Chiếc ví bị mất - một chuyện tình tuyệt diệu

TAP CHÍ LANGBIAN|4/22/2021 3:56:20 PM

Chiếc ví bị mất - một chuyện tình tuyệt diệu                                                                                                                

ALLAN WILSON  (Anh )

Vào một ngày đông lạnh lẽo, trên đường đi bộ về nhà tôi vấp phải một chiếc ví ai đó đã đánh rơi. Tôi nhặt lên mở ví ra hy vọng trong đó có thẻ căn cước hay số điện thoại để có thể liên hệ với chủ nhân chiếc ví. Nhưng trong đó chỉ có 3 đô la và một phong bì thư đã nhàu nát và sờn hết mép - có vẻ như nó đã nằm trong ví từ rất lâu. Trên phong bì nét chữ đã mờ ghi địa chỉ người nhận vẫn có thể đọc được. Tôi mở thư ra thấy đề năm 1924. Vậy là bức thư này được viết cách đây 60 năm. Chữ viết tay trong thư rất mềm mại giàu nữ tính và nét chữ tuyệt đẹp trên giấy pơ luya xanh nhạt có in bông hoa nhỏ màu hồng trên góc cao bên phải tờ giấy. Bức thư đó gửi cho người có tên là Michael. Cuối thư có ký tên Hannah. Như vậy, đây là bức thư cuối cùng Hannah gửi cho Michael - vì mẹ cô cấm đoán không cho cô gặp Michael nữa. Trong thư chia tay Hannah nhắn lại: Dù vậy cô vẫn luôn yêu anh.

Không có bất cứ thông tin nào khác, do vậy tôi phải nhờ người trực Tổng đài tìm giúp trong danh bạ xem có ai tên là Hannah hay Michael không? Sau hồi lâu cô trực gọi lại thông báo cho tôi biết một địa chỉ có tên Hannah. Khi tôi xin số điện thoại thì cô từ chối, giải thích rằng vấn đề giao dịch cần phải tế nhị và lịch sự. Để cô điện tới địa chỉ ấy xem họ có đồng ý liên lạc với tôi không? Chờ trong chốc lát cô nối đường dây gọi lại báo cho tôi biết nơi bà Hannah hiện ở đã đồng ý. Anh hãy nói chuyện trực tiếp với họ, bởi tôi đang bận trả lời những khách hàng khác. Khi tôi hỏi người phụ nữ ở đường dây bên kia xem họ cho biết Hannah có ở đó không? Cô ta thở hổn hển nói: “ Chúng tôi đã mua ngôi nhà từ một gia đình có cô con gái tên là Hannah. Nhưng chuyện đó đã xảy ra 30 năm trước”. “Vậy bạn có biết hiện nay cô ấy ở đâu không?” - Tôi hỏi. “Tôi không có địa chỉ cô ấy hiện nay, nhưng theo trí nhớ của tôi thì dăm bảy năm trước cô ấy đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Anh phải lần theo dấu vết bà ấy may ra có thể tìm thấy.” Và người phụ nữ đó đã cho tôi số điện thoại của viện dưỡng lão.

Tôi gọi điện ngay cho viện. Cô trực đài cho biết bà mẹ cô Hannah đã qua đời mấy năm trước. Nhưng họ vẫn còn giữ số điện thoại ở nơi mà họ nghĩ rằng rất có thể cô Hannah - con gái bà cụ đang ở đó. Tôi cảm ơn và tiếp tục gọi vào số mới. Cô gái đường dây bên kia cho biết  là cô Hannah hiện đang sống trong một viện dưỡng lão. Loanh quanh mất quá nhiều thời gian. Tôi nghĩ: “Ai bắt mình mà phải khổ công đi kiếm tìm chủ sở hữu của chiếc ví chỉ có 3 đô la?” Tuy nhiên như một sự thôi thúc tôi vẫn nhấc máy gọi tới viện dưỡng lão - nơi họ cho rằng Hannah đang sống ở đó. Người đàn ông trực máy báo rằng cô Hannah đang ở chỗ anh ta.

Lúc này đã 10 giờ đêm nên tôi hỏi người trực liệu có thể đến gặp cô ấy không. Người đàn ông ngập ngừng chốc lát rồi nói: “Nếu anh muốn gặp trực tiếp cô ấy tốt nhất có thể đến ngay vì cô ấy đang ngồi xem tivi ở phòng sinh hoạt công cộng của các cụ tầng 3 tòa nhà lớn. Tôi lập tức đánh xe đi ngay. Tới nơi người bảo vệ và cô y tá đã đứng ở cửa đón tôi. Cô y tá dẫn tôi lên tầng 3 đi vào phòng công cộng. Cô giới thiệu tôi với cô Hannah.

