Subha
Rabindranath Tagore (Ấn Độ)
Khi cô được đặt tên là Subhashini, ai có thể nghĩ rằng cô bị câm? Hai cô chị lớn hơn của cô là Sukeshini và Suhasine. Để cho tên gọi giống nhau, cha cô gọi cô con gái nhỏ nhất là Subhashini. Cô được gọi tên tắt là Subha.
Hai cô chị lấy chồng, với tổn phí và sự khó khăn như thường thấy. Cô con gái nhỏ nhất giờ là gánh nặng âm thầm đè lên lòng dạ cha mẹ cô. Người ta nghĩ rằng, vì cô ta câm, do đó cô không có ý thức. Họ bàn tán về tương lai bất ổn của cô ngay trước mặt cô. Từ thuở ấu thơ, cô đã hiểu rằng thượng đế đã gửi cô đến để làm một câu chửi cho cha mẹ cô; do vậy cô sống kín đáo, không muốn giao du. Nếu người ta quên lãng cô, cô có thể chịu đựng được, nhưng ai có thể lãng quên nỗi đau? Cha mẹ cô khổ đau về cô ngày và đêm. Mẹ cô thấy chính bà như bị tàn tật. Các bà mẹ coi con gái là thân thiết hơn con trai; do vậy sự khiếm khuyết của con gái là nỗi hổ thẹn đối với họ. Ông Banikantha, cha cô thương cô hơn hai cô chị, mẹ cô coi cô là vết nhơ trên chính thân thể bà.
Tuy Subha không nói được nhưng cô có đôi mắt đen to, lông mi dài; môi cô run lên như một chiếc lá khi trong đầu cô nảy ra một ý nghĩ nào đó.
Khi chúng ta có suy nghĩ gì đó trong đầu, việc tìm phương tiện diễn đạt là không dễ. Phải có một tiến trình diễn dịch mà sự diễn dịch này đôi khi không chính xác; vì vậy, chúng ta truyền tin sai đi những gì muốn nói. Nhưng đôi mắt đen không cần sự diễn dịch; não bộ là trợ thủ của chúng. Trong đôi mắt đó, ý nghĩ đóng hoặc mở, sáng hoặc tối, chói lọi như trăng tròn hoặc lóe sáng như ánh chớp trên bầu trời. Những ai bị câm bẩm sinh, ngoài việc chỉ biết run đôi môi còn có ngôn ngữ của ánh mắt. Chúng là nguồn diễn đạt vô tận, sâu như đại dương, rõ sáng như bầu trời - nơi có bình minh và hoàng hôn, có ánh sáng và bóng tối. Người câm có khả năng lớn lao như tự nhiên. Tuy nhiên, bọn trẻ sợ, không dám chơi với cô. Cô lặng im và cô quạnh như buổi trưa.
Thôn cô sống có tên là Chandipur. Ở đó có một con sông nhỏ, eo hẹp như cuộc sống của cô con gái gia đình trung lưu. Con sông chẳng bao giờ chảy tràn bờ, ngược lại êm đềm như cuộc sống của cư dân hai bên bờ. Hai bên bờ sông là nhà cửa và có bóng cây che mát. Nhờ thần sông là phúc thần cho mỗi nhà, bà đôi lúc rời khỏi ngôi nữ hoàng của mình, xao nhãng thực thi việc ban ơn lành vô tận bằng cách bước đi dài thườn thượt.
Nhà của ông Banikantha trông ra con sông. Những người chèo ghe đi qua đều có thể nhìn thấy mỗi ngôi nhà, mỗi đống rơm hai bên sông. Giữa cuộc sống sôi động đó, không biết có ai thấy cô bé nhỏ nhắn ra đứng bên bờ sông sau khi làm xong công việc không? Ở đó, mẹ Tự nhiên đáp lại lòng mong cầu nói được và nghe được của cô. Con từng cố lắng nghe tiếng dòng sông thì thầm, tiếng ai đó hò, tiếng hát của những người chèo thuyền, tiếng chuông và cây lá xạc xào. Chúng như những con sóng dội vào linh hồn cô. Những lời thì thào và sự chuyển động của tự nhiên như hiểu được ngôn ngữ của cô gái câm. Cô nói với thế giới quanh mình bằng đôi mắt đen có lông mi dài. Chỉ có tiếng khóc và tiếng thở dài trên cây cối có ve kêu và trên các vì sao xa lặng lẽ. Đối với cô, chúng không là gì cả, chỉ là các cử chỉ và dấu hiệu. Dưới vòm trời mênh mông giữa trưa, khi ngư phủ ăn trưa, khi dân làng và chim chóc im ắng, khi những con đò nằm im ắng, khi cả thế giới bận rộn đã nghỉ ngơi và trở thành một con vật khổng lồ, cô độc, chỉ có tự nhiên câm lặng và cô gái câm ngồi lặng yên. Thế giới tự nhiên dưới nắng vàng trải rộng còn cô gái câm thì ngồi dưới bóng cây.
