Tiền lương

TAP CHÍ LANGBIAN|3/23/2022 9:53:00 AM

Tiền lương

                  Truyện ngắn: HAMED ALIPOUR (Afghanistan)

 

Có trời chứng giám, có lẽ mỗi ngày tôi lui tới trong nhà hàng này hơn cả ngàn lần. Mỗi lần đi như vậy tôi mang theo một cái xô nhựa rỗng, dọn các đĩa với thức ăn còn thừa lại, tách cà phê, ly nước và rượu cùng hàng trăm loại thức uống khác. Công việc của tôi ở nhà hàng là rửa chén và dọn vệ sinh bàn.

Điều đáng nói là tôi xuất thân từ một nền văn hóa, ở đó người đàn ông không kiếm được nhiều tiền bằng việc nấu ăn và dọn vệ sinh, nhưng lại tồn tại ở đây bằng cách nấu ăn và dọn vệ sinh chén bát. Không có công việc này, chắc tôi sẽ không có gì.

Không tính đến ông chủ nhà hàng là người có mặt ở đây từ lúc mở cửa đến lúc đóng cửa, có bảy người làm việc trong gian phục vụ khách: Đen, trắng, Tàu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Iran và Afghan. Trong nhà bếp, là nơi tôi làm việc nhiều nhất, có ông bếp, bếp phó và tôi. Tiếng động của xoong và chảo, tiếng nồi súp đang nấu, tiếng nước chảy xuống bồn trộn lẫn với nhau trong không khí, không ai nói chuyện với ai. Mọi người đều bận bịu với công việc của mình.

Chủ nhà hàng là một người Iran giàu có, nói nhiều. Nhiều lần ông uống rượu và trong trạng thái say rượu, ông cho tôi những bài thuyết giảng dài rằng sự giàu có này không phải là từ trên trời rơi xuống và không phải là của thừa kế từ cha của ông.

Ông nói: “Cũng giống như chú em, tôi làm việc rất vất vả cho tới khi tôi đạt tới vị trí này”.

Tôi không biết tại sao ông thuyết giảng cho tôi như vậy. Có phải ông muốn tôi làm việc chăm chỉ và tốt hơn cho ông, hay ông muốn chống chế cho hiện thực vất vả tôi đang đối mặt?

Chú tôi là bạn của ông chủ. Sau khi tôi đến Mỹ được một tuần, chính chú tôi đã đưa tôi tới nhà hàng và nhận việc làm này cho tôi. Từ ngày đầu tiên tôi đã không thích nó. Công việc này khó mà làm cho một người đàn ông suốt đời chưa hề rửa một cái tách, ly hay đĩa nào ưa thích. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhà bếp của một nhà hàng. Tôi không thể tưởng tượng được làm sao mà cái bếp nhỏ này lại có thể phục vụ được tất cả thực khách. Tất cả nhân viên được đặt dưới quyền một người đàn ông tánh tình cáu kỉnh được gọi là “ông quản lý”. Trong giờ làm việc, chúng tôi làm như cái máy. Việc riêng duy nhất chúng tôi có thể làm là suy nghĩ.

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng ở Mỹ có những cái nồi như thế này. Những cái nồi này làm tôi nhớ đến đám cưới của anh tôi ở Afghanistan. Nó nhắc tôi nhớ đến ông bếp chúng tôi gọi là Agha Lala. Mặc dù ông có vẻ khắc khổ, lạnh lùng, nhưng ngay khi quen với ông, thì thấy ông là người rất tử tế, thông minh.

Ở đây người ta không thể nấu món “plauw”. Trong cái nồi này, họ nấu món gì đó tương tự như món “shor-ba”, và gọi đó là súp. Nồi súp này đủ cho hàng trăm người dùng và đem lại hàng ngàn đô la cho ông chủ nhà hàng. Cuối đêm, thằng tôi tội nghiệp phải rửa những nồi, chảo, muôi và tô. Tôi không nói ra sự bất mãn của mình và chấp nhận cuộc sống này.

Tôi nghe nhiều người nói công việc đầu tiên của họ ở Mỹ là làm ở trạm xăng hay làm người rửa chén như tôi; làm việc từ sáu mươi đến bảy mươi giờ một tuần và tương tự. Trước khi tôi có thể bàn bạc về công việc của tôi với họ, tôi buộc phải nghe những câu chuyện buồn tương tự như nhau. Tai tôi đầy những lời của họ và túi tôi thì rỗng tuếch. Đây là lý do tôi giữ lấy công việc này: Nuôi một người vợ và một đứa con thì không phải là trách nhiệm nhỏ. Tôi không còn trẻ dại để không cảm thấy hoàn cảnh của mình, nhưng tôi ghét công việc của tôi.

