Bakas Mulani
VYANKATESH MADGULKAR (Ấn Độ)
Vyankatesh Madgulkar sinh năm 1927 ở Maharashtra, Ấn Độ. Ông sống thời thơ ấu giữa cần lao ở nông thôn. Năm 1948, ông chuyển tới Bombay và vào nghề viết. Sau đó ông làm giám đốc điều hành Đài All India. Ông đã in mười tập truyện ngắn và năm cuốn tiểu thuyết cũng như nhiều kịch bản, du ký... Ông được trao Giải thưởng Văn học danh giá nhất Ấn Độ là Giải The Sahitya Akademi.
Thị trấn nằm cách làng tôi chừng năm, sáu dặm. Tôi đoán vậy vì đường đến thị trấn không có bảng chỉ đường cũng như không có cột mốc cây số. Đường đi thì gồ ghề, không thích hợp cho xe có động cơ. Đất trong vùng cằn cỗi, chỉ có cây bụi. Trên chặng đường năm dặm đó, bạn chẳng thể tìm được nước để làm dịu cơn khát. Hầu như không có bóng mát của cây cối. Chỉ có vài loại cây bụi thấp như cây nepati và fer. Vào buổi trưa không có một bóng người trên đường. Thi thoảng, có một người chăn cừu và những con cừu đang cúi đầu gặm cỏ, nhưng nói chung đó là vùng đất hoang vắng. Người qua đường bước đi như một bóng ma. Tôi thường đi về trong bụi đỏ dưới ánh mặt trời chói chang. Sau khi đi ra khỏi làng, tôi đùa giỡn với các ý tưởng mới nảy sinh trong tôi và bước đi cùng với nhịp điệu của nó. Nhiều cốt truyện của các truyện ngắn của tôi hình thành trong các lần đi lại như thế. Như bị hôn mê, tôi không biết tôi đã đi đến Mulanaki tự lúc nào sau ba giờ đi bộ. Tôi vui sau mỗi lần đi đến Mulanaki, nó có nghĩa là bốn mảnh đất của dòng họ Mulanis. Bốn mảnh đất này trông như bốn đốm đen bên đường đi. Dòng suối chảy ngang qua chúng luôn khô cạn nước. Trên hai bờ của dòng suối chỉ có năm ba cây karanja, cây neem và các khu rừng cây nirdudi và tarvad nhỏ. Khi đi đến đó, tôi thường ngồi dưới bóng của chúng để lau mồ hôi và thư giãn. Biết rằng làng chỉ còn cách một dặm rưỡi nữa thôi làm tôi thấy nhẹ nhõm.
Địa điểm bên dòng suối ấy là nơi tôi quen biết Bakas.
Một ngày nắng gắt nọ, tôi đến đó và ngồi dưới gốc cây karanja, người mệt mỏi và tứa mồ hôi. Không có ai xung quanh còn cánh đồng thì cũng bị bỏ hoang, ngồi dưới bóng cây, tôi thấy thích thú. Tôi nằm xuống và nhìn quanh. Lúc đó, Bakas xuất hiện sau khi đi xuống con dốc phía bên kia. Cậu lòng khòng đi về phía tôi, chân mang đôi dép rẻ tiền làm bằng lốp xe tải. Cậu cười thân mật, như thể cậu đã biết tôi từ lâu. Cậu bước vào bóng cây và nói với tôi: “Nóng quá phải không? Trời này chắc chắn làm người ta khổ sở”.
Kéo cái quần tây rách tươm ở hai đầu gối lên, cậu ngồi xuống trên cát. Tôi thi thoảng gặp cậu ở làng, ở Mulanaki hoặc trên đường, nhưng chúng tôi không quen biết nhau. Cậu có lẽ đã hai mươi hoặc hai hai tuổi nhưng cậu nói năng như trẻ thơ, khuôn mặt cũng vậy, giống khuôn mặt một đứa trẻ. Nghe cậu cười và thấy cậu đảo mắt, tôi có cảm giác cậu có phần bị lừng khừng, không bình thường.
“Tại sao anh lại đi trong nắng gắt thế này? Nhưng người ta phải đi khi có việc cần gấp. Thật vô ích khi phàn nàn với ông trời, phải không?”. Cậu nói nhanh và ngọng nghịu. Hỏi và tự trả lời là thói quen của cậu.