Theo cảm nhận ban đầu tôi thấy cô Hannah là một phụ nữ lớn tuổi dịu dàng có nụ cười ấm ấp và đôi mắt long lanh - chắc thời trẻ cô là một thiếu nữ rất đẹp. Tôi giải thích với cô chiếc ví tôi nhặt được có bức thư mang tên cô và đưa cho cô. Cô rút bức thư ra nhìn hồi lâu vào trang giấy màu xanh có bông hoa ở góc rồi đưa lên mũi hít hà nó thật sâu và nói: “Từ khi gửi đi đây là lần thứ 2 tôi thấy chiếc phong bì và lá thư này. Nó là bức thư cuối cùng tôi liên lạc với chàng trai trẻ Michael.” Cô quay mặt đi hồi lâu như để nhớ lại ký ức sâu lắng rồi nói rất khẽ: “Tôi đã rất yêu anh ấy. Nhưng khi đó tôi chưa tròn mười sáu tuổi, mẹ tôi cho rằng tôi còn quá trẻ để yêu. Ôi! Bạn biết không? Anh ấy thật đẹp trai trông giống hệt như tài tử điện ảnh Connery.” Dừng lại đôi chút cô khẳng định lại lần nữa: “Đúng vậy! Michael vừa đẹp trai vừa là người đàn ông tuyệt vời. Nếu bạn tìm thấy anh ấy hãy nói với anh ấy rằng không ngày nào tôi không nghĩ về anh ấy.” Cô mím chặt hai môi giây lát: “Hãy nói với anh ấy tôi vẫn yêu anh. Và bạn biết không...?” Cô vừa nói vừa cười trong nước mắt đang trào ra: “Tôi chưa bao giờ kết hôn. Chưa có người đàn ông nào xứng đáng là địch thủ của anh ấy. Tôi rất yêu anh ấy.”

Tôi cám ơn cô Hannah và nói lời tạm biệt đi thang máy xuống tầng một. Người bảo vệ hỏi tôi: “Bà già đó có giúp được gì cho anh không?” Tôi trả lời rằng: “Ít nhất bà ấy đã xác định chính xác cho tôi cái tên chủ nhân chiếc ví này để tôi tìm đến. Tôi nghĩ công việc tiếp theo phải gác lại sau bởi đã quá muộn rồi.” Vừa nói tôi vừa giơ chiếc ví màu nâu đơn giản có ren màu đỏ viền xung quanh. Nhìn thấy nó người bảo vệ reo lên: “Hây, hây! Hãy đợi một chút. Đó là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi biết chắc chắn chiếc ví có viền màu đỏ tươi đó. Ít nhất tôi đã nhặt được nó 3 lần ở phòng ăn và phòng hội họp của viện dưỡng lão này. Ông lão ấy rất hay đánh rơi ví.” Tôi ngớ người ra chưa hiểu hỏi anh ta: “Ông Goldstein là ai? Ông ấy làm gì ở đây?”- Nhưng tay tôi bắt đầu run run.

“Đó là ông lão gần tám mươi ở tầng tám. Tôi cam đoan đúng là ví của ông ấy. Chắc ông đã đánh rơi nó khi có việc gì đó đi ra bên ngoài.” Tôi cám ơn người bảo vệ rồi chạy nhanh tới chỗ cô y tá trực đêm nói lại lời người bảo vệ với cô ấy và chúng tôi vội vã vào thang máy lên tầng tám. Trong thang máy cô nói với tôi: “Đó là một ông già hiền lành rất đáng yêu. Ông ấy có sở thích đọc sách, thường ngồi một mình rất khuya trong phòng sinh hoạt công cộng của người già tầng tám. Tôi hy vọng ông ấy vẫn đang ở đó.” Đúng như cô dự đoán, cả tầng tám duy nhất chỉ còn ánh sáng hắt ra từ phòng sinh hoạt công cộng. Cửa phòng vẫn rộng mở. Tôi và cô y tá bước vào chào ông. Ông ngước mắt lên ngạc nhiên khi cô y tá hỏi: “Ông có mất ví tiền không?” Quý ông đút tay vào túi quần sau rồi thất thanh kêu lên: “Ôi không! Chiếc ví của tôi biến đi đằng nào không biết. Nó không còn trong túi quần của tôi nữa. Chúa ơi! Tôi rất cần có nó.”

