Văn hóa (VH) bản địa của các sắc tộc là những dòng chảy lớn nhỏ khác nhau, nhưng nó làm nên dòng VH chủ lưu của một dân tộc - quốc gia. Văn hóa là cội rễ của dân tộc nói riêng (như là sắc tộc) và nói chung (đại diện một quốc gia). “Cốt lõi của sức sống dân tộc là VH với nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống chính trị: Tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự hấp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1994, tr. 16). Vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản VH của các dân tộc là tất yếu. Tháng 12-1994, Hội nghị lần thứ VIII của UBQG về Thập kỷ Quốc tế phát triển VH của Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chủ trì, đã tập trung thảo luận chủ đề Bảo vệ và phát huy di sản VH Việt Nam, đặc biệt là di sản VH phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay thẳng thắn nói rằng vẫn những khoảng trống, khoảng mờ nhạt trong các biện pháp, giải pháp để bảo tồn và phát huy di sản VH nói chung và VH dân tộc bản địa nói riêng.
05/02/2021