Nhưng Subha không phải không có bạn bè. Trong chuồng có một con bò là con Sarbbashi và con Panguli. Chúng chẳng bao giờ nghe cô gọi tên chúng nhưng chúng biết bước chân cô. Dù cô không nói được nhưng chúng hiểu lời ậm ừ đầy yêu mến của cô hơn mọi lời nói khác. Subha đi vào chuồng và lấy cánh tay ôm cổ con Sarbbashi. Cô áp má mình vào má bạn mình và con Panguli sẽ đưa mắt nhìn cô và liếm mắt cô. Cô gái vào chuồng thăm chúng đều đặn ba lần mỗi ngày, thậm chí còn hơn. Bất cứ khi nào cô thấy mình bị tổn thương, cô sẽ tìm đến hai người bạn không nói được tiếng người đó. Chúng hình như hiểu được sự đau khổ khi nhìn vào ánh mắt buồn của cô. Chúng sẽ đến gần cô, nhẹ cạ sừng vào cánh tay cô và an ủi cô bằng ngôn ngữ không lời. Ngoài hai người bạn này, Subha còn có các bạn khác là dê và mèo con. Nhưng cô không mến chúng bằng chúng mến cô. Mỗi khi có dịp, dù là ngày hay đêm, chú mèo con sẽ nhảy vào lòng cô và ngủ ở đó. Nó thích thú khi Subha lấy cái ngón tay mềm mại vuốt cổ và lưng nó.
Subha còn có một bạn trai. Khó có thể nói cho chính xác quan hệ này là gì. Chàng có thể nói được một thứ ngôn ngữ khác ngôn ngữ thông thường. Chàng là một chàng lãng tử, con trai út của gia đình Gosains, tên là Pratap. Sau nhiều cố gắng, ba mẹ chàng không còn hy vọng là chàng có thể tự mình kiếm sống. Do không bị công việc ràng buộc, nên họ trở thành những kẻ không ai không biết. Nếu ở các thị trấn, người ta cần hai, ba chỗ để vui chơi và hít thở, thì ở cái ngôi làng cũng cần có vài chàng lông bông. Nếu chúng ta lười biếng và cần bạn thì họ luôn sẵn sàng.
Pratap có mối quan tâm chính là câu cá. Anh ta dùng phần lớn thời gian của mình để đi câu. Gần như chiều nào người ta cũng thấy anh ở dưới sông. Do vậy, anh gặp Subha. Dù gì thì anh cũng cần có bạn và một người câu cá thì thích nhất là có một người bạn câm! Pratap thích Subha vì cô lặng lẽ. Mọi người gọi cô là Subha nhưng anh vì mến cô nên gọi cô là Su. Subha thường ngồi dưới một gốc me và xa một tí, Pratap ngồi câu. Pratap thường mang theo trầu và Subha quấn trầu cau cho chàng. Tôi cho rằng, do ngồi nhìn quá lâu, cô rất muốn làm gì đó giúp chàng ta, mà là giúp thực sự, để chứng tỏ cô không phải là gánh nặng trên đời. Nhưng không có gì để giúp. Do vậy, cô nhìn lên trời cầu xin trời trao cho cô một phép lạ, để hành động của cô làm Pratap giật mình và thốt lên, “Ô, đời chưa bao giờ nghĩ Su của chúng tôi có thể làm được điều này!”.
Subha ước mình là nữ thần sông, trồi lên từ lòng sông, đầu đội vương miện đính ngọc. Sau đó Pratap sẽ bỏ cần câu, lặn xuống nước và thấy dưới đó có một chiếc giường vàng trong một lâu đài bạc có Su bé nhỏ, bị câm ngồi trên giường. Nếu không phải là Su thì là ai? Vâng, Su của chúng ta khi đó là con gái của một vị vua của thành phố châu ngọc. Nhưng điều đó là không thể. Chỉ có Su sinh ra không phải trong lâu đài của vua Patalpur mà là trong gia đình ông Banikantha và cô không có cách nào để làm cho con trai ông Gosains sửng sốt. Dần dà cô lớn lên. Dần dà cô biết được số phận mình. Một thứ ý thức không thể diễn tả được, như cơn thủy triều giữa biển, nơi có mặt trăng tròn, tràn qua cô. Cô tự vấn mình nhưng cô không có được bất cứ câu trả lời nào.
