Vê-tu-ri - bà mẹ vĩ đại đã cứu thành La Mã
NGUYỄN TIẾN QUỲNH
Cô-ri-ô-lan là một dũng tướng La Mã thời cổ đại (thế kỷ V- trước CN). Đầy nghị lực, can đảm, quả quyết, thông minh, Cô-ri-ô-lan trong hai chục năm trời đánh Đông dẹp Bắc, giữ yên bờ cõi La Mã, trở thành tướng vô địch. Lòng khát khao chiến công ở chàng quả rất lớn, song lòng hiếu thảo của chàng lại càng lớn hơn. Cô-ri-ô-lan, mồ côi cha từ ngày còn nhỏ tuổi, nhờ ơn bà mẹ nuôi dưỡng dạy bảo nên người, nên chàng rất yêu quý mẹ. Đến khi đã có gia đình riêng, có vợ có con mà đối với mẹ chàng vẫn một lòng kính nể. Lần đó, chàng chỉ có một toán quân nhỏ mà hạ được thành Côriôlơ, kinh đô xứ Vônxcơ (Volsques) là quốc gia hay gây hấn với La Mã. Chính do chiến công này mà dân La Mã gọi chàng là Cô-ri-ô-lan. Nhiếp chính quan La Mã thưởng cho chàng một khoản tiền chiến lợi phẩm và một con ngựa. Chàng từ chối tiền vì coi chiến công của mình là nghĩa vụ với Tổ quốc La Mã. Chàng chỉ nhận con ngựa và nói là để có thể phi nhanh nhất về gặp mẹ.
Nhưng Cô-ri-ô-lan dần dần mang tính kiêu căng và quá nghiêm khắc nên Nhân dân mất lòng tin yêu. Sau họ không bầu chàng làm Nhiếp chính quan (chàng hy vọng là trúng cử) mà còn đồng thanh trục xuất chàng ra khỏi nước. Ôm mối hận, Cô-ri-ô-lan mất cả sáng suốt, liền theo người Volsques. Tuy đã bị Cô-ri-ô-lan giáng cho nhiều đòn nhừ tử, nay chàng cắp giáo qui phục thì người Vônxcơ rất mừng, phong ngay làm Tổng chỉ huy quân đội và cử đi đánh lại La Mã. Thế là chỉ vài trận đánh, Cô-ri-ô-lan tiến ngay đến cửa thành nước này: Dân trong thành nháo nhác, cử hết đoàn này đến đoàn nọ ra thuyết phục Cô-ri-ô-lan lui quân, hứa sẽ khôi phục lại mọi quyền chức cho chàng. Nhưng Cô-ri-ô-lan vẫn không nguôi hận, ra lệnh là nội nhật ngày mai người La Mã phải trả tất cả đất đai cho người Vônxcơ, nếu không chàng sẽ thúc quân triệt hạ thành phố.
Cả thành phố được tin này, rất đau buồn. Rồi họ kéo vào đền thờ cầu thần linh. Bỗng một người đàn bà như được thần nhập lên tiếng nói lớn: “Hãy đến nhà bà Vêturi”. Mọi người như tỉnh ngộ, la hét, kéo đến nhà bà Vê-tu-ri. Bà chính là mẹ của Cô-ri-ô-lan. Hiểu ngay câu chuyện, bà Vê-tu-ri dắt con dâu, cháu nội và một đoàn là các bà mẹ, bà chị tiến tới doanh trại của con trai. Cô-ri-ô-lan đang bàn việc cùng các tướng tá người Volsques, thấy mẹ và vợ con tới, bèn giải tán cuộc họp, chạy ra đón. Bà Vê-tu-ri liền nói với Cô-ri-ô-lan:
- Mẹ, vợ con của con, cùng các cô bác trong thành La Mã, phải mặc áo nguyện để đến với con không phải là chuyện thường mà là cầu khẩn con nghĩ lại. Đáng lẽ mẹ cầu thần linh nhưng mẹ không làm mà mẹ sang đây cầu con. Vì nếu cầu thần linh thì không lẽ lại đạt cả hai đường, vì chỉ có một là hoặc La Mã thắng, con thua; hoặc con thắng, La Mã thua. Mà mẹ thì chẳng lẽ lại mong cho quân ta thắng được con bởi như vậy mẹ mất đứa con duy nhất; và chẳng lẽ mẹ lại mong con thắng quân ta bởi như vậy mẹ mất Tổ quốc. Chỉ có một cách đến khẩn cầu con, nếu con không chịu lui binh thì mẹ cũng còn có cách để không mất hai của quý nói trên: Mẹ sẽ tự tử chết ngay ở cổng thành để khi con kéo quân vào, con sẽ được giẫm lên xác mẹ.
Trong lúc người mẹ nói, Cô-ri-ô-lan ngồi yên lặng. Khi người mẹ nói dứt lời, chàng cũng không lên tiếng. Bà Vê-tu-ri nói tiếp:
- Sao con không nói gì. Vậy ra cơn giận dữ vẫn vò xé lòng con ư? Mẹ đến đây van cầu, con cũng bỏ ngoài tai sao? Con nghĩ lại xem, một đằng cứ giữ mãi hờn oán vì một sự đối xử lầm lỡ, một đằng vì tình mẹ sinh thành mà dẹp cơn tức giận. Đằng nào là lớn hơn? Con ơi, mẹ nghĩ đất nước có xử tệ với con, nhưng con cũng đã trả thù khá sâu cay, còn công mẹ sinh thành thì con chưa hề báo đáp. Đối với con, chữ hiếu không phải là một lời nói rỗng, vô nghĩa thì con phải quyết định đi. Vi bằng mẹ đã nhiều tủi hổ với đồng bào lại thêm nỗi nhục khuyên con không đắt thì mẹ chẳng tiếc gì thân già! Lời bà vừa dứt, Cô-ri-ô-lan chạy tới ôm lấy mẹ, nói:
- Thắng được con, chỉ có mẹ mà thôi!
Sau đó Cô-ri-ô-lan giải vây cho La Mã, kéo quân về chấm dứt chiến chinh./.