Lúc này tôi mới chìa chiếc ví ra hỏi liệu có phải của ông không? “Ôi thân nhân! Đúng nó là của tôi. Bạn đã nhặt được nó ở đâu? À, à... Đúng rồi! Chiều nay tôi có chút việc phải đi ra ngoài. Thân nhân! Tôi phải dành một phần thưởng cho bạn mới được.” Rồi ông xuýt xoa cám ơn mấy lần. “Không cần làm như vậy đâu. Xin cám ơn ông.” Tôi nói. “Nhưng tôi muốn thông báo cho ông là tôi không chỉ đọc bức thư mà còn biết người gửi thư cho ông hiện đang ở đâu.” Nụ cười trên khuôn mặt ông bỗng tắt hẳn và sắc mặt bỗng tái nhợt như người mất hồn. Ông lắp bắp nói không ra hơi: “Anh biết cô Hannah ở đâu à? Có đúng là cô Hannah của tôi không? Cô ấy đang ở đâu? Cô ấy trông thế nào, vẫn xinh đẹp như xưa chứ? Xin vui lòng cho tôi biết...”  ông tha thiết cầu xin tôi. “Đúng vậy! Cô ấy vẫn xinh đẹp như trước đây ông gặp cô ấy.” Tôi nói nhỏ và khẽ mỉm cười.

Ông lão cũng mủm mỉm cười hỏi: “Anh có số điện thoại của cô ấy không? Ngày mai tôi sẽ gọi điện thoại đến cô ấy.” Ông nói rồi nắm lấy tay tôi trần tình: “Tôi đã yêu cô gái trẻ đó sâu sắc đến nỗi không thể thiếu được những bức thư chan chứa tình cảm của cô. Những bức thư ấy như cơm ăn, nước uống, như cuộc sống thiết yếu của tôi. Bức thư cuối cùng cô viết chia tay tôi nhận và tôi hiểu rằng cuộc đời của tôi coi như chấm hết. Tôi giữ gìn bức thư đó như giữ gìn chính nhân mạng của tôi và đó là lý do tôi còn sống đến hôm nay. Sau tình yêu với Hannah tôi không yêu và chưa hề kết hôn với ai. Mà làm sao yêu ai được nữa cơ chứ? Cô ấy là một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, dịu dàng, là thần tượng của tôi. Tới giờ tôi vẫn luôn yêu cô ấy.”

“Ông Goldstein! Như tôi đã nói tôi biết cô ấy ở đâu. Hãy đi với tôi.” Cả ba chúng tôi vào thang máy xuống tầng ba. Cô y tá nhẹ nhàng gọi tên cô và chỉ vào ông Michael đang đứng cùng tôi ở ngưỡng cửa hỏi: “Cô có biết người đàn ông này là ai không?” Cô Hannah chỉnh lại kính nhìn một lát lặng đi không nói một lời nào. Ông Michael khẽ nói: “Hannah! Ôi Hannah bạn còn nhớ tôi không?” Cô Hannah ngẹn lời thở hổn hển: “Michael! Michael! Anh đấy ư” Ôi, ôi! Có phải tôi đang mơ không? Có đúng anh  không? Ôi! Em không thể tin nổi. Ôi! Michael của tôi.” Ông Goldstein chầm chậm tiến lại rồi cả hai ôm chầm lấy nhau.” Cô y tá và tôi rân rấn nước mắt lặng lẽ rút lui trong giờ phút thiêng liêng của họ.

Khoảng ba tuần sau tôi nhận được một cuộc gọi từ nhà dưỡng lão. Ai đó đã điện thoại hỏi liệu tôi có sắp xếp được ngày chủ nhật đến dự một đám cưới giữa ông Michael và bà Hannah do viện dưỡng lão đứng ra tổ chức? Làm sao tôi có thể từ chối được? Tôi nhất định phải được chứng kiến thành quả của mình.

Đó là một đám cưới muộn màng nhưng đẹp tuyệt vời. Tất cả mọi người trong viện dưỡng lão đều có mặt và mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Hôm nay cô dâu chú rể thật đẹp và như trẻ ra hàng chục tuổi. Cô Hannah diện bộ váy áo màu be nhạt rất trẻ trung, còn ông Michael trong bộ com lê màu xanh lá cây sẫm. Cô dâu chú rể đã trân trọng giới thiệu tôi như một ân nhân thân thiết tốt của họ, làm tôi vô cùng xúc động và tự hào.

Viện dưỡng lão đã sắp xếp cho họ phòng riêng có đầy đủ tiện nghi cần thiết. Họ sẽ sống cùng nhau ở đó cho đến hết đời. Nếu bạn muốn thấy một cô dâu bảy mươi sáu tuổi và chú rể bảy mươi chín tuổi đã hành động e thẹn, nhí nhảnh như hai thiếu niên tuổi Teen như thế nào thì hãy đến gặp cặp vợ chồng đang tràn trề hạnh phúc này.

Một kết thúc hoàn hảo, lý tưởng và tuyệt vời cho một mối tình kéo dài gần sáu mươi năm.

*Ghi chú: Ở các nước phương Tây người phụ nữ dù ở tuổi nào mà chưa kết hôn đều được gọi bằng cô.

                                                           ĐINH ĐỨC CẦN (dịch từ nguyên tác Anh ngữ)

Chiếc ví bị mất - một chuyện tình tuyệt diệu