tồn gái trị VH. Tuy Nhà nước không làm hộ cho người dân, nhưng Nhà nước đóng vài trò “bà đỡ” cực kỳ quan trọng để giải bài toán “có thực mới vực được đạo”. Mặt khác, vai trò Nhà nước còn ở chỗ, định hướng cho dòng VH chảy đúng trong quá trình hội nhập, dĩ nhiên không phải là những hành động thô bạo theo kiểu “nắn dòng” áp đặt, mà là ở chỗ: Gạn đục, khơi trong, tiếp sức để phát huy những tinh túy để dòng VH đó gia tăng về mức độ của “thủy lực”.
Vì khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ nêu vấn đề vỡ vạc và gợi mở. Nhưng những vấn đề này không chỉ là lý luận mà đã kiểm chứng từ thực tiễn hàng chục năm nay qua những chuyến điền dã tại nhiều địa bàn của tỉnh Lâm Đồng. Quá trình đó, chúng tôi vinh dự được trực tiếp chứng kiến, ghi nhận những “hạt sáng lấp lánh” của VH các dân tộc ít người gốc Nam Tây Nguyên; dĩ nhiên, nó cũng đã và đang mai một, phai nhạt, thậm chí xê dịch tiêu cực như đã nêu. Những địa chỉ mà chúng tôi đã qua, đó là: Nghề dệt thổ cẩm ở thôn Bun Go, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên; thôn Đạ Nha, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh; thôn Đam Pao xã Đạ Đơn, huyện Lâm Hà; thôn 1, xã Đưng K’Nớ huyện Lạc Dương… Đó là những nghệ nhân folklore (VH dân gian) tại các xã Lạc Lâm, Tu Tra, P’róh, huyện Đơn Dương; xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên; các xã Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tân Thượng, huyện Di Linh; các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm; các xã Tà Năng, Ninh Loan, huyện Đức Trọng; các xã Đưng K’Nớ, Đạ Nhim, huyện Lạc Dương… Trong số đó, cũng có những nơi đã và đang có những hành động để “khôi phục” và “bảo tồn” những nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa Lâm Đồng, như làm đồ gốm, nhẫn bạc, khèn M’buốt ở Đơn Dương; dệt thổ cẩm ở Cát Tiên, Lạc Dương, Lâm Hà; đan gùi hoa ở Di Linh hay nhiều địa bàn khác. Và đó đặc biệt là đã và đang tổ chức hành động trao truyền âm nhạc Tây Nguyên, trong đó chủ yếu là VH chiêng và một phần VH về dân vũ…
Cuối tháng 7 năm 2018, tại “Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản VH Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ VH-TT&DL tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được, nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Bởi đó là báu vật, hoặc do thiên nhiên ban tặng, hoặc là sự kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Người đứng đầu Chính phủ đã đặt trách nhiệm đến mọi ngành, mọi cấp và cả cộng đồng hôm nay với một tinh thần quyết liệt rằng: “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”.
Ở Lâm Đồng, thời gian qua đã có những chuyển biến trong công cuộc khôi phục và giữ gìn bản sắc VH dân tộc bản địa trên địa bàn. (Ví dụ từ năm 2009 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã mở hơn 50 lớp dạy cồng chiêng cho khoảng 1.200 người thuộc các dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru; khảo cứu và sưu tầm được khá nhiều hiện vật để bảo tồn, bảo tàng; hỗ trợ một phần phát triển nghề thổ cẩm, phục dựng một vài lễ hội…). Đáng vui hơn năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian VH cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây vẫn là những bước đi ban đầu, chưa xứng tầm với những giá trị thực của VH dân tộc bản địa. Phía trước đang là chặng đường dài, rất dài, mới khả dĩ mục tiêu khôi phục và bảo tồn như mong muốn. Hy vọng sau Hội thảo khoa học “Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng” do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng tổ chức vào cuối tháng 6-2019 Lâm Đồng sẽ có những chương trình, kế hoạch hành động mạnh mẽ, quyết liệt và bài bản về Công cuộc khôi phục và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc bản địa Lâm Đồng. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, chắc chắn ngày càng phải đối diện với nhiều khó khăn hơn, nhưng không thể không làm./.