“Nếu anh đi bằng xe đạp, giờ chắc anh đã về tới làng. Anh có xe đạp không? C bị hư thì phỏng có ích gì. Em nói đúng không?”.
Tôi không nói gì, chỉ nhìn khuôn mặt đen đúa do nắng, nhìn chòm râu màu hung dưới cằm, nhìn cái áo rách và cái quần tây có nhiều mảnh vá và sờn mòn của cậu. Để trả lời câu hỏi: “Em nói có đúng không?”, tôi gật đầu cười. Gương mặt cậu sáng lên. Cậu cười, chắc rằng mình có thể hiểu người khác và làm người khác tin vào mình. Với cái nhìn rụt rè, cậu quay mắt đi chỗ khác.
“Em tên gì?”. Tôi hỏi cậu.
“Người ta gọi em là Alabaksha”.
“Alabaksha...? Em là con ai? Con bác Tamboli?”.
“Không phải. Em là Mulani, con trai ông Babalah Mulani. Anh biết ông ấy không? Chắc anh không biết. Mà biết để làm gì? Ông ấy đã mất nhiều năm rồi. Mẹ em cũng đã qua đời. Mẹ em rất tốt. Bà thường nói, “Bakas là đứa con trai yêu quý của tôi”. Mẹ cũng nói với em, “Mẹ muốn thấy con có vợ”. Bà rất tốt nhưng cũng đã chết rồi”.
“Em có bà con gì không? Em đang sống với ai?”.
“Em có một ông chú. Ổng là thợ nề. Em sống ở nhà ổng. Cánh đồng này là của ổng... Cừu này cũng là của ổng. Em chăn chúng. Thím em không quan tâm gì mấy tới em. Bà gọi em là đồ lừng khừng, bất bình thường. Em có lừng khừng không? Có bất bình thường không?”.
“Không. Em nói chuyện như một người đàn ông khôn ngoan”.
“Chú em cũng kêu em là đồ không bình thường. Bọn trẻ trong làng gọi em là “Bakas khùng”. Thím em bỏ mặc em, không cho khăn quấn brahari. Thím còn muốn em chết đói. Thím nói với em, “Sao mày không chết quách đi? Tại sao mày cứ làm gánh nặng cho tụi tao? Chết thế nào đây? Làm sao chết được?”.
“Chỉ có một mình em chăn bầy cừu này sao?”.
“Dạ, chỉ mình em. Em đi từ sáng sớm, mang theo cơm. Sau khi mặt trời lặn và đàn cừu đã ăn no, em lùa về nhà. Chú em nói, “Mày là của nợ. Tốt nhất là mày nên chết đi”. Nói cho em biết, em có phải là của nợ không? Cả ngày em ở trên các cánh đồng. Đêm xuống em nằm ở nhà dưới, thậm chí có khi...”.
Tôi lắng nghe những gì Bakas “khùng” nói. Rất khó cho tôi để trả lời các câu hỏi của cậu. Tôi nói, “Không đúng. Họ không nên nói vậy”.
Bakas cười. Cậu đảo mắt và vội đứng dậy nói, “Cừu em sắp đi lạc rồi”. Cậu ấn mũ lên đầu, bước lạc xạc đôi dép làm bằng lốp xe rồi chạy mất hút qua bên kia con dốc.
Tôi có mấy lần nữa gặp cậu. Một lần khi từ làng đi ra các cánh đồng, tôi gặp cậu. Đầu cậu quấn cả đống vải. Một tay cậu cầm ly uống nước, tay kia cầm rìu để chặt các nhánh cây nhỏ. Bakas bước lê trong nắng nóng và tìm đường đi ngang qua đàn cừu của mình. Nếu thấy tôi, cậu thi thoảng cười chào, thi thoảng dừng lại nói vài lời, “Thầy giáo bị trễ rồi. Mặt trời đã quá đỉnh đầu”. Thảng hoặc, cậu đưa tôi vào chỗ có bóng cây, bảo tôi ngồi xuống và than vãn về những khổ đau của mình khi phải sống với chú thím. Lần nào cậu cũng nói một điều, “Thím em không quan tâm đến em, không cho em khăn quấn bhakari. Chú em kêu em là đồ khùng”.