Nước Mỹ đã cho tôi biết một chuyện không hay. Nói cho cùng, tôi là một nhà văn và là một nhà thơ trong nhiều năm, tôi thuộc về lĩnh vực này và đã hoàn thành sự học. Nhưng tôi biết rằng khoe ra và nói về mình chẳng là gì ở đây, và đối với nhiều người, bàn về thơ ca và nghệ thuật là buồn cười hay là dấu hiệu của sự mất trí. Tôi có lần mượn của người bạn cuốn sách “Ở phương Tây không có ai quen”, đọc xong trong ba đêm. Bây giờ tôi hiểu cuốn sách nói gì. Tuy nhiên, có công việc này còn tốt hơn là không, đồng nghĩa với việc không có lương. Tôi đang đợi kỳ lương đầu tiên. Và với nó, tôi muốn mua quần áo, bút, tập cho đứa con trai năm tuổi chuẩn bị cho nó sẵn sàng vào nhà trẻ và cho vợ tôi tiền đi lại từ nhà đến trường cao đẳng thành phố theo học lớp ngôn ngữ. Nếu sau khi chi xong các khoản chi phí đó mà vẫn còn lại chút tiền thừa, tôi muốn mua vài thứ về nhà. Tôi làm việc bảy ngày một tuần từ hai giờ chiều đến mười một giờ đêm. Chủ nhà hàng biết rằng với vốn tiếng Anh ít ỏi của tôi, tôi không thể tìm được công việc tốt hơn. Vì vậy nếu mà tôi có làm việc cực nhọc hơn, ông ta cũng sẽ không lên lương cho tôi.

Vợ tôi luôn luôn nói: “Ông Javid, ông chủ đã tìm được một người vô dụng để sử dụng”.

Tôi luôn đồng ý với vợ nhưng không nói ra.

Tôi chưa làm chủ được một chiếc xe, tôi đã tự bảo mình rằng chiếc xe đầu tiên tôi sẽ mua là cho vợ tôi. Trong nhiều giờ, tôi và vợ nghiên cứu tập sổ tay dành cho người lái xe, mặc dù lúc này chúng tôi còn chưa biết luật giao thông.

Nhà hàng tôi làm việc cách xa nhà tôi. Tôi không thể đi xe buýt suốt tuyến. Đầu tiên tôi phải đi bộ khoảng hai dặm đến trạm xe buýt. Tôi đợi xe buýt từ mười lăm đến hai mươi phút, mất thêm bốn mươi lăm phút để đến trạm xe buýt gần với nhà hàng nhất. Khi xuống xe, tôi đi bộ khoảng hai mươi phút hay hơn để đến nhà hàng.

Dù muốn hay không, tôi phải rời nhà tầm mười hai giờ rưỡi chiều và về nhà khoảng một giờ sáng hay trễ hơn. Tôi luôn bảo vợ đừng có đợi tôi và cứ ngủ đi, nhưng nàng không nghe. Nàng chập chờn nửa thức nửa ngủ đợi tôi về. Như vậy, công việc ở nhà hàng đã chiếm mất cuộc sống của tôi.

Vào giờ khuya khoắt đó ban đêm, chiếc xe buýt thưa người. Những người tôi thấy trên xe là những người đã thấy đêm trước ngồi ở những chỗ của đêm trước, cử chỉ của họ cũng chẳng khác gì đêm trước. Tôi cảm thấy tất cả chúng tôi trở thành một bộ phận của chiếc xe buýt.

Có một bà béo da đen giống như tôi trở về sau một ngày làm việc cực khổ; bà ngủ ngay trên xe buýt. Mỗi lần tài xế đạp thắng, chiếc xe rung lên. Thì bà cử động một chút, mở mắt ra và sau vài giây, lại ngủ trở lại. Có một thanh niên, có lẽ là sinh viên, luôn luôn mang theo ba lô đi học và một cuốn sách trong tay. Cậu ta ngồi ở ghế đầu và say sưa học. Sự tập trung thực sự của cậu ta là nơi cuốn sách, và cậu ta không hề nhìn ra ngoài hay nhìn những người hành khách khác. Tôi không biết làm sao cậu ta biết xe buýt đến trạm của cậu.

Tôi thường ngồi ở giữa xe nhìn ra các gian hàng và đường phố. Tôi luôn nghĩ về nhiều chuyện khác nhau, những chuyện chẳng đưa lại kết quả gì.

Phần còn lại của xe buýt không thay đổi gì nhiều mỗi đêm ngoại trừ vài gã say rượu. Một số gã ngủ trên những băng ghế dài ở sau xe, nói một mình oang oang. Thỉnh thoảng vài cô gái trẻ có dắt theo em bé lên xe, hoặc có vài người phụ nữ khác, có trời mới biết họ làm nghề gì.

Tài xế xe buýt là một ông già hiền lành. Nhiều lần ông nhìn những người khách nói oang oang qua kính chiếu hậu. Ông nói: “Kiềm chế lại nhé!”. Những người khách làm ồn nghe lời ông tài xế, nhưng sau vài phút im lặng, họ lại bắt đầu lớn tiếng.

Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những kỷ niệm của đêm hôm đó. Đó là đêm mười một tháng sáu, và là khi tôi đã làm việc được mười lăm ngày. Tôi lĩnh kỳ lương đầu tiên, gồm những tờ năm đô la và một đô la. Ông chủ đếm tiền rất chậm trước mặt tôi. Tôi tự mình đếm lại tiền. Số tiền là hai trăm hai lăm đô. Tôi cất tiền vào cái ví chú tôi cho và nghĩ về những nhu cầu của đời sống tôi có thể giải quyết với khoản tiền này. Tuy nhiên, tôi còn biết trước về mọi chuyện khác, tôi phải quan tâm đến nhu cầu của con tôi đã ghi tên vào nhà trẻ. Tôi cần mua cho nó quần áo, ba lô đi học và một số đồ chơi.

Người ta đã dặn tôi nhiều lần và tôi biết ở Mỹ không nên mang theo tiền mặt quá nhiều vì luôn có những cơ hội bị cướp. Nhưng tôi không thể tránh được việc này vì thỏa thuận giữa tôi và ông chủ là tôi lĩnh lương hai lần một tháng. Khi công việc của tôi xong, dáng vẻ của tôi nhếch nhác và xơ xác. Không ai có thể nghĩ rằng tôi có tiền.

Tôi xuống xe lúc mười hai giờ rưỡi khuya, đi thẳng về nhà và rất khát. Đây là lần đầu tiên tôi muốn uống một chút gì vào giờ này ban đêm. Tôi vào cửa hàng trên đường về. Bên trong cửa hàng có mấy người phụ nữ trẻ không có gì đáng chú ý, họ đang xem mấy cuốn tạp chí. Khi một người khách vào trong cửa hàng, họ nhìn người khách, nói chuyện với nhau rồi cười. Tôi biết tốt nhất là giả vờ không để ý đến những người phụ nữ trẻ này. Bất kỳ khi nào tôi thấy rắc rối ở đâu đó, tôi cố lãng đi cách khác. Tôi làm như vậy ở đây, giấu đi niềm hãnh diện của mình, đọc kinh cầu nguyện và cứ đường mình mà đi.

Tôi giải khát, rút ví ra trả tiền cho người chủ tiệm.

Suốt cả ngày, tôi quay cuồng với công việc và mệt lả. Cơ thể tôi đẫm mồ hôi. Tôi uống nhanh, cảm thấy tốt. Tôi muốn về nhà nhanh. Sau khi đi được vài bước, tôi nghe tiếng một chiếc xe thắng lại. Mấy thằng thanh niên ra khỏi xe la lên: “Nó đi bộ, nó đi một mình”.

Tôi nhìn họ không sợ sệt. Nhưng con đường này nổi tiếng vì tỉ lệ tội phạm cao. Hơn nữa, đang lúc nửa đêm, lẽ nào không nên sợ nhóm thanh niên này? Họ nhanh chóng ra khỏi xe. Tôi nghĩ mình đã thấy một trong những gã này vài phút trước đây trong cửa hàng. Gã có vẻ rất dữ dằn. Gã cầm một chai rượu trong tay và ngậm điếu thuốc lá trên miệng. Một đứa khác nói to bằng tiếng lóng, mà tôi không hiểu.

Rồi gã đó nói với tôi: “Mày muốn sống thì đưa ví đây!”.

Nhiều người đã cảnh báo tôi về việc này, và bây giờ sự thể xảy ra với tôi quá sớm! Tôi suy nghĩ một giây, nếu tôi sa vào cuộc ẩu đả với bọn này, có lẽ tôi phải nhanh chóng bỏ chạy. Ngoài ra tôi biết trong những tình huống như thế này, ở nước tôi, những cuộc ẩu đả hẳn đã bắt đầu.

Tôi chầm chậm đưa ví cho thằng thanh niên đã quát tôi. Nó tiếp tục quát. Điều duy nhất tôi có thể hiểu là chúng lẽ ra đã đập tôi. Chiếc xe nhanh chóng chạy đi. Tôi thấy có hai người xem toàn bộ vụ này từ xa, nhưng họ đã rẽ vào một đường khác.

Vài phút sau, tôi đi về nhà. Lúc đó mắt tôi trào lệ. Những giọt lệ của một người đàn ông là những giọt nước mắt đau đớn thật sự. Nước mắt tôi trào không phải vì mất tiền mà vì tôi là một người vô dụng. Tôi cảm thấy họ đã trấn lột tôi, mà tôi lại không thể làm gì. Họ không chỉ lấy đi khoản tiền lương của tôi, mà còn lấy đi cả danh dự của tôi nữa. Họ lấy đi những niềm hy vọng của tôi đặt vào nơi này. Tôi nghĩ về đứa con năm tuổi của mình đang lặng lẽ ngủ và vợ tôi ngủ chập chờn chờ tôi về. Nước mắt tôi khô đi. Và tôi đi bộ về nhà./.

VÕ HOÀNG MINH (Bình Thuận)

dịch từ “The Wages”

_______________

* Truyện ngắn này được đăng lần đầu trong tạp chí Caravan số 61. Được Farhad Azad dịch từ tiếng Dari sang tiếng Anh đăng trên tạp chí Lemar-Aftaab số tháng Giêng-Ba năm 2000.

Tiền lương