Có lần nọ, khi trăng tà, cô nhẹ mở cửa và lặng lẽ bước ra. Vầng trăng cũng cô độc như Subha, đang chiếu soi lên mọi vật. Con tim trẻ trung của cô đập nhịp nhàng, buồn vui lẫn lộn. Cô đang đi tới tận cùng của sự cô độc và giờ thật sự đã vượt ra khỏi nó. Tim cô nặng trĩu, cô không thể nói được gì. Trong ánh trăng bàng bạc, có một cô gái âu lo và lặng lẽ.
Ý nghĩ là sẽ gả chồng cho cô làm ba má cô bồn chồn. Gia đình Banikantha khá giả. Họ ăn cary cá hai lần mỗi ngày và tất nhiên họ không thiếu kẻ thù. Các bà trong làng tọc mạch và ông Banikantha bỏ đi vài ngày. Giờ ông về và nói: “Chúng ta phải đi Calcutta”. Họ sửa soạn để đi. Lòng Subha nặng trĩu. Cô khóc, nước mắt như sương sớm. Với nỗi lo sợ chất chồng đã lâu, cô lặng lẽ đi theo ba má cô, như một con thú bị câm. Cô mở to mắt, liếc nhìn cha mẹ, như muốn được biết điều gì đó. Nhưng họ không nói với cô lời nào. Vào một buổi chiều khi đó, Pratap nói khi đang câu cá: “Vậy là Su sắp được gả chồng! Đừng quên anh đó nhé!”. Nói xong, anh ta lại chú tâm câu. Subha dịu hiền nhìn Pratap nhưng lòng đau đớn, như muốn nói, “Em phải làm gì cho anh đây?”. Từ ngày đó, cô không còn ngồi dưới gốc cây me nữa. Ông Banikantha chơi bài xong, đang ngồi hút thuốc lá trong phòng. Subha đi vào, quỳ dưới chân ông và nhìn ông, òa khóc. Ông cố an ủi cô, nước mắt ông lăn dài trên má.
Họ quyết định là ngày mai sẽ đi Calcutta. Subha vào chuồng bò nói lời chia tay với những người bạn từ thời ấu thơ. Cô lấy tay vuốt ve chúng, ôm cổ chúng, nhìn vào khuôn mặt chúng và nước mắt cô chảy dài thay cho lời nói: Đó là đêm mồng mười. Subha đến nằm trên thảm cỏ ven sông. Cô muốn dang tay ôm mẹ Đất - người mẹ mạnh mẽ dù thầm lặng và cô như muốn nói: “Đừng bỏ con. Hãy ôm chặt con, như con đang ôm mẹ”.
Ngày đó ở Calcutta, mẹ cô vận quần áo cho cô. Bà tết tóc con rít và đeo nữ trang cho cô, cố làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của cô. Đôi mắt Subha đẫm nước mắt. Mẹ cô sợ mặt cô sưng lên vì khóc, đã mắng cô nhưng nước mắt của bà làm cho lời mắng không còn ý nghĩa gì. Chú rể đi với một người bạn đến xem mắt cô dâu. Ba mẹ cô lòng rối bời, lo âu, xốn xang khi thấy vị thần đến để chọn con vật làm của hiến tế. Mẹ cô và cô ngồi phía sau bức màn. Bà hướng dẫn cô mọi sự, khiến cô khóc to gấp đôi, trước khi dẫn cô ra gặp chú rể. Chú rể sau khi nhìn ngắm cô, nói rằng: “Không quá tồi!”.
Anh ta chú ý tới việc cô khóc và nghĩ rằng cô có lẽ có con tim dịu hiền. Anh ta đề nghị được gửi tiền cho cô qua tài khoản và nhận định rằng sự đau khổ vì phải chia lìa ba mẹ hôm nay chứng tỏ cô là người phụ nữ nhân hậu. Như ngọc của con sò, nước mắt của con gái khóc cha mẹ làm gia tăng giá trị của cô ấy. Anh ta không có bình luận gì thêm. Ngày cưới đã được định, sẽ diễn ra vào một ngày tốt. Sau khi giao con gái cho kẻ khác, ba má Subha trở về nhà. Cảm ơn thượng đế! Số phận của họ kiếp sau đã được định đoạt. Chú rể ở miền Tây và sau ngày cưới, anh ta đưa cô về đó.
Chưa tới mười ngày, ai cũng biết cô dâu là người câm. Nhưng đó không phải là lỗi của cô. Cô không lừa ai cả. Đôi mắt cô muốn thanh minh nhưng không ai hiểu. Cô nhìn mọi người nhưng không ai nói gì. Cô tìm kiếm những khuôn mặt quen thuộc từ thuở ấu thơ là những người hiểu ngôn ngữ của người câm. Có tiếng khóc nỉ non không dứt trong lòng cô, chỉ có thần Đồng cảm mới hiểu được!./.
Trần Ngọc Hồ Trường (Nha Trang)
Dịch từ tiếng Anh, tại: https:// largepdf.com/mashi-
and-other-stories/