Sau đó tôi biết là cậu chỉ nói như thế với bất kỳ ai cậu gặp. Cậu nói những khổ đau của mình cho những ai không chọc ghẹo cậu. Có lẽ nỗi đau này quá lớn. Thi thoảng vào giờ mặt trời lặn, tôi và Bakas cùng đi về. Nhờ đó, tôi vừa đi với cậu về làng vừa trò chuyện. Tôi hiếm khi thấy các cuộc trò chuyện giữa tôi và cậu là thú vị. Nhưng tôi thích nói một hai câu để an ủi cậu. Dù cậu nói chuyện khá buồn cười nhưng tôi thấy xúc động sâu thẳm.
Khi tôi nói đùa, “Bakas, khi nào em lấy vợ? Đừng chần chừ nữa, lấy vợ đi!”, cậu tỏ ra rụt rè, xấu hổ. Lấy tay cào chòm râu và mắt nhìn xuống đất, cậu nói, “Làm sao mà một người nghèo như em lại có thể có vợ được? Tiền đâu ra để làm đám cưới? Làm sao để nuôi vợ? Tìm ở đâu ra tiền để mua áo sari và áo choli cho cô ấy?”. Khi vui, cậu ta sẽ nói, “Thầy giáo à, em sắp có vợ. Sẽ làm đám cưới to. Giết mười con dê đực. Không, không cần nhiều như vậy đâu. Hai, ba con là đủ. Thầy giáo có đến dự tiệc cưới không? Không, thầy sẽ không dự vì thầy thuộc đẳng cấp Bàlamôn”. Nói rồi cậu cười lớn.
Vào mùa cày đất, tôi thấy cậu cày với chú mình, miệng kêu “da da” để điều khiển bò. Khi gieo hạt, người ta thấy cậu cầm cả nắm tay hạt giống để gieo. Các nhành kê mau chóng làm cho các mảnh đất nhìn như các đốm đen của dòng họ Mulanis trở thành màu xanh. Bông nhú lên từ túi nang rậm lá rồi nhanh chóng nở ra thành màu tím. Khi hạt kê chín dần, Bakas dựng bù nhìn và đuổi chim. Thi thoảng tôi nghe tiếng cậu thét. Vào vụ thu hoạch, một túp lều nhỏ xuất hiện ở Mulaniki, Bakas bị công việc đè nặng.
Một lần nọ, tôi tạt qua túp lều ấy. Tôi nghe cậu nói “Này em, hãy lắng nghe tôi. Đừng cư xử như vậy. Hãy nhìn tôi”. Khi tới gần tôi mới biết là cậu đang trò chuyện và vuốt ve một con dê cái.
Cậu bối rối chào tôi.
Thấy có một cái mền màu đen, một cây đèn bão và một cái chén uống nước trong túp lều nên tôi hỏi, “Cậu ở lại đây cả đêm sao?”.
“Dạ đúng, em ở trông coi kê. Em có bạn là bò và cừu”.
“Cậu không sợ sao?”.
“Sao phải sợ? Có ai ăn thịt mình đâu. Nếu em bị ăn thịt thì đó là điều may mắn cho em”.
Cậu trở nên buồn bã và nói “Coi ngó kê khổ lắm, nhưng em không có quyền gì, kể cả đối với một nắm bông kê chín. Em làm không công”.
Bakas phải gặt, đập kê rồi đánh xe bò chở kê về làng. Cậu làm việc đầu tắt mặt tối. Chú cậu khai thác cậu vì cho cậu bị khùng.
Vài ngày sau, tôi gặp lại Bakas ở Mulanaki. Cậu ngồi trên cát, không làm gì, chỉ nhìn quanh. Tôi nồng ấm chào cậu. Nhưng cậu không cười cũng không nói gì. Khi tôi xích lại gần, cậu quay mặt đi. Cởi áo của mình ra, cậu cho tôi xem lưng và nói, “Thấy chưa”. Có bảy, tám vết phỏng trên lưng cậu. Mỗi vết màu đen xanh này không nhỏ hơn đầu mút ngón tay.
“Sao vậy?”.
“Chú em đã đóng lưỡi cuốc nung nóng vào lưng em. Người ta nói làm như vậy thì sẽ chữa được bệnh khùng. Nhưng em có khùng không?”, cậu hỏi tôi, môi trề xuống, hai mắt chan chứa nước./.
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG (Khánh Hòa)
Dịch từ Indian Short Stories 1900 - 2000,
E.V. Ramakrishnann biên soạn, Sahitya Akademi